Mù quáng lao vào lan đột biến tiền tỷ: Kẻ bán nhà, người vỡ nợ (!?)
Một người đàn ông ở Vĩnh Phúc đã bị lừa gần 10 tỷ đồng khi mua phải lan đột biến giả, có người "chết đứng" khi bỏ tiền thật mua lan đột biến gắn keo 502.
Vay nặng lãi gần 10 tỷ đồng mua phải lan đột biến giả
Tại nhà anh Sự, xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, nhiều đồ đạc trong nhà và nhiều chậu lan ngoài vườn đã bị mang đi khi các chủ nợ phát hiện gia đình anh có nguy cơ vỡ nợ.
"Hiện nay vỡ nợ, tinh thần rất là lo. Tôi đã phải trốn đi trong vòng 1 tuần" - anh Nguyễn Văn Sự nói.
Anh Sự cho biết, thấy "sức nóng" tăng lên từng ngày của thị trường lan đột biến, gia đình đã đi vay nặng lãi gần 10 tỷ đồng để đầu tư "lướt sóng". Thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, anh đã mua hàng chục kie lan với giá vài chục triệu đồng cho đến tiền tỷ. Tuy nhiên, sau khi mua về không lâu, anh phát hiện toàn bộ số kie trên không phải là lan đột biến. Các đối tượng bán lan cũng đã cắt liên lạc.
Trong khi đó, "vựa" lan được cho là đột biến sốt giá tiền tỷ thu hút giới đầu tư tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội… đã bị dọn sạch. Người dân xung quanh cho biết, có một nhóm đối tượng đến thuê ngôi nhà để giao dịch lan đột biến, nhưng chỉ được vài tháng đã chuyển đi nơi khác.
"Hô biến" lan đột biến bằng keo 502
Một nhóm đối tượng đã hô biến từ loại lan thường thành lan đột biến bằng cách gắn nhánh lan đột biến đã nở hoa vào giỏ lan thường.
"Dùng keo 502 gắn vào thật khéo đề người mua không phát hiện ra đây là vết gắn" - đối tượng bán lan nói.
Bằng cách trên giỏ lan chỉ có giá khoảng 5 triệu đồng, ngay lập tức đã được nâng giá lên gần 300 triệu đồng.
Người dân tại huyện Yên Thủy, Hòa Bình cho biết, việc giao dịch lan trên địa bàn đã trở nên sôi động. Mặc dù nhiều người không biết gì về lan, nhưng vẫn đầu tư vào lan. Người nhiều tiền thì đầu tư lướt sóng ăn chênh lệch, người ít tiền thì đầu tư làm các dàn sắt để cho thuê. Riêng thị trấn Hàng Trạm hiện có khoảng 200 dàn sắt.
Ông Bùi Thanh Phóng, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình nói: "Tôi không biết buôn lan thì tôi dựng cho người ta thuê. Xung quanh Yên Thủy này có rất nhiều…".
Công an huyện Yên Thủy cho biết, các đối tượng buôn lan thường giao dịch ngầm, tự phát, tự thỏa thuận, không thông qua chính quyền địa phương.
"Hôm nay họ làm nhưng ngày mai họ lại bốc cả dàn đi" - Thiếu tá Bùi Ngọc Ánh, Công an huyện Yên Thủy, Hòa Bình cho hay.
Thâm nhập các page lan đột biến trên mạng xã hội
Hiện nay, hình thức livestream bán lan đột biến thu hút rất nhiều người tham gia, có những thành viên phát livestream trực tiếp với hàng trăm người vào xem, ít cũng phải 30 - 40 người. Qua hình thức livestream, người bán lan đột biến tương tác với người mua, người xem, mục đích cuối cùng là bán được càng nhiều lan càng tốt.
Khi xem livestream người bán rao hàng và chứng minh lan đột biến là hàng "chuẩn" bằng cách cho khách hàng xem mặt hoa đã được chụp qua điện thoại, nếu chốt mua một trong những loại như kie lúa non, kie mắt ngủ, kie trên thân, kie lúa non trên thân ra rễ đều tương ứng với số tiền đắt rẻ khác nhau... chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ livestream chủ vườn lan có thể bán được hàng chục đơn, giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng...
Bên cạnh đó, nhiều hình thức bán lan khác như đấu giá lan đột biến, khi chủ vườn ra giá đấu, mời người chơi đấu giá trong vòng 5-10 phút đồng hồ, có giá khởi điểm từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng và bước nhảy mỗi lần đấu từ 50.000 - 500.000 đồng, có những phiên đấu giá lên tới hàng chục triệu đồng.
Cá biệt nhiều người mua không muốn đấu giá và trả thẳng giá mua lên tới hàng chục triệu đồng và đương nhiên, chủ vườn lan không từ chối, đồng thời, yêu cầu cọc tiền ngay nếu muốn sở hữu những kie, thân, lúa non lan đột biến đó.
Trong cuộc livestream, các phiên đấu giá diễn ra hết sức quyết liệt, đặc biệt vào những giây cuối. Nhiều người chơi cho rằng, việc đấu giá sẽ đem lại cho mình giá mua rẻ hơn nhiều so với mua trực tiếp bởi có người thắng, người thua, và giá lan chỉ nhích lên vào những giây đấu giá cuối cùng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận được trong một số phiên đấu giá lan đột biến qua livestream thì đó chỉ là cách để người bán thu hút người mua, một sản phẩm đem ra đấu giá sẽ thu về giá trị không quá cao, nhưng những người chơi khác khi không mua được, đấu giá thua sẽ có tâm lý không cần đấu giá, và xuống tiền mua ngay, khi "con gà tức nhau tiếng gáy" thì việc mua bằng được là điều dễ hiểu. Khi đó, người được lợi là chủ vườn lan.