Mùa gió chạy nơi đảo xa
Không phải bốn mùa xuân hạ thu đông, cũng chẳng là hai mùa mưa nắng, mùa đặc biệt nhất của những hòn đảo ở phía biển Tây Nam là mùa gió chạy. Bởi khi nó bắt đầu, người dân phải chạy từ phía bờ này của đảo sang bờ bên kia nhằm tránh gió và hết mùa, họ sẽ quay về để tiếp tục công việc nuôi trồng, khai thác hải sản của mình…
1.Thực tế, mùa gió chạy có một cái tên gần gũi và thân thương hơn rất nhiều, là mùa gió chướng. Với tất thảy cư dân miền đồng bằng châu thổ, mùa gió chướng rất thân thương bởi nó bắt đầu từ thời điểm cuối năm, kéo dài chừng 3-4 tháng, vắt sang năm kia. Mùa gió chướng cũng đi vào tâm hồn, đời sống văn hóa của nhiều người.
Nhưng với các cư dân ngoài đảo xa phía biển Tây Nam, mùa gió chướng thường gọi là mùa gió chạy. Xin nói thêm một chút, ở miền châu thổ Cửu Long Giang có hai mùa gió chính, đó là mùa Tây Nam-Đông Bắc kéo dài từ tháng 5 tới tháng 10, kèm theo mưa, ẩm nên gọi gió nồm, thổi từ phía Nam ngược lên. Mùa gió còn lại là Đông Bắc-Tây Nam thổi từ phía Bắc đổ xuống, không có mưa kéo dài từ tháng 11 tới tháng 4. Chính vì thế, gió chướng thổi từ cuối tháng 11 vắt tới tháng 3 sang năm là thứ gió trở mùa, trái với quy luật thông thường. Từ “chướng” cũng có nghĩa là không bình thường.
Là tín hiệu quen thuộc của trời đất nhưng mùa gió chạy không hề đẹp đẽ, gợi nhiều kỷ niệm như cái tên gió chướng ở đất liền bởi nơi đảo xa, gió về khiến cuộc sống của cư dân thay đổi gần như hoàn toàn.
Có bận ngồi trên đảo Thổ Chu (xã Thổ Chu, thành phố Phú Quốc, Kiên Giang) chúng tôi được những thầy cô giáo dạy học nhiều năm trên đảo chia sẻ, khi mùa gió chướng bắt đầu là nhiều hộ dân nuôi cá bớp, trồng rong biển ở bãi biển trước đảo phải giong ghe thuyền chạy qua phía bên kia tránh gió.
Gió chướng ở đất liền mang đến cảm giác bình thường, không giật ầm ào nhưng ngoài đảo xa, nó đủ sức khiến nhà bè, lồng nuôi hải sản ngư dân chao đảo khiến họ phải chạy để lánh gió. Gió thổi liên hồi, suốt ngày đêm cộng thêm sóng biển khiến cuộc sống ngư dân bị đảo lộn, ghe thuyền cũng không thể neo đậu như bình thường được. Do gia đình di chuyển đi phía khác, việc học hành của học sinh trên đảo cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì khoảng cách xa xôi, đi lại khó khăn. Thậm chí, thay vì nghỉ hè, trước kia ở ngoài đảo học sinh được thầy cô cho nghỉ học theo mùa gió chướng để thuận tiện cho việc đến trường.
Nhưng không chỉ có cư dân nuôi trồng, ngay cả các ghe thuyền đi biển cũng thay đổi nhiều thói quen, nhất là việc neo đậu khi mùa gió thổi về. Rồi những chuyến hàng từ đảo về đất liền, từ đất liền ra đảo cũng khó khăn hơn. Thậm chí nhiều người sắp tới kỳ sinh nở cũng vào đất liền sớm nếu gió chướng chuẩn bị thổi về.... Cho đến tận bây giờ, dù có nhiều thay đổi với việc kiên cố hóa các lồng bè, nhà nổi nhưng mùa gió chướng vẫn tác động nhiều tới thói quen sinh hoạt trên biển của ngư dân. Trong đó nhiều ngư dân nghèo vẫn phải chạy gió khi bắt đầu và quay trở lại đảo khi mùa gió dần tan đi.
2.Tôi đã từng đặt chân lên nhiều hòn đảo ở phía Tây Nam này, từ Thổ Chu cho tới Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Đốc... Những hòn đảo tuy nhỏ nhưng mang nhiều đặc trưng của vùng biển này, đều yên bình và đẹp đẽ. Dù rất hiếm có những cơn bão như phía biển Đông nhưng ngư dân sinh sống tại các hòn đảo phía biển Tây này vẫn thường xuyên di cư khi mùa gió chướng về. Nhiều gia đình có thói quen di chuyển vào đất liền ở vài tháng để chạy gió. Khi tới tháng 4 hàng năm, họ sẽ quay ra đảo và ở đó tới gần cuối năm, để lại trở về rồi lại trở ra, gắn theo những mùa gió.
Gió chướng tuy cấp độ không lớn nhưng ở ngoài khơi, sức ảnh hưởng lớn hơn cấp thông thường. Nếu như sức gió cấp 5-6 trong đất liền mới đủ sức làm nghiêng ngả cây cối thì ngoài khơi xa, khi không có gì che chắn, chỉ mức gió cấp 3-4 cũng có sức mạnh tương tự. Đó là lý do ngư dân phải chạy khi mùa gió chướng tới, để tiếp tục sinh kế của mình. Nói nôm na, dù không có sức tàn phá nhưng gió chướng vẫn làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt trên biển của ngư dân.
Có một lần ngồi ở cảng Hòn Chuối, một hòn đảo nhỏ không quá xa bờ, cách thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) chừng gần 40 cây số, tôi được người dân ở đây chia sẻ về cuộc sống của họ. Điều đặc biệt so với người dân ở đảo ven biển miền Trung, miền Bắc là khi mùa mưa kéo tới thì người dân thường vào bờ để lánh. Nhưng ở phía biển Tây Nam, mùa mưa là lúc người dân bắt đầu ra đảo dựng nhà tạm, lồng bè để chuẩn bị cho công việc của mình. Gần như tất cả các khu vực đảo phía Tây Nam, ngư dân đều nuôi cá bớp (cá bốp). Những lồng bè cá bớp thường nằm san sát nhau.
Từ Thổ Chu, Nam Du, Phú Quốc rộng lớn cho tới những hòn đảo nhỏ vô danh như Hòn Bà, Hòn Nghê, Hòn Khoai... đều là những lồng cá bớp. Bắt đầu từ tháng 4, người dân từ ven bờ chạy ghe ra các khu vực quanh đảo để dựng lồng bè nuôi thả cá bớp. Dù vị trí không thuận lợi như những cửa sông nhưng bù lại, cá ngoài đảo ít chịu dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Bà Nguyễn Thị Năm, 77 tuổi, người từng sống trên đảo từ trước giải phóng cho biết Hòn Chuối có vài chục hộ gia đình nhưng mùa gió về chỉ còn gần chục hộ.
“Từ tháng 4 người dân trong bờ ra dựng nhà tạm, lồng bè nuôi cá, cuộc sống trên đảo nhộn nhịp hơn. Những hộ dân này ở lại tới cuối năm rồi dời đi, hoặc bám trụ bằng cách lên đảo làm nhà. Mùa gió tới, đảo chỉ còn vài hộ, chủ yếu là bộ đội. Cứ vậy, cuộc sống ở Hòn Chuối bao năm qua cũng vậy. Ngày nay nhiều hộ có nhà chắc chắn, lồng bè kiên cố thì không phải chạy gió nhưng phần lớn vẫn phải chạy vì chi phí làm nhà, lồng bè rất tốn kém”, bà Năm kể. Cũng theo bà, ngoài Hòn Chuối vài ba ngày lại có một chuyến tàu từ thị trấn Sông Đốc ra mang theo hàng hóa, nhu yếu phẩm cũng như mang về hải sản của ngư dân đánh bắt được.
Với hàng ngàn các đảo lớn nhỏ nằm rải rác ở khu vực biển Tây Nam, mùa gió chạy thực sự là một mùa gió gắn chặt với đời sống ngư dân nơi đây. Các hòn đảo có diện tích càng nhỏ, càng nằm xa đất liền thì tác động của mùa gió càng nhiều, nhất là những cư dân nghèo, sinh sống bám vào biển và nghề nuôi biển. Các đảo lớn, như Phú Quốc hay nằm gần bờ thì sự tác động của mùa gió ít hơn, nhưng vẫn làm thay đổi thói quen của nhiều người.