Gian thương vô lương
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vừa công bố, trong tinh dầu đuổi muỗi khiến một gia đình ở Hòa Bình bị ngộ độc, có thành phần của thuốc trừ sâu.
Cụ thể, trong lọ tinh dầu này có chứa thành phần cypermethrine, là thuốc trừ sâu, diệt côn trùng, muỗi. Hiện, đang tiếp tục xét nghiệm để phát hiện thêm các dung môi độc hại khác.
Gia đình nạn nhân bị ngộ độc khi đốt đèn tinh dầu đuổi muỗi, là bởi tin vào lời quảng cáo trên sản phẩm bằng chữ nước ngoài đại ý: Tinh dầu xông muỗi, thân thiện với môi trường và không gây hại cho trẻ nhỏ. Đến cả hai vợ chồng là người lớn còn bị ngộ độc nặng, nói gì đến trẻ nhỏ, vậy mà họ dám quang cáo “như đúng rồi” trên sản phẩm.
Không chỉ có lọ tinh dầu đuổi muỗi không rõ nguồn gốc xuất xứ khiến gia đình 4 người ở Hòa Bình bị ngộ độc, mà lâu nay có rất nhiều sản phẩm quảng cáo quá lên về công dụng, thậm chí quảng cáo sai sự thật, nhưng hầu như không gặp phải bất cứ rắc rối pháp lý nào, trong khi quy định của pháp luật là cấm quảng cáo sai sự thật.
Chính vì không có cá nhân, doanh nghiệp nào bị xử lý khi quảng cáo sai sự thật hay quảng cáo quá lên về công dụng sản phẩm, nên không có ai biết sợ để chấm dứt hành vi gian dối trong sản xuất kinh doanh. Hậu quả cuối cùng vẫn chỉ có người tiêu dùng phải gánh chịu thiệt thòi, tiền mất tật mang, đôi khi còn mất cả mạng sống.
Thử nghĩ, gia đình 4 người ở Hòa Bình nếu không kịp thời được cấp cứu, giải độc, liệu có thể giữ được tính mạng với loại tinh dầu đuổi muỗi “thân thiện với môi trường, không gây hại cho trẻ nhỏ”? Còn nhiều người thiếu may mắn hơn, không được kịp thời phát hiện, cứu chữa, hậu quả ra sao chẳng cần nói ai cũng biết.
Hiện, trên mạng xã hội, thậm chí trên cả các cơ quan truyền thông chính thống, có rất nhiều sản phẩm đang nhập nhèm giữa thuốc chữa bệnh và thực phẩm chức năng, hay công dụng được quảng cáo như là “tiên dược” mà chưa bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”. Chỉ đơn giản bị đau lưng, tìm kiếm trên google sẽ có hàng nghìn kết quả về các loại “tiên dược”.
Vì lợi ích của các doanh nghiệp mà trong bài viết này tôi không tiện nêu tên, nhưng nếu có một cơ quan chuyên trách, chuyên đi “soi” để so sánh giữa quảng cáo và thực tế thì sẽ lòi ra kết quả gian dối. Đáng tiếc, dù đã có những cơ quan chức năng để xử lý vấn đề này, nhưng hiện hầu như hoạt động không hiệu quả nên vấn nạn trên chưa bị dẹp bỏ.
Không chỉ là chưa thể (nếu không muốn nói là không thể) dẹp bỏ được việc quảng cáo gian dối sai sự thật, mà vấn nạn này đang có xu thế ngày càng phát triển ra diện rộng, gây nguy hại cho người tiêu dùng. Trong khi đó, dù có Hội Bảo vệ người tiêu dùng, nhưng hầu như tổ chức này chưa giúp ích gì được trong việc khởi kiện các gian thương.
Nếu như sản phẩm bị quảng cáo gian dối chỉ là những vật dụng trong đời sống hàng ngày, thì người tiêu dùng chỉ bị mất tiền và “mua” cái bực vào người. Song, nếu đó là các sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như trường hợp tinh dầu đuổi muỗi nói trên, hay là thuốc chữa bệnh, thực phẩm... thì hậu quả sẽ là khôn lường.
Người ta vẫn có câu, mất bò mới lo làm chuồng. Trong trường hợp này thì quả là rất đúng. Hiện, hầu như các cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc để lôi ra ánh sáng những cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng nhái, hàng giả, quảng cáo gian dối. Chỉ đến khi có các bị hại, lúc đó họ mới nháo nhào “kiểm tra”, “rà soát”.
Nói các cơ quan quản lý nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm cũng là có cơ sở, khi mà số lượng các vụ việc làm hàng nhái, hàng giả bị phát hiện, xử lý là rất ít so với thực tế, chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Còn các vụ việc quảng cáo sai sự thật thì hầu như chưa lôi ra ánh sáng để xử lý được vụ việc nào đáng kể.
Đó là lý do có khá nhiều người tiêu dùng đã trở thành nạn nhân của những gian thương vô lương. Nhẹ thì tiền mất ôm cái bực vào người, nặng hơn thì ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí thập tử nhất sinh. Tất nhiên, khi có nhiều người phải vào viện cấp cứu, thậm chí có người vong mạng, lúc đó người ta mới thực sự vào cuộc để xử lý gian thương.
Nói đi cũng phải nói lại, tất nhiên là các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, nhưng dù họ có “ba đầu sáu tay” cũng không thể “căng” ra 24/24 để “rình” những gian thương bất lương, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Cũng không thể bắt người dân phải trở thành người tiêu dùng thông thái như một vài người đã phán bừa như vậy.
Vì thế, lương tâm, đạo đức kinh doanh của mỗi cá nhân, doanh nghiệp ở đây được coi trọng hàng đầu. Khi mà vẫn có những kẻ chỉ cốt đạt mục tiêu kiếm được thật nhiều tiền bất chấp thủ đoạn, thì khi đó vẫn còn nhan nhản hàng nhái, hàng giả, quảng cáo gian dối sai sự thật. Chỉ khi họ bị cắn rứt lương tâm thì người tiêu dùng mới không còn bị lừa.
Tất nhiên, nếu đòi hỏi tất cả những cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải thật thà là chuyện không tưởng. Song, nếu chế tài thật nghiêm thì dù họ có muốn gian dối trong sản xuất kinh doanh cũng phải cân nhắc cái được và cái mất. Chẳng hạn, khi bị phát hiện gian dối, quảng cáo sai sự thật sẽ bị phạt tiền thật nặng, thậm chí phạt tù, tin rằng chẳng có ai là không sợ. Khi đó, chắc chắn những đối tượng gian thương vô lương sẽ giảm.