Đảm bảo quyền của người khuyết tật không phải là việc ban ơn
Người khuyết tật luôn mong muốn được tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, học nghề, vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình.
Sáng nay, 16/4, những người khuyết tật, hội viên Hội người khuyết tật tỉnh Nam Định hội tụ, gặp mặt tổ chức kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4/2021).
Trong các phát biểu, chia sẻ, những người khuyết tật ở Nam Định nhắc lại những dấu mốc, sự kiện quan trọng của cộng đồng quốc tế, trong nước dành cho người khuyết tật, trong đó năm 1982, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã lần đầu công bố Ngày quốc tế Người khuyết tật, đến năm 1991 Đại hội đồng Liên hiệp quốc tiếp tục công bố Năm quốc tế Người khuyết tật và từ năm 1983 đến năm 1992 được cộng đồng quốc tế xem là Thập kỷ quốc tế Người khuyết tật.
Ở trong nước, năm 1998, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh về người tàn tật, tiếp đến là các nghị định, thông tư, hướng dẫn thi hành đã được ban hành.
Tất cả cùng hướng tới việc nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế, chính phủ các quốc gia, xã hội về các vấn đề của người khuyết tật, hướng tới mục tiêu đảm bảo sự an toàn, bình đẳng cho người khuyết tật, xây dựng một xã hội hòa nhập, không vật cản, đảm bảo đầy đủ các quyền của người khuyết tật, trong đó có quyền không bị phân biệt, đối xử, quyền được trợ giúp, được tham gia vào tất cả các hoạt động, lĩnh vực của đời sống xã hội, không xem việc đảm bảo các quyền của người khuyết tật là sự ban ơn hay hoạt động nhân đạo.
Thông tin tại hoạt động kỷ niệm cho biết, cả nước hiện có gần 6,7 triệu người khuyết tật (chiếm 7,6% dân số); 80% trong số này sống ở nông thôn, 60% đang trong độ tuổi lao động.
Riêng tại tỉnh Nam Định hiện có hơn 42 nghìn người khuyết tật, phổ biến là bị khuyết tật vận động, khuyết tật nghe nói, khuyết tật nhìn, thần kinh-tâm thần, khuyết tật trí tuệ và các khuyết tật khác.
Tuy nhiên, trong phát biểu tại hoạt động kỷ niệm, Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh Nam Định nhìn nhận cuộc sống của người khuyết tật thường xuyên bị hạn chế do những rào cản hữu hình và những rào cản của xã hội.
“Chỉ có rất ít người khuyết tật được đào tạo nghề ngắn hạn; số người khuyết tật có việc làm ổn định cũng rất ít. Người khuyết tật luôn mong muốn được tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, học nghề, vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình”.