Ba thế hệ nhà văn ra mắt các bộ tuyển tập sách
Sáng 16/4, tại Hà Nội, lễ ra mắt sách của ba thế hệ gia đình nhà văn nhà báo Nguyễn Như Phong đã diễn ra long trọng. Trang tin Thời mới và công ty V Media tổ chức sự kiện.
Đến dự có nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều và nhiều nhà văn, nhà báo.
Thế hệ đầu tiên là nhà văn lương y Nguyễn Tử Siêu (1887-1965), nguyên quán xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội. Trong cuộc đời của mình cụ đã viết 34 tác phẩm với các thể loại từ khảo cứu (Sự nghiệp văn chương Nguyễn Trãi; Tôn Trung Sơn cách mạng sử; Gia lễ chỉ nam; Bạn đời xưa; Gái anh hùng; Bia của ai; Sư hổ mang), dịch thuật (Gươm cứu khổ; Bể tình nổi sóng; Bóng điệp hồn hoa; Cái nạn văn chương; Sống chế vì tiền; Nhân duyên mộng; Hán Sở tranh hùng; Tả truyện chú giải; Thủy hử; Ngũ hoa kiếm), thơ ca và tạp văn.
Nhưng đặc biệt là sáng tác về tiểu thuyết lịch sử: Tiếng sấm đêm đông (1928); Hai Bà đánh giặc (1929); Lê Đại Hành (1929); Vua Bố Cái (1929); Đinh Tiên Hoàng; Vua Bà Triệu Ẩu; Lý Nam Đế; Mai Hắc Đế; Trần Nguyên chiến kỷ; Việt Thanh chiến kỷ; Việt Nam lịch đại anh hùng cứu quốc sử ca…
Bên cạnh sáng tác văn chương, nhà văn Nguyễn Tử Siêu còn là một lương y nổi tiếng. Cụ từng là Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhiều năm. Lương y Nguyễn Tử Siêu đã viết, dịch hơn 20 cuốn sách Đông y mang bút danh Nguyễn An Nhân.
Một số sách của ông về y dược như Y học tùng thư, Sách thuốc trẻ em, Sách thuốc phụ nữ, Châm cứu sơ bộ thực hành và các sách dịch như Hoàng Đế nội kinh, Ngoại cảm thông trị, Khôn hoá thái chân, Tân châm cứu học…. đã được nhiều người tìm đọc và áp dụng.
Cuốn “Tử Siêu y thoại” là tác phẩm cuối cùng của tác giả.
Thế hệ thứ 2 là nhà văn Nguyễn Hoài An (1925-2001), con rể của nhà văn Nguyễn tử Siêu. Ông là người xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Hoài An tham gia cách mạng từ năm 1945. Năm 1952 là phóng viên báo Đại Đoàn quân tiên phong (sư đoàn 308) rồi là phóng viên báo Quân đội nhân dân từ 1954 đến 1960, sau đó làm việc tại báo Văn Nghệ. Nhà văn Nguyễn Hoài An viết nhiều bút ký.
Nói về ông, nhà văn Võ Khắc Nghiêm cho rằng văn chương Hoài An vạm vỡ như sức vóc con người ông và cũng phong lưu như cuộc sống “quý tộc nghèo” của ông. Nhà văn Hoài An là tác giả của nhiều bài bút ký nổi tiếng một thời như Tủa Chùa, miền đất lạ; Bí mật củ sắn, con lợn ở làng Đại Lâm; Đồng cỏ Mộc Châu; Bông Nà Sản… Trong cuộc đời của mình, ông viết hơn 300 truyện ngắn.
Cùng thế hệ thứ 2 là nhà văn Nguyễn Thiên Lương (1932 - 2010) là thứ nam của nhà văn, lương y Nguyễn Tử Siêu.
Ông đi giao liên từ năm 14 tuổi. Năm 1954, ông được điều lên Tây Bắc tham gia chiến dịch Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ) với chức vụ Tiểu đội trưởng bộ binh Tiểu đội I, Đại đội 261, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã in bước chân trên khắp các cánh rừng Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, đóng quân lâu nhất ở đèo Mang Yang.
Ông là tác giả của bộ sách thiếu nhi nổi tiếng Thú rừng Tây Nguyên và cuốn ký sự Cao nguyên thất thủ…
Thế hệ thứ 3 là nhà văn Nguyễn Như Phong, con trai của nhà văn Nguyễn Hoài An. Nhà văn nhà báo Nguyễn Như Phong nguyên Phó Tổng biên tập báo Công an nhân dân, nguyên Tổng biên tập báo điện tử Petrotimes.
Ông Nguyễn Như Phong từng được trao 3 giải thưởng về tiểu thuyết của cuộc thi "Vì bình yên cuộc sống" do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, 11 giải Báo chí quốc gia và nhiều giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn, bút ký của báo Văn Nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông xuất bản bộ tuyển tập Nguyễn Như Phong gồm 14 tập, trong đó có 1 tập bút ký, 2 tập phóng sự và 11 cuốn tiểu thuyết. 5 cuốn tiểu thuyết đã được chính tác giả chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình nhiều tập: Cổ cồn trắng, Bí mật những cuộc đời, Chạy án, Đồng tiền quỷ ám, Bí mật Tam giác Vàng.