Cổ phần hóa doanh nghiệp lớn: Trách nhiệm người đứng đầu và cơ quan thẩm định giá

H.Hương 20/04/2021 08:27

Một số doanh nghiệp (DN) lớn như MobiFone, Agribank, VNP… sẽ phải thực hiện cổ phần hoá (CPH) trong năm nay. Nếu muốn thành công trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì việc chuẩn bị cần phải rất kỹ lưỡng.

Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm chạp.

Ngày 8/2/2021, Tổng Công ty Phát điện 2 (EVENGENCO2) đã phối hợp với HoSE tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng. Tuy nhiên, theo kết quả được Cục Tài chính DN công bố thì số lượng cổ phần bán được chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số cổ phần chào bán. Cụ thể, số cổ phần đưa ra đấu giá là hơn 580 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần và giá khởi điểm 24.520 đồng/cổ phần. Số cổ phần bán được là 262.500 cổ phần, tương đương 0,045% tổng số cổ phần bán ra, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua 210.500 cổ phần với tổng giá trị cổ phần bán được 6,4 tỷ đồng.

Trong khi đó báo cáo của Bộ Tài chính cho biết kết thúc giai đoạn 2016- 2020, vẫn còn 89 DN chưa hoàn thành kế hoạch CPH theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, các DN này sẽ tiếp tục triển khai CPH theo kế hoạch, trong đó có những nơi còn nhiều DN phải CPH như: Hà Nội CPH 13 DN (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP HCM CPH 38 DN (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN CPH 6 DN (3 tập đoàn, 3 tổng công ty), Bộ Xây dựng CPH 2 tổng công ty.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính việc CPH, cơ cấu lại bộ máy lãnh đạo, nâng cao hiệu quả, trách nhiệm để người cán bộ quản lý tại một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa làm tốt, triệt để. Một số cán bộ quản lý DNNN còn thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong quá trình tổ chức triển khai hoạt động nên vẫn còn DNNN sản xuất, kinh doanh hiệu quả thấp, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ; tại một số DNNN vẫn có những dự án chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Công tác đổi mới quản trị DN trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm. Tại nhiều DNNN chưa theo kịp với yêu cầu biến động của thị trường, chưa thực sự theo cơ chế thị trường. Công tác quản lý đầu tư, quản lý tài chính, quản lý rủi ro, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, thất thoát còn lỏng lẻo; chi phí sản xuất kinh doanh còn lớn.

Công nghệ và công cụ quản trị kinh doanh chậm đổi mới. Nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng công nghệ điều hành hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, dẫn đến chậm hoặc không phát hiện được các vấn đề phát sinh trong kinh doanh. Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm cơ bản vẫn theo nguyên tắc như đối với viên chức nhà nước, không tạo được động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường.

Theo Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), ông Đặng Quyết Tiến, tới đây sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ mới có chỉ thị đôn đốc việc CPH, thoái vốn. Lần này, việc đôn đốc sẽ gắn liền với trách nhiệm người đứng đầu. Với phương án mới tiến độ sẽ nhanh hơn do việc xác định giá trị DN thông thoáng hơn, gắn trách nhiệm của cơ quan thẩm định giá. Bên cạnh đó, cơ chế đấu giá đảm bảo theo cơ chế thị trường, do đó sẽ thu hút được nhà đầu tư vì bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư hơn.

Ông Tiến cũng cho rằng, đối với việc CPH DN lớn cần phải làm rất thận trọng. Bởi khi đã “bấm nút” để CPH thì chỉ trong vòng 18 tháng đến 24 tháng là phải hoàn tất.

H.Hương