Lan toả văn hoá đọc

Minh Quân 17/04/2021 07:44

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4 nhiều hoạt động thiết thực đã được các đơn vị xuất bản, thư viện phối hợp tổ chức.

Ngày hội sách 2021 với chủ đề “Sách - Sứ mệnh phát triển Văn hóa đọc”.

Bắt đầu từ ngày 17/4 đến ngày 15/5 trên sàn book365.vn diễn ra Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ 2 với sự tham gia của hơn 70 đơn vị xuất bản (nhà xuất bản và đơn vị phát hành trong nước). Các đơn vị tham gia sàn sách in và sách điện tử sẽ cung cấp trên 20.000 tựa sách với trên 30.000 bản sách phục vụ bạn đọc, trong đó tập trung vào những cuốn sách hay, có nội dung tốt, được nhiều bạn đọc quan tâm trong 3 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, hội sách có chương trình tài trợ giá sách và miễn phí hoàn toàn 20.000 - 30.000 đơn vận chuyển từ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho các độc giả ở những tỉnh, thành phố xa, khu vực xa trung tâm.

Ngoài trải nghiệm mua sách, đọc sách, Hội Sách trực tuyến quốc gia lần thứ 2 sẽ tổ chức khoảng 20 sự kiện giao lưu trực tuyến giữa độc giả với các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, chuyên gia lĩnh vực xuất bản, đại sứ văn hóa đọc... về tác giả, tác phẩm và phát triển văn hóa đọc.

Đặc biệt, lần đầu tiên Hội Sách trực tuyến quốc gia đưa vào giới thiệu Sàn giao dịch bản quyền với sự tham gia của gần 50 đơn vị xuất bản trong và ngoài nước, giúp các đơn vị tham gia giới thiệu bản quyền sách và kết nối các nhà xuất bản, đơn vị sách ở Việt Nam với các đơn vị trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với Hội Sách trực tuyến quốc gia lần thứ 2, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND TP HCM và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8 (21/4) cùng nhiều hoạt động chào mừng tại Đường Sách TP HCM.

Lễ khai mạc được tổ chức vào 9h ngày 18/4 và diễn ra đến hết ngày 22/4, với các hoạt động cung cấp, giới thiệu sách mới cho bạn đọc, tọa đàm, giao lưu các chủ đề “Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số”, “Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh từ bước chân lưu dân đến đô thị thông minh”, “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng”, “Cuốn sách và tôi”, “Tủ sách hay dành cho con trong gia đình: Tại sao không?”...

Hội sách trực tuyến quốc gia.

Trước đó, Thư viện Quốc gia cũng tổ chức khai mạc Ngày hội Sách 2021 với chủ đề “Sách - Sứ mệnh phát triển Văn hóa đọc”. Diễn ra từ ngày 16 đến ngày 21/4, tại sự kiện diễn ra các hoạt động như triển lãm “Sách - Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc” với bốn nội dung Sách - Con đường tiếp cận tri thức, Sách - Quà tặng nuôi dưỡng tâm hồn, Kỹ năng và phương pháp đọc sách và Khơi niềm đam mê đọc sách, với khoảng 800 cuốn sách được trưng bày, giới thiệu.

Tọa đàm “Thanh niên với văn hóa đọc”, với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện đơn vị xuất bản như nhà thơ, nhà báo Hữu Việt, TS Nguyễn Thị Bích Hồng, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam, và nhà báo Phan Đăng trong vai trò dẫn chương trình. NXB Kim Đồng ra mắt hai cuốn sách mới nhất trong Tủ sách Kiến thức Di sản.

Men theo dòng chảy lịch sử, hơn 300 trang sách, “Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ” đã phác họa một bức tranh sống động về văn hóa - phong tục - lịch sử - con người của Hà Nội xưa, trong những biến thiên của thời cuộc. Trong khuôn khổ Ngày hội Sách, cũng diễn ra các buổi giao lưu giữa tác giả với bạn đọc do các đơn vị xuất bản tổ chức, giới thiệu sách mới.

Cũng nhân dịp này, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng các đơn vị của Bộ VHTTDL cũng đã ký kết chương trình phối hợp công tác. Cụ thể, Cục Xuất bản, In và Phát hành và Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm sách phục vụ các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng, Nhà nước.

Hai bên sẽ phối hợp trong công tác truyền thông quảng bá về sách và hoạt động xuất bản, thư viện trên cơ sở tổ chức các sự kiện: Hội Sách, hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước; các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 21/4, Ngày Sách và bản quyền thế giới 23/4, Giải thưởng Sách Quốc gia. Bên cạnh đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin để hệ thống thư viện tiếp cận với các xuất bản phẩm số, điện tử phục vụ cộng đồng…

Ngoài ra, từ ngày 16 đến ngày 18/4, tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám sẽ diễn ra sự kiện “Một nét văn hóa Hà Nội”. Tại đây, khách tham dự sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc với những hoạt động như làm giấy gió, làm cốm…, tìm kiếm những giá trị văn học tưởng như đã bị mài mòn qua những cuốn sách cũ, sách cổ được bày bán. Một góc nào đó tại sự kiện, văn hóa Tết cổ xưa của Hà Nội được tái hiện qua những món ăn cổ truyền, cành đào, góc phố.

Đánh giá về việc tổ chức các hoạt động nhằm lan toả văn hoá đọc, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: Các sự kiện được tổ chức nhằm tạo sân chơi kết nối các nhà làm sách, cung cấp sách đến bạn đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng; đưa sách trợ giá đến bạn đọc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tạo điều kiện cho các đơn vị xuất bản ứng dụng công nghệ hiện đại thực hiện chuyển đổi số mở rộng thị trường...

Cũng theo Cục trưởng, trong giai đoạn 2015-2020 đã có 330 triệu bản sách được xuất bản, tăng 20 đến 25%. Nếu tính cả sách giáo khoa, mỗi năm người Việt Nam mua 4 cuốn sách. Điều đó cho thấy sức mua các ẩn phẩm của ngành xuất bản có tăng lên. Ngay với nước Pháp, tính theo tỉ lệ đầu người cũng rơi vào 4 bản sách/người bao gồm cả sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, văn hóa thư viện của người Việt Nam còn thấp. Số lượng người đến thư viện thường xuyên để đọc sách ít ỏi, chưa tương xứng với số lượng sách xuất bản hàng năm. Để nâng cao văn hóa đọc cần xây dựng hệ thống xuất bản đồng bộ từ các nhà xuất bản tới các thư viện cho người dân.

Minh Quân