Nắng nóng, mưa bão năm nay ra sao?
Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, khi mùa hè đã chớm, điều mà người dân rất quan tâm là tình hình mưa bão, nắng nóng năm nay thế nào.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) năm nay Enso đang có xu hướng chuyển dần từ Lanina sang trạng thái trung tính, từ nay đến tháng 6/2021 với xác xuất khoảng 70-80%, sau đó tiếp tục duy trì trạng thái trung tính vào cuối mùa hè và mùa thu năm 2021.
ENSO là hình thái thời tiết do 2 hiện tượng El Nino/La Nina (đại dương) và SO (khí quyển) xảy ra trên xích đạo Thái Bình Dương, có quan hệ mật thiết với nhau, chúng được liên kết lại thành một hiện tượng kép, gọi tắt là ENSO. Trong đó El Nino là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng nóng lên không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương kéo dài từ 3 mùa trở lên. Ngược với El Nino, La Nina là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng lạnh đi không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía đông xích đạo Thái Bình Dương kéo dài từ 3 mùa trở lên.
Theo ông Hưởng, từ nay đến khoảng tháng 5/2021 ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Từ tháng 6 đến tháng 7 bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc bộ và Trung bộ trong những tháng 8 đến tháng 10. Thời gian này cũng cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển.
Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, mùa bão năm nay sẽ có từ 10 đến 13 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó 5 đến 6 cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Tuy nhiên, khi có sự chuyển pha của ENSO thì khí hậu thường có những biến động mạnh, có thể hình thành những cơn bão mạnh trên biển. Sự di chuyển của bão cũng sẽ phức tạp, gây mưa lớn cục bộ.
Năm nay, mùa mưa tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ có khả năng bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm, từ nửa cuối tháng 4 đầu tháng 5. Tại Bắc bộ, mưa trong các tháng 5 đến tháng 8 xấp xỉ trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 8 trở đi ở Bắc bộ có khả năng xuất hiện các đợt mưa lớn trên diện rộng. Từ tháng 9 trở đi mưa dịch dần về phía các tỉnh miền Trung.
Về nền nhiệt, từ tháng 6 đến tháng 9, trên phạm vi cả nước phổ biến ở mức cao hơn từ 0,5 đến 1 độ C. Nắng nóng ở Bắc bộ và miền Trung sẽ tập trung vào giai đoạn tháng 6 đến tháng 8, nhưng được dự báo sẽ không gay gắt và kéo dài như năm 2020.
Thông tin từ Văn phòng giảm nhẹ rủi ro thiên tai của Liên hợp quốc (UNDDR) cho biết, trong vòng 20 năm qua, trên toàn thế giới, ước tính các loại thiên tai đã tăng lên khoảng 75%, làm thiệt mạng hơn 1 triệu người và ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ dân, gây thiệt hại kinh tế gần 3 nghìn tỷ USD.
Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. 20 năm trở lại đây ở Việt Nam, các loại thiên tai như bão, lũ, lở đất… đã khiến hơn 13 nghìn người thiệt mạng, thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm họa từ thiên tai.
Thống kê của của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trong năm 2020, ở nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, cụ thể: 13 cơn bão trên Biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh, thành phố; 120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6 đến ngày 22/10 tại khu vực Trung bộ. Suốt nửa tháng 10/2020, gần như ngày nào ở miền Trung cũng xuất hiện mưa to đến rất to với lượng mưa vượt so mức trung bình từ 100 - 200%, thậm chí nhiều nơi vượt tới 300 - 400%.
Những ngày đầu năm 2021, miền Bắc đã phải hứng chịu đợt rét tương đương với trận rét kỷ lục vào tháng 1/2016.
Do biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng được cho là dị thường. Vì thế, cho dù năm nay dự báo nắng nóng, mưa bão không quá căng thẳng nhưng cũng không thể vì thế mà chủ quan.
Siêu bão Surigae xuất hiện trên biển Đông
Ngày 18/4, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 7 giờ hôm nay (ngày 19/4) vị trí tâm siêu bão Surigae mạnh cấp 17 (200 - 220km/h), giật trên cấp 17. Trong 24 giờ tiếp theo, siêu bão di chuyển theo hướng bắc tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Đây là cơn bão mạnh, rất nguy hiểm, trường hợp thay đổi hướng bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Biển Đông, nơi có nhiều tàu thuyền khai thác hải sản đang hoạt động.
Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển duy trì thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.