Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang: Con đường tôi chọn đầy chông gai
Ngô Hồng Quang được đánh giá là một trong những nghệ sĩ đương đại hàng đầu tại Việt Nam, có công trong việc tìm tòi, hòa trộn để phát triển các chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam giới thiệu với thế giới. Anh đã đi qua gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dự án âm nhạc “Tình đàn” tôn vinh các nhạc cụ truyền thống vừa được Ngô Hồng Quang hoàn thành sau hơn một năm trở về Việt Nam.
Nhạc cụ dân tộc giúp tôi biết mình là ai
Tôi đã mong muốn được trò chuyện với anh nhiều lần, nhưng gặp một nghệ sĩ, một “công dân toàn cầu” như anh thật không dễ chút nào. Lúc thấy anh ở Hà Lan, khi lại thấy anh trong một dự án âm nhạc ở Pháp, ở Bỉ… May mắn lần này gặp anh ở Hà Nội. Có lẽ là nhờ… Covid-19?
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang: (Cười) Vâng, tôi đã về Việt Nam từ cuối năm 2019, lúc đại dịch Covid-19 mới bắt đầu. May mắn là lúc đó tôi có show diễn tại Hà Nội và TP.HCM nên nhân tiện chuyến đi này tôi đã quyết định huỷ vé chiều về châu Âu và ở lại luôn cho tới bây giờ.
Phải chăng nhờ thời gian ở Việt Nam tránh dịch, anh hoàn thành được những dự án ấp ủ đã lâu? Trong đó album “Tình đàn” vừa ra mắt là một ví dụ…
- Đúng vậy. Trong thời gian ở Việt Nam tôi đã dành nhiều thì giờ để suy nghĩ về việc phát hành album “Tình đàn”. Vì đây là một dự án nghệ thuật của tôi đã được thu âm khá lâu rồi, thậm chí trước cả album “Nhìn lại”.
“Tình đàn” đối với tôi là một album mang dấu ấn thời gian và khoảnh khắc cá nhân rất rõ nét. Nó xuất hiện như một món quà mà các nhạc cụ của tôi đã trao tặng cho tôi. Ngược lại đây cũng là tình yêu, tình cảm của tôi dành cho những cây đàn đã đồng hành cũng tôi suốt hơn 20 năm qua.
Tôi rất thích cách anh khai thác nhạc cụ dân tộc để đưa vào các sản phẩm âm nhạc của mình. Có khi đó chỉ là một tiếng đàn môi. Một tiếng đàn nhị, tiếng đàn chiêng dây… Anh phát hiện ra sự độc đáo của các nhạc cụ này từ bao giờ? Phải chăng là khi anh bắt đầu bước ra thế giới, có sự so sánh với các nhạc cụ khác?
- Tôi yêu âm sắc của các nhạc cụ dân tộc từ khi còn nhỏ, lúc nhỏ nhất là được ông nội tôi chơi nhị cho nghe, lớn hơn thì được tiếp cận với nhiều môi trường và không gian âm nhạc khác nhau nên hầu hết là tôi thích các loại nhạc cụ dân tộc. Việc có duyên và chơi nhạc cụ dân tộc lại là chuyện khác. Nếu tôi hợp duyên với nhạc cụ nào là sau một vài tuần là tôi có thể chơi được theo phong cách riêng của mình.
Khi bước ra thế giới, tình yêu của tôi với các nhạc cụ dân tộc càng ngày càng mạnh hơn. Lúc đó tôi biết rằng đứng giữa một cái nôi văn hóa âm nhạc đa dạng tôi phải biết mình là ai và có những cái gì và yêu quý nó như thế nào. Tôi luôn trân trọng những gì mình đang có.
Trong album “Tình đàn”, tôi sáng tác và chơi với những nhạc cụ cũng rất khác biệt. Tôi chọn sự trong sáng, giản dị và mộc mạc của chất liệu âm thanh mộc của các nhạc cụ này kết hợp với một số nhạc cụ dân tộc của nước ngoài như đàn Santur của Iran và một số nhạc cụ gõ của Senegal để tạo ra một không gian âm nhạc đậm chất và rõ nét Việt Nam nhất hòa tấu cùng những âm sắc, nhịp điệu bản địa khác của thế giới. Việc kết hợp này tạo ra một màu âm nhạc mới lạ nhưng vẫn rất Việt Nam. Đây thực sự là điểm khác biệt của “Tình đàn” với những album trước đây của tôi. Trong album này có 7 tác phẩm là sáng tác mới còn lại 3 tác phẩm là những tác phẩm dân gian được hòa âm phối khí lại theo phong cách mới.
Anh vừa nhắc tới ông nội chơi đàn nhị cho nghe lúc còn thơ bé. Tôi cũng có nghe nhiều người nói ông nội anh là một người chơi đàn nhị có tiếng trong một gánh hát thuở xưa ở vùng Hải Dương?
- Đúng! Ông nội tôi chơi đàn nhị và khá có tiếng ở quê tôi. Ông đã dạy đàn cho con nuôi của ông, và con nuôi của ông dạy lại cho tôi. Bác là người khiếm thị.
Ông nội anh, và nói rộng ra vùng đất Hải Dương ấy, có ảnh hưởng nhiều không đến việc lựa chọn con đường âm nhạc của anh?
- Tôi tin chắc rằng Hải Dương là cái nôi và có sự ảnh hưởng rất lớn tới con đường và sự lựa chọn âm nhạc của tôi. Lúc bé tôi thường nghe hát dân ca trên đài, ông nội chơi đàn cho tôi nghe những làn điệu chèo cổ, bố tôi cũng hát dân ca cho tôi nghe, đây là những yếu tố tạo nên tôi và tôi phải rất biết ơn những người và quê hương mình đã tạo ra cho mình một sự nghiệp như ngày nay. Tôi rất tự hào mình được sinh ra tại vùng đất có giàu truyền thống về âm nhạc cổ truyền và văn hóa dân gian.
Vẫn thấy Việt Nam đẹp nhất
Hành trình đi lựa chọn các chất liệu âm nhạc đặc trưng, đặc sắc trên mỗi vùng miền đất nước chắc hẳn mang tới cho anh những trải nghiệm thật đặc biệt. Nó khác biệt như thế nào nếu so với những hành trình của anh khi đến với những vùng đất lạ trên thế giới?
- Việt Nam là vùng đất rất đa dạng về văn hóa, con người và địa lý. Tôi luôn nói với các bạn tôi rằng mặc dù đã đi gần 100 quốc gia trên thế giới nhưng thực sự tôi vẫn thấy Việt Nam là đẹp nhất, cuốn hút về văn hóa nhất. Lý do cũng rất dễ hiểu thôi, ngoài phong cảnh hữu tình, con người siêng năng, chịu khó, tôi thực sự rất yêu và có duyên những gì thuộc về tính bản địa, vùng miền của quê hương mình. Mỗi lần tới được vùng đất mới, tiếp cận với những nét văn hóa mới là tôi vô cùng xúc động vì vẻ đẹp tiềm ẩn, dân dã và rất Việt Nam vẫn còn tồn tại cùng thời gian mặc dù, ở một chừng mực nào đó, đã có sự che lấp của sự phát triển.
Vì yêu, anh thấy chất liệu âm nhạc của vùng đất nào là hay, là hợp với “tạng” của mình nhất?
- Vì yêu quá nên tôi thấy âm nhạc của miền nào cũng hay, của dân tộc nào cũng hấp dẫn. (Cười). Tất cả những chất liệu âm nhạc bản địa mỗi lần tôi được tiếp cận đều như một liều thuốc bổ tiếp thêm sinh lực cho con đường sáng tạo của tôi. Có những chuyến đi của tôi chỉ đơn thuần là đi chơi chứ không có mục đích gì khác. Tôi nói chuyến đi chơi vì tôi đi và chỉ đi, không nhạc cụ, không máy thu âm. Tôi đến và nói chuyện với những người dân tộc thiểu số mà tôi gặp, tôi vui vì tôi được gặp họ, tôi được tiếp thêm được năng lượng từ họ bởi những câu chuyện, cách suy nghĩ và lối sống của họ. Đối với tôi như vậy là đã mãn nguyện cho một hành trình điền dã của mình. Có lẽ đây là cái rất khác biệt nếu tôi so sánh những chuyến đi ở Việt Nam với những hành trình khác ở châu Âu, nơi mà phần lớn tôi đi biểu diễn và giới thiệu văn hóa âm nhạc Việt Nam.
Trước khi trò chuyện với anh, tôi đã xem MV “Tình đàn”, và trước đó, là MV “Giấc mơ trên lưng”… Tôi nhận ra một nghệ sĩ Ngô Hồng Quang rất khác. Một Ngô Hồng Quang hẳn đã rất phải lòng với các chất liệu âm nhạc dân tộc, đặc biệt là vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc. Nhưng nó đặc biệt hơn, khác lạ hơn, khi ở đó, anh không chỉ là người mô tả lại, mà đã thổi một làn gió mới, một hồn vía mới để những thân quen thân thuộc trở nên đương đại hơn, mới mẻ hơn; và điều quan trọng nữa, anh “kể” một câu chuyện khiến khán thính giả đều có thể cảm nhận, không phân biệt ngôn ngữ, không phân biệt màu da?
- Đúng là tôi thực sự đã phải lòng với chất liệu âm nhạc vùng miền, đặc biệt là âm nhạc vùng núi cao. Tháng 11/2020 tôi phát hành MV mới “Giấc mơ trên lưng” và trước đó là những MV cũng được sáng tác tại nhiều vùng đất đã cho tôi rất nhiều nguồn cảm hứng khác nhau. Thực ra tác phẩm trong những MV này là một phần trong con đường sáng tác âm nhạc của tôi, thứ âm nhạc mà tôi đã theo đuổi từ lúc tôi bắt đầu sang châu Âu du học.
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm cho rằng âm nhạc của tôi không đơn thuần là sự mô tả lại cái cũ. Cái mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là tôi đã quan tâm và thực sự chú trọng tới việc tìm hiểu và tôn trọng giá trị truyền thống một cách đúng mức.
Nhưng “đúng mức” là một phạm trù rất khó định lượng, nó đòi hỏi ở tài năng, phẩm cách, sự nhạy cảm của từng nghệ sĩ?
- Tôi cho rằng, đúng mức ở đây là sự hiểu và dùng những giá trị này như thế nào vào những tác phẩm và sáng tạo mới. Điều tiết nó ở mức phù hợp và ứng xử với nó hài hòa để cái tinh thần cốt lõi của nó không bị mất đi khi nó được hoà trộn vào cái mới. Để làm được việc này thì cần thời gian nghiên cứu, phân tích xem cái truyền thống đó là cái gì, tại sao nó lại có không gian hoa mỹ khác với những cái truyền thống khác, và khác ở điểm nào.
Ngoài việc đi sâu vào giá trị cốt lõi của truyền thống, cũng cần hiểu thêm cái truyền thống đó có thể tồn tại với cái hiện đại bền vững bằng cách nào, truyền thống và hiện đại có thể song song tồn tại và tôn giá trị của nhau lên nếu nó được tôn trọng, sử dụng đúng cách. Cần phải hiểu kỹ về cả hai yếu tố này thì mới dung hòa được nó một cách có hiệu quả.
Tôi đã mang những giá trị cổ truyền của Việt Nam tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm ra thế giới bằng nhiều cách, lúc thì nguyên bản, lúc thì hòa trộn nó với Jazz, nhạc mới, nhạc cổ điển… đã được nhiều tầng lớp khán giả đón nhận. Yếu tố quan trọng để cho họ thấy được cái hay của mình là mình hiểu họ, biết họ muốn cái gì và sẵn sàng chia sẻ với họ. Tôi đã làm được việc này một cách cởi mở và tôi nghĩ đến thời điểm này là tôi đã đạt được mục tiêu của mình.
Mong muốn kết nối giữa con người với con người
Đi nhiều nơi, vậy anh đánh giá như thế nào về “nguồn lực” âm nhạc dân tộc của Việt Nam? Liệu “tài nguyên” ấy còn tiềm năng, còn dồi dào?
- Tôi vẫn thấy âm nhạc dân tộc rất dồi dào. Nếu anh đi những vùng xa, miền núi hoặc vào Tây Nguyên, anh vẫn có thể bắt gặp bà con ngồi hát giao duyên bên bờ ruộng, chơi đàn Tính hát Then trong các câu lạc bộ của bản làng, nhiều nhóm người Nùng còn gặp nhau mỗi năm 1, 2 lần chỉ để hát và ôn lại ký ức. Đây là những thứ tôi nhìn thấy và rất quan tâm trong những chuyến điền dã gần đây. Nếu tôi có những kế hoạch đi tới những vùng đất sâu xa hơn nữa, tôi tin là tôi sẽ còn gặp nhiều điều thú vị khác nữa mà bà con dân tộc thiểu số mang lại.
Thực ra đối với tôi, những chuyến đi bây giờ không hẳn là đi để nghe làn điệu, âm nhạc của các cộng đồng dân tộc thiểu số mà là những chuyến đi với mong muốn và hy vọng sẽ tạo ra được sự kết nối giữa con người với con người. Tôi luôn thích cái cảm giác được chia sẻ về những điều giản dị nhất của họ trong đời sống sinh hoạt cũng như tâm linh và thế giới quan của họ. Tôi sẽ học được nhiều điều qua đó và từ đó sẽ có những chất liệu để sáng tạo âm nhạc thay vì là chỉ nghe âm nhạc của họ. Đây là cách điền dã rất thú vị đối với tôi (Cười).
Vậy theo anh, cách nào để khai thác hiệu quả các chất liệu âm nhạc dân tộc? Cách nào để những chất liệu âm nhạc ấy có thể bước ra với thế giới mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam?
- Để sử dụng và khai thác âm nhạc dân tộc hiệu quả trong thị trường âm nhạc thế giới thì phải chắc lọc những thứ tinh tuý nhất của âm nhạc Việt và đưa nó vào một không gian mới, không gian trong đó có những yếu tố toàn cầu ví dụ như nhịp điệu, hòa âm, âm sắc, nhạc cụ và sự trộn lẫn cởi mở có chắt lọc của các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới. Tôi cho rằng, để làm được việc này, cần phải thực sự tìm hiểu và tôn trọng giá trị nguyên bản của âm nhạc dân tộc và ứng xử nó trong môi trường âm nhạc đa chiều một cách đúng nghĩa.
Trước anh đã có một số người có đóng góp cho việc quảng bá âm nhạc Việt Nam với thế giới, như GS Trần Văn Khê, GS Thuyết Phong, nghệ sĩ Nguyên Lê… Nhưng quả thực chưa nhiều. Theo anh, là vì sao. Vì thiếu sự dấn thân của nghệ sĩ hay vì thiếu cơ chế, thiếu kinh phí?
- Những người làm công việc như bác Trần Văn Khê, thầy Thuyết Phong, anh Nguyên Lê… đúng là không nhiều. Vì bản thân những người làm nhạc dân tộc trong nước đã không nhiều chứ chưa nói tới những người hoạt động tại nước ngoài. Số lượng nghệ sĩ tham gia biểu diễn và nghiên cứu về âm nhạc dân tộc còn rất ít so với dân số của Việt Nam. Đây là một trong những lý do khiến tôi thấy buồn.
Ngoài ra, còn mấy lý do khác từ cảm nhận cá nhân của tôi mang lại. Đó là cần phải có sự đam mê và một tình yêu cháy bỏng đối với những cái đẹp của âm nhạc Việt Nam. Mình thực sự muốn làm nó, muốn nó lan tỏa và cho thế giới biết đến cái đẹp của mình và phải làm nó với một sự dấn thân mãnh liệt. Ở trong nước tôi thấy có nhiều người giỏi về khả năng trình diễn và nghiên cứu nhưng cũng có lẽ vì điều kiện kinh tế, kinh phí và phần nào đó do cơ chế và cơ hội tiếp cận hạn chế nên dẫn tới việc không có nhiều sự đóng góp cho việc quảng bá cũng như phát triển âm nhạc dân tộc trên thế giới. Tôi rất hy vọng sẽ có những cơ chế riêng và sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước tới những công việc gìn giữ giá trị văn hóa đáng quý như thế này.
Nhiều lúc tôi có cảm giác… đứt gánh giữa đường
Tôi hiểu được mong muốn của anh là đưa âm nhạc dân tộc của Việt Nam lan tỏa, kết nối con người, và bước lên một tầm cao mới. Đó là một khát vọng rất đáng cổ vũ, trân trọng. Nhưng thật sự, trên hành trình ấy, tôi thấy anh khá đơn độc?
- (Cười) Đúng vậy. Hành trình của tôi rất đơn độc. Không có ai đang làm công việc như tôi đang làm. Nhiều nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc, bạn bè của tôi, phần lớn họ làm giảng viên, một số người thì vào nhà hát dân gian, một số người đi kiếm sống bằng các show diễn cho các sự kiện. Tôi đã chọn một con đường đi đầy chông gai. Việc đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới đã khó, việc chắt lọc những yếu tố tinh tuý nhất để sử dụng nó vào những không gian âm nhạc riêng biệt lại càng khó hơn. Nhiều lúc tôi có cảm giác như đứt gánh giữa đường.
Điều gì giúp anh vượt qua những chông gai, trở ngại, thậm chí những lúc tưởng như đứt gánh giữa đường đó?
- Năng lượng tích cực sẽ đưa tôi tới đích nhờ sự tập trung này (Cười). Vượt qua được tới giờ phút này tôi nghĩ cũng do sứ mệnh của tôi là phải phụng sự và hoàn thành con đường mình đã chọn, là âm nhạc dân tộc. Tôi luôn có niềm tin vào việc mình làm và chắc chắn mình sẽ làm được việc mình mong muốn nếu bản thân có sự dấn thân và luôn nghĩ về việc đó.
Tôi cũng muốn nói thêm về sự cô độc. Khi đi diễn ở nước ngoài, có những lúc tôi phải lo toan hết từ A - Z cho một buổi biểu diễn solo, từ âm thanh, lên tiết mục, chọn nhạc cụ, vận chuyển… Vì mình là nghệ sĩ độc lập chứ không theo một tổ chức hay đoàn thể. Có những chuyến lưu diễn còn quên passport (hộ chiếu), vé tàu… Còn khi về nước, hồi thực hiện MV “Giấc mơ trên lưng”, cũng do đơn thương độc mã nên việc thực hiện đôi lúc không được như ý muốn, tôi đã quyết định thay ê-kíp thực hiện khác, tìm bối cảnh mới, mặc dù MV đã quay xong…
Nhưng chắc chắn, điều này chưa phải là khó khăn lớn nhất anh phải đối diện?
- Anh nói đúng! Khó khăn lớn nhất là tôi đang làm cái mà nhiều người chưa hiểu là tôi đang làm cái gì. Khi có sản phẩm rồi, nhiều người còn thắc mắc đó là thứ âm nhạc gì, có phải nhạc dân tộc không? Điều quan trọng nhất là tôi đã tìm và biết được mình muốn và đang đi trên con đường nào. Dần dần rồi khán giả sẽ hiểu cách làm việc và sự lựa chọn của tôi. Tôi hy vọng một ngày nào đó không xa nhiều khán giả sẽ nhận ra được những giá trị mà tôi đang làm.
Những MV của anh, có thể nói như những thước phim quảng bá du lịch tuyệt đẹp về vùng đất. Xem “Giấc mơ trên lưng” người ta muốn đến Hà Giang. Xem “Tình đàn”, tôi chắc chắn nhiều người sẽ lên lịch đi Tuyên Quang. Hỏi thật, anh có nhận được sự hỗ trợ nào từ phía các địa phương khi làm những MV ấy?
- Không! Hoàn toàn không! (Cười)
Trân trọng cảm ơn anh!
13 tuổi, Ngô Hồng Quang rời Hải Dương thi vào Khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cả phần thi đàn nhị, phần thi năng khiếu, Quang đều đạt điểm tuyệt đối, giành được học bổng toàn phần.
Năm 2013, sau 2 năm học tại Hà Lan, Ngô Hồng Quang trở về Việt Nam giới thiệu album “Song hành”, sản phẩm hợp tác với nghệ sĩ Hà Lan Onno Krijn, ngay năm đó album đã được đề cử Giải Âm nhạc Cống hiến.
Năm 2017 anh kết hợp cùng nhạc sĩ Nguyên Lê thực hiện album “Hanoi Duo”. Album được đánh giá là tạo bạo, mới mẻ khi kết hợp giữa jazz và những giai điệu âm nhạc dân gian vùng Tây Bắc…
Hiện Ngô Hồng Quang là nghệ sĩ độc lập. Anh vừa là nhạc công, nhạc sĩ và ca sĩ.