Nâng mức độ tín nhiệm
Tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ và các biện pháp chống dịch hiệu quả đã hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19 và góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia từ “ổn định” lên “tích cực”, đó là nội dung chính của bài viết đăng trên trang mạng của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới đây.
Theo bài viết, so với các nước khác, các chỉ số tài chính công của Việt Nam được cải thiện rõ rệt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Trước đó, tháng 12/2019, trước khi quyết định điều chỉnh xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ “triển vọng” lên “ổn định” vào tháng 4/2020 trong bối cảnh bất ổn từ đại dịch, Fitch đã dự đoán nợ công/GDP của Chính phủ của Việt Nam ở mức 40,3% GDP vào năm 2021, so với mức trung bình 41,7% cho các hồ sơ quốc gia xếp hạng BB và 43,8% cho các hồ sơ xếp hạng BBB. Hiện Fitch kỳ vọng nợ công/GDP của Việt Nam sẽ ở mức trung bình khoảng 39% trong giai đoạn 2021-2022.
Đáng chú ý, Fitch kỳ vọng Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng mạnh, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2022, nhờ việc tiếp tục mở rộng xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư. Việt Nam đang hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại, các hiệp định thương mại mới như Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và khả năng cạnh tranh về chi phí.
Như vậy là, cùng với việc Moody’s nâng hai bậc triển vọng đối với Việt Nam (từ tiêu cực lên tích cực), điều chưa từng có tiền lệ trong xếp hạng tín nhiệm của tổ chức này trên toàn cầu kể từ đại dịch Covid-19, việc Fitch Ratings nâng triển vọng cho Việt Nam thể hiện sự tin tưởng của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam cũng như dư địa tài khóa ngày càng vững chắc.
Theo giới chuyên gia kinh tế, việc nâng mức độ tín nhiệm với kinh tế Việt Nam của Fitch và Moody’s là có cơ sở. Tuy nhiên, trước mắt, để nền kinh tế đất nước có thể bứt phá thì rất cần quyết sách “mở cửa đi cùng kiểm soát”. Điều đó cũng có nghĩa là những cân nhắc áp dụng “hộ chiếu vaccine” cần được đẩy nhanh hơn trong khi chúng ta đã kiểm soát tốt dịch Covid-19. Trong năm 2020 vượt qua khó khăn đến từ dịch bệnh, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học, tích lũy được nhiều kinh nghiệm để chống dịch.
Cùng đó, nhờ vào sự quyết đoán thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế của Chính phủ mà năm 2020 GDP của Việt Nam đạt 2,9%. Năm nay, nếu sớm áp dụng “hộ chiếu vaccine” thì rất có thể GDP sẽ trên 7%, so với mức Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng 6,5% đã được Quốc hội thông qua.