Cung Thiếu nhi Hà Nội: Giữ bay bỏ?
Một lần nữa, câu chuyện giữ hay bỏ Cung Thiếu nhi Hà Nội (36-38 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại được đặt ra khi mà dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội mới tại quận Nam Từ Liêm vừa động thổ. Mặc dù chưa có thông tin chính thức về việc sử dụng “đất vàng” của Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ theo hướng nào, song dư luận quan tâm, các kiến trúc sư, nhà sử học nêu ý kiến, cũng chỉ vì một mong muốn giữ được ký ức đô thị, giữ được hồn đô thị cho một thành phố đã có bề dày 1011 năm văn hiến.
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Cung Thiếu nhi ở trung tâm thành phố thể hiện sự trân trọng với trẻ em
Cung Thiếu nhi Hà Nội là sản phẩm của thời kỳ đất nước còn khó khăn. Cung Thiếu nhi còn có một giá trị nữa đó là một sản phẩm ghi dấu tình hữu nghị quốc tế. Tức là bạn bè thế giới ủng hộ, cổ vũ thiếu nhi Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh gian khổ. Đặc biệt là 2 phong trào thiếu nhi ở Đức và Tiệp Khắc.
Với chúng tôi thì Cung Thiếu nhi Hà Nội có một giá trị lịch sử, gắn kết với một thời kỳ dài mà rất nhiều thế hệ trưởng thành từ đó. Kỷ niệm rất nhiều. Hơn nữa, để Cung Thiếu nhi ở trung tâm sẽ thể hiện sự trân trọng của xã hội với trẻ em.
Tôi tin là lãnh đạo TP Hà Nội chắc chắn sẽ rất cân nhắc. Và sẽ có đủ quy trình để lấy ý kiến. Còn mỗi người chúng ta nên có thái độ thiện chí, ủng hộ cái đúng. Và lãnh đạo TP Hà Nội khôn ngoan sẽ chọn những phương án tốt nhất, hài hòa giữa các lợi ích văn hóa và kinh tế…
KTS Trần Huy Ánh: Cần bảo vệ nguyên trạng Cung Thiếu nhi Hà Nội
Là người tâm huyết với việc bảo tồn kiến trúc đô thị, nhất là thông qua những công trình văn hóa, KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội) đánh giá, Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ là biểu tượng của bao điều tốt đẹp, tình thương bao la của người lớn đối với trẻ em.
Theo ông Ánh, Cung Thiếu nhi có giá trị biểu tượng của một giai đoạn lịch sử hình thành Hà Nội hiện đại (tiền kỳ), điều đó đồng nghĩa với việc đây là công trình “có ý nghĩa kiến trúc và hiếm có”. Đó là hình mẫu cho các kiến trúc sư, nhà thiết kế đô thị - kiến trúc cảnh quan hôm nay và mai sau, nhất là trong bối cảnh Hà Nội mở rộng nhiều lần, nhiều quần thể kiến trúc khổng lồ nhưng giá trị nghệ thuật kiến trúc cảnh quan còn rất yếu.
Cung Thiếu nhi Hà Nội (cũ) cần được bảo vệ nguyên trạng, theo KTS Trần Huy Ánh cho rằng, bởi nó gắn bó tổng thể với không gian cảnh quan kiến trúc toàn khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, kết nối từ Hồ Gươm tới tòa nhà Ngân hàng, bên phải là nhà Bưu điện với Bắc Bộ Phủ, bên trái với Tòa Thị chính mở rộng và ngôi nhà Pháp trong khuôn viên Cung Thiếu nhi. Đây là quần thể hoàn chỉnh, nguyên vẹn, rất may mắn chưa bị phá hủy của một tác phẩm thiết kế kiến trúc cảnh quan theo phong cách phương Tây nhưng hội đủ những niêm luật Nghệ thuật sân vườn phương Đông với tính đối xứng, quan hệ hình khối, đặc rỗng và tỷ lệ vàng.
Về vấn đề ứng xử với các công trình kiến trúc cổ trong Cung Thiếu nhi, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh, Hà Nội cần thực hiện đúng Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ. Theo đó, quần thể xung quanh toà nhà Ấu trĩ viên được yêu cầu bảo vệ nguyên trạng. Bên cạnh đó, cần phục chế, tôn tạo và duy trì mở rộng các hoạt động cho thiếu nhi tại đây cũng như khắc sâu những giá trị văn hóa lịch sử nhân văn vốn có của nó…