Khách quan trong lựa chọn nhân sự

Tuệ Phương (thực hiện) 19/04/2021 05:53

Cùng với cả nước, tỉnh Bắc Giang đang tích cực triển khai các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang.

Bà Diêm Hồng Linh.

PV: Để kỳ bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp thành công, cho đến thời điểm này Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị các bước hiệp thương như thế nào, thưa bà?

Bà Diêm Hồng Linh: Để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, công tác hiệp thương được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm giới thiệu những người tiêu biểu, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của các bước hiệp thương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn MTTQ các cấp thực hiện đúng quy trình, quy định, bảo đảm dân chủ, khách quan; chuẩn bị tốt các điều kiện về nội dung, chương trình các hội nghị hiệp thương của Đảng đoàn, Ban Thường trực.

Phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban Bầu cử tỉnh dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng, phân bổ đại biểu cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mỗi bước trong quy trình hiệp thương đều có văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết để MTTQ các cấp vận dụng, thực hiện có hiệu quả.

Để đảm bảo lựa chọn được những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn, có năng lực, điều kiện tham gia ứng cử, đảm bảo số dư tối thiểu của đại biểu, hiệp thương lần thứ nhất đã mở rộng dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử theo cơ cấu được phân bổ để bảo đảm sự lựa chọn qua hiệp thương không bị bó cứng (ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh dự kiến giới thiệu gấp 2 lần; đại biểu HĐND cấp huyện, xã gấp 1,9 lần).

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất là tiền đề để tổ chức các vòng hiệp thương tiếp theo. Kết quả qua ba vòng hiệp thương, cơ cấu thành phần đảm bảo theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND các cấp, đảm bảo quy định về số dư tối thiểu trong danh sách người ứng cử tại mỗi đơn vị bầu cử.

Như vậy, quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử được tiến hành hết sức kỹ lưỡng, trình tự chặt chẽ, đảm bảo dân chủ trong giới thiệu, khách quan trong lựa chọn nhân sự, có sự hướng dẫn cặn kẽ, tỉ mỉ, có sự giám sát chặt chẽ để việc tổ chức thực hiện các bước đúng quy định của pháp luật. Có thể khẳng định, công tác hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đã được tổ chức thành công, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử, sẽ góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Việc lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với người tham gia ứng cử có ý nghĩa như thế nào trong công tác hiệp thương? Trong quá trình thực hiện có gặp khó khăn gì hay không, thưa bà?

- Việc lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với người tham gia ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp là khâu quan trọng nhằm đánh giá toàn diện, khách quan sự tín nhiệm của người dân đối với người ứng cử. Thông qua hội nghị, cử tri được hiểu rõ về từng ứng cử viên, qua đó được thực hiện đầy đủ quyền giám sát, trên cơ sở đó lựa chọn các đại biểu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện và có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Một trong những điểm mới của kỳ bầu cử lần này là những người không đạt trên 50% số phiếu tín nhiệm của cử tri tại nơi cư trú sẽ không được đưa vào danh sách ứng cử. Đây cũng là lý do khiến các hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là hoạt động thiết thực, hiệu quả để phát huy vai trò của người dân trong việc lựa chọn người ứng cử, vì hơn ai hết chính cử tri là người cầm lá phiếu quyết định những người xứng đáng đại diện cho mình vào Quốc hội và HĐND các cấp.

Để tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú diễn ra dân chủ, nghiêm túc và đúng luật, cũng như phát huy được quyền làm chủ của cử tri trong lựa chọn các ứng cử viên là nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho MTTQ các cấp, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị hướng dẫn MTTQ các huyện, thành phố và đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử; đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện, hầu hết các hội nghị được tổ chức đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Đến ngày 12/4, toàn tỉnh Bắc Giang đã lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm đối với 162 người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh; 654 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 9.475 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Nhìn chung, việc lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đã diễn ra dân chủ, đúng luật, bình đẳng.

Các hội nghị lấy ý kiến đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri; cử tri đã thể hiện trách nhiệm của mình trong việc nêu các quan điểm với nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn góp ý đối với các ứng viên. Tuy nhiên, quá trình thực hiện ở một số thôn, tổ dân phố còn gặp khó khăn, phải tổ chức hội nghị lần hai, do số cử tri dự hội nghị không đảm bảo theo quy định.

Để đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng theo quy định MTTQ tỉnh Bắc Giang có cách giám sát như thế nào để có thể tìm ra được các ứng cử viên vừa có tài, vừa có đức khi tham gia ĐBQH và HĐND các cấp, thưa bà?

- Ngoài việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giám sát của MTTQ các cấp theo quy định, Ủy ban MTTQ tỉnh còn tăng cường giám sát trực tiếp của cán bộ Mặt trận các cấp; thành lập 3 đoàn giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, phân công cán bộ phụ trách, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc từng địa bàn; đồng thời trực tiếp tham dự, hướng dẫn việc tổ chức các hội nghị lấy ý kiến cử tri tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với số người ứng cử ĐBQH và HĐND tỉnh.

MTTQ các huyện, thành phố thành lập 10 đoàn giám sát; phân công cán bộ hướng dẫn việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ, thời gian. Đặc biệt là Ban Công tác Mặt trận đã phối hợp các tổ chức thành viên, tuyên tuyền, vận động, phát huy vai trò của cử tri và nhân dân thực hiện giám sát quy trình hiệp thương đảm bảo dân chủ, công khai, đúng pháp luật, đồng thời giám sát về tiêu chuẩn các ứng cử viên, để lựa chọn những ứng cử viên thực sự tiêu biểu, có tài, có đức tham gia ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà MTTQ tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung thực hiện để đảm bảo cho kỳ bầu cử thành công?

- Trong thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ tổ chức tốt hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử; tiếp tục triển khai công tác giám sát bầu cử, quan tâm, vận động nhân dân tham gia giám sát để cuộc bầu cử thật sự dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; làm tốt công tác tiếp công dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Mặt trận các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong tham gia bầu cử để ngày bầu cử 23/5/2021 thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Trân trọng cảm ơn bà!

Tuệ Phương (thực hiện)