Hội Kiến trúc sư Việt Nam gửi kiến nghị giữ lại Cung Thiếu nhi Hà Nội
Mới đây, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã gửi văn bản lên Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đề nghị bảo tồn Cung Thiếu nhi Hà Nội. Văn bản của Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định vị trí “đất vàng” của cung thiếu nhi cũ khiến nhiều người cảm thấy bất an cho số phận của một địa chỉ văn hóa lịch sử đặc biệt đã gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi Thủ đô.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam còn khẳng định Cung Thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đương đại có giá trị đặc biệt, cùng với các di sản kiến trúc khu vực Hồ Gươm. Văn bản của Hội KTS khẩn thiết kiến nghị 4 nội dung:
1. Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội là công trình kiến trúc văn hóa công cộng có giá trị; ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, độc đáo, hài hòa với cảnh quan và kiến trúc xung quanh, góp phần quan trọng vào tổ chức không gian khu vực Hồ Gươm. Là công trình tiêu biểu, có tính đại diện cho kiến trúc Việt Nam đương đại trước đổi mới ở thể loại văn hóa công cộng. Năm 2015, Cung Thiếu nhi Hà Nội đã từng được Tổ chức Kiến trúc Quốc tế đề nghị lập hồ sơ để xếp hạng “Công trình di sản Kiến trúc hiện đại Thế giới”. Hơn nữa, căn cứ vào Luật Thủ đô và Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố, thì Cung Thiếu nhi Hà Nội là di sản kiến trúc đô thị trước đổi mới, nên bắt buộc phải giữ nguyên, toàn bộ công trình kiến trúc này không được phá hủy.
2. Cung Thiếu nhi Hà Nội có giá trị văn hóa phi vật thể, là dấu ấn của một giai đoạn lịch sử phát triển Thủ đô trong những năm kháng chiến chống Mỹ và phát triển sau này. Công trình thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, tình yêu thương của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô dành cho thiếu nhi dù trong hoàn cảnh khó khăn nhất của đất nước. Cung Thiếu nhi Hà Nội đã trở thành biểu tượng, là niềm tự hào của nhiều thế hệ thiếu nhi và người dân Hà Nội.
3. Cung Thiếu nhi Hà Nội là tài sản của Nhà nước, nên quỹ đất này chi có thể làm công trình phúc lợi xã hội, không xây dựng chung cư, nhà cao tầng, công trình thương mại, dịch vụ. Cung Thiếu nhi Hà Nội rất cần được chăm sóc, tu bể và nâng cấp trang thiết bị để tiếp tục phát huy giá trị, sử dụng làm Nhà Văn hóa thiếu nhi của Quận Hoàn Kiếm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vui chơi của trẻ em trong Quận và khu vực lân cận.
4. Hà Nội vừa phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử của 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Đống Đa. Vì thế, Hà Nội cần kiên quyết không xây dựng các chung cư cao tầng; kiên quyết giảm dân số; bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản kiến trúc - văn hóa lịch sử, các công trình kiến trúc đương đại tiêu biểu và có giá trị; tăng cường không gian công cộng, không gian xanh… để cải thiện và nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Đây có thể nói là một động thái rất có trách nhiệm từ một hội nghề nghiệp. Nó cho thấy thái độ của giới kiến trúc sư để mong muốn bảo tồn một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa. Chưa kể, quần thể công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội gồm Nhà hành chính (là một biệt thự cổ thời Pháp đã tồn tại từ trước trên mảnh đất), Nhà chức năng chính, và rạp Khăn quàng đỏ còn được giới kiến trúc sư đánh là một tác phẩm kiến trúc nổi trội và tài tình, là sự “tự khẳng định” của nền kiến trúc hiện đại Việt Nam.