Thưởng thức ca Huế và chiêm ngưỡng những tà áo dài truyền thống

Phạm Sỹ 17/04/2021 15:00

Trong chuỗi hoạt động Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021, Sáng 17/4, tại Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc Giới thiệu, trình diễn ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hình ảnh áo dài truyền thống Huế.

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2021 do Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức. Chương trình nhằm quảng bá bản sắc văn hóa, gắn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam tại “Ngôi nhà chung” nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên Huế và Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Làn điệu ca Huế kết hợp cùng với những tà áo dài đậm chất Huế.

Cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam và đứng thứ hai về bề dày lịch sử và thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.

Ca Huế ra đời vào khoảng từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII dưới triều Nguyễn với những bài bản được rút ra từ tế nhạc cung đình cùng sự cổ xúy của Lộc Khê hầu Đào Duy Từ. Về sau, Ca Huế còn có thêm nhiều sáng tác mới của các bậc vua chúa, quan lại, văn nhân, nho sĩ. Các bài bản Ca Huế có cấu trúc chặt chẽ, giai điệu phong phú với nhiều luyến láy tinh tế, lời ca giàu chất văn chương. Ca Huế được xây dựng trên 3 điệu chính gồm điệu Bắc (Khách) với chất nhạc tươi vui, trong sáng, sang trọng bao gồm 10 bản Ngự và 3 bản lẽ là Cổ bản, Hành vân và Lưu thủy, điệu Nam với tính chất buồn thương, bi ai, vương vấn, tiêu biểu là các bản Nam ai, Nam bình, Quả phụ… điệu Nam xuân với tính chất pha trộn giữa hai điệu Bắc và Nam, bâng khuâng, mơ hồ như các bản Nam xuân, Tứ đại, Phú lục. Ngoài 3 điệu chính trên, Ca Huế còn có một cách hát làm thay đổi tính chất các bài bản được gọi là hơi dựng.

Trình diễn áo dài Huế

Cùng với sự phát triển của loại hình nghệ thuật Ca Huế, thì hình ảnh Áo dài truyền thống Huế đã từ lâu đã trở thành trang phục truyền thống xuất hiện từ hoạt động nghi lễ đến sinh hoạt đời thường; là niềm tự hào của người dân xứ Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, là một trong những biểu tưng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Bà Ngô Thị Hồng Thắm, Giám đốc Ban Quản lý Khu các làng dân tộc khẳng định: “Đây là hoạt động có ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, gắn kết hài hòa giữa văn hóa du lịch. Đây là lần đầu tiên áo dài Huế được trình diễn ở một sân khấu thực cảnh tại ngôi nhà chung. Qua đây, du khách được thưởng thức, trải nghiệm một số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và cũng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc nói chung và bản sắc văn hóa Thừa Thiên Huế nói riêng”.

Trình diễn áo dài Huế

Thông qua chương trình biểu diễn Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hình ảnh Áo dài truyền thống Huế, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn giới thiệu những di sản giá trị độc đáo: “Chúng tôi hi vọng sẽ được giới thiệu với công chúng giá trị độc đáo của Ca Huế - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và hình ảnh Áo dài truyền thống Huế - Áo dài truyền thống Việt Nam, một trong những biểu tượng văn hóa của dân tộc, nhằm tôn vinh và phát huy, phát triển những giá trị văn hóa đã được cha ông bảo tồn, gìn giữ qua bao thế hệ. Thông qua trình tham gia trình lần này, đây cũng là một cơ hội hết sức thuận lợi để tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu những loại hình âm nhạc truyền thống của mình; đồng thời, giới thiệu hình ảnh Áo dài truyền thống Huế và những thành quả của quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hoá du lịch đặc sắc của cả nước, thành phố Văn hóa ASEAN, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”.

Phạm Sỹ