Kiến nghị thu hồi giấy phép sản xuất với các công ty xả thải ra sông Mã

Nguyễn Nam 17/04/2021 10:09

UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau nhiều ngày quyết liệt truy tìm thủ phạm xả thải trái phép ra sông Mã, huyện đã cơ bản hoàn thành việc kiểm tra và có báo cáo kiến nghị với UBND tỉnh nhiều nội dung quan trọng, nhằm không để tái diễn tình trạng đầu độc sông Mã.

Người dân lo lắng về việc ô nhiễm ở Sông Mã.

Theo báo cáo của huyện Bá Thước, từ ngày 15/3 -15/4, nước sông Mã đoạn qua địa phương này đổi màu đen bất thường, bốc mùi hôi tanh và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. Cùng thời điểm đó, các loài thủy sản trên sông Mã chết bất thường. Tính đến 16h ngày 14/4 đã có hơn 26 tấn cá lồng của người dân nhiều xã nuôi ở sông Mã bị chết.

Cá chết kéo dài thành nhiều đợt và diễn ra liên tục. Các loài cá, tôm, hến tự nhiên trên sông cũng chết rất nhiều và không thống kê cụ thể được số lượng. Sau khi có hiện tượng bất thường này, từ ngày 9 -14/4, huyện Bá Thước đã tổ chức kiểm tra tất cả 5 công ty có hoạt động chế biến lâm sản, sản xuất đũa, giấy trên địa bàn.

Kết quả đã phát hiện 3/5 công ty có hành vi chôn ống ngầm hoặc bơm trực tiếp nước thải từ quá trình sản xuất đũa, giấy chưa qua xử lý ra sông Mã gây ô nhiễm môi trường. Các đơn vị vi phạm gồm: Công ty TNHH Tân Thái Thanh và Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành (đều có địa chỉ tại xã Thiết Kế, huyện Bá Thước); Công ty CP Sản xuất thương mại Đồng Tâm TH (địa chỉ tại phố Tráng, thị trấn Cành Nang, huyện Bá Thước) có hành vi xả thải hoặc để nước thải chưa qua xử lý chảy ra sông Mã, gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng trên, huyện Bá Thước đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tham mưu về việc xử lý hành vi vi phạm của các đơn vị xả nước thải trái phép ra sông Mã; đồng thời, yêu cầu các công ty vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người nuôi cá lồng.

Hiện người dân sống dọc sông Mã vẫn lo lắng về việc nước sông bị ô nhiễm trong suốt cả tháng qua và chưa biết khi nào mới kết thúc. Do đó, huyện Bá Thước đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn lấy mẫu nước giếng người dân đang sử dụng để kiểm tra, phân tích độ an toàn và mức độ ảnh hưởng của ô nhiễm.

Về lâu dài, để đảm bảo môi trường sông Mã được ổn định, huyện Bá Thước đề nghị tỉnh xem xét cho dừng hoạt động và thu hồi giấy phép đối với hoạt động sản xuất giấy của một số đơn vị gồm: Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành, Công ty CP Sản xuất thương mại Đồng Tâm TH, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Quyết Duy Tuấn; đồng thời đưa những công ty này vào hoạt động tập trung tại các cụm công nghiệp ở xã Điền Trung và Thiết Ống chứ không để tồn tại ở khu vực sát mép sông Mã.

Ngoài huyện Bá Thước, hiện tượng các loài thủy sản trên sông Mã chết liên tục thời gian 1 tháng qua đã trở thành vấn đề ngày càng “nóng” ở tỉnh Thanh Hóa, nhất là khi tình trạng này đã lan sang huyện miền núi Cẩm Thủy nằm ở hạ du sông Mã, giáp ranh với huyện Bá Thước.

Thống kê của huyện Cẩm Thủy cho thấy, tính đến đến tối ngày 16/4, địa phương này có 167 lồng nuôi cá trên sông Mã của 120 hộ thuộc các xã Cẩm Thành, Cẩm Lương, Cẩm Thạch xuất hiện tình trạng cá chết với số lượng 24,8 tấn. Hiện huyện Cẩm Thủy đang thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Nguyễn Nam