Trách nhiệm công chức trước hoạt động mê tín, dị đoan: Cần sớm kết luận, xử lý cán bộ vi phạm
Ngày 19/4, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Trách nhiệm công chức trước hoạt động mê tín dị đoan”.
Tham dự buổi Tọa đàm có GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII; ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội khóa XIV. Những vấn đề về hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Tình Người được Báo Đại Đoàn Kết điều tra phản ánh trong thời gian qua đã được các vị khách mời phân tích làm rõ.
Phát biểu mở đầu Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ, dù gặp khó khăn thì Báo vẫn quyết đi đến tận cùng sự việc, vì không thể chấp nhận giữa Thủ đô lại có thể để một CLB hoạt động có dấu hiệu mê tín, dị đoan, gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân, nhập vào đầu những người đang bình thường cái gọi là lý thuyết “sàng lọc” để người theo học bỏ tiền “trả nghiệp”, dùng tiền để “hóa giải”, “tạo phúc”. Đặc biệt, khi người ta gọi thời này là “thời mạt” một cách sai trái.
Kể lại một góc khuất khi phóng viên của báo thực hiện loạt bài điều tra, ông Lê Anh Đạt cho biết: “Đi sâu tìm hiểu chúng tôi thấy nhiều người, nhiều gia đình đau khổ và đang mắc kẹt trong CLB này. Chúng tôi cũng nhận thấy trong CLB có một số cán bộ, đảng viên, công chức ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó cũng là lý do để CLB này ngang nhiên hoạt động ở Hà Nội, thách thức dư luận”.
Trước việc có những cán bộ, đảng viên bỏ bê công việc để tham gia vào CLB Tình Người, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng: Trong vụ việc trên có trách nhiệm của công chức. Bởi công chức là người của Nhà nước, hoạt động trong các cơ quan công quyền, thay mặt Nhà nước tiếp xúc với công dân. Đảng và Nhà nước ban hành nhiều quy định bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân nhưng cần phân biệt rõ tôn giáo, tín ngưỡng và mê tín dị đoan. Bác Hồ đã nói công chức được Chính phủ trả lương, lương đó từ lao động của người dân đóng góp. Nếu làm việc không tận lực là lừa bịp nhân dân. Nếu cán bộ đảng viên tham gia vào CLB này trong giờ làm việc là đã vi phạm kỷ luật lao động.
“Đại hội Đảng XIII kết thúc thành công tốt đẹp, chúng ta đang đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nghị quyết đã nhấn mạnh khát vọng Việt Nam. Điều đó không có gì khác hơn là quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để đất nước giàu đẹp, thịnh vượng. Chúng ta phải tỏ thái độ phẫn nộ, phê phán khi có người nói rằng đây là thời mạt vận. Đó là sự xúc phạm dân tộc. Giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến xuất hiện ngang nhiên một CLB truyền bá trái phép như vậy thì không thể chấp nhận được”- ông Bảo nói.
GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh: Người dân được làm những gì pháp luật không cấm; còn công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Riêng đối với đảng viên, Hội nghị Trung ương 5 khoá IX đã đề cập đến tư cách của đảng viên. Đảng viên phải là người lao động giỏi, công dân gương mẫu, chiến sỹ tiên phong đổi mới. Cho nên những đảng viên tham gia CLB Tình Người thì phải soi xét lại mình. Mỗi đảng viên trước hết là công dân, phải tôn trọng Hiến pháp, thực thi Điều lệ Đảng và phải xuất phát từ lợi ích chung của dân tộc, tránh xa điều sai trái, bất chính. Qua vụ việc này, GS Hoàng Chí Bảo cũng đề nghị: Phải gióng lên hồi chuông cảnh báo, những ai đi vào con đường này thì tự cảnh tỉnh.
Cho biết cảm thấy “rùng mình” trước báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, ông Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận: Trong văn bản báo cáo của UBND quận Cầu Giấy đã chỉ rất rõ một số cộng tác viên tham gia tích cực là chỉ huy, nguyên chỉ huy trong lực lượng trọng yếu, lực lượng công an. Những người có trách nhiệm bảo vệ an ninh, an toàn xã hội mà lại tham gia CLB này, tức là họ đi ngược lại với lợi ích đó. “Vậy liệu có xứng đáng đứng trong hàng ngũ trọng yếu không? Liệu họ có sẵn sàng bán rẻ những thông tin tối mật của Nhà nước khi tham gia CLB này?” - ông Nhưỡng đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Nhưỡng, là đảng viên đã phải tuân thủ Điều lệ Đảng, một cán bộ ngành bảo vệ an ninh thì càng khó chấp nhận khi vướng vào câu chuyện này. Người được đào tạo bồi dưỡng, được tin tưởng giao nhiệm vụ mà lại còn hoạt động rất tích cực trong CLB này... thực sự là rất nguy hiểm. Do đó cần phải đặt vấn đề về công tác đào tạo cán bộ hàng năm, rất cần phải có sự chấn chỉnh. Những cán bộ đã sử dụng hình ảnh, uy tín của mình để hoạt động lôi kéo sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn, tính lan tỏa rất cao. Vì vậy những thành viên này với vị thế, vị trí, chức vụ của họ khi được sử dụng vào mục đích không trong sáng trong CLB Tình Người sẽ rất nguy hiểm.
Về kết luận của UBND quận Cầu Giấy nêu, cơ quan chức năng nhận định phần lớn người tham gia có xu hướng bỏ bê công việc, gia đình, chỉ tập trung vào hoạt động do CLB tổ chức. Quận cũng ghi nhận gia đình của người tham gia bức xúc với việc sử dụng tài sản của gia đình vào các hoạt động của CLB - ông Lê Như Tiến nhận định: Những người tham gia CLB Tình Người không lao động sản xuất, tạo ra sản phẩm cho xã hội mà hàng ngày dùng vài tiếng đồng hồ để tập trung vào thờ cúng, hao phí thời gian. Đặc biệt thậm chí có người góp 1 tỷ đồng hàng tháng. “Thế tiền ở đâu ra?”- ông Tiến nêu câu hỏi, đồng thời lo ngại rằng liệu tiền đó có tham nhũng không? Kể cả chuyện người có tiền muốn tham gia CLB phải đi lao động, vậy sử dụng sức lao động của công dân liệu tổ chức này làm có đúng không?
Ông Tiến phân tích: “Tại Khoản 5 Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có nêu: Người dân không được tham gia tổ chức không được Nhà nước cho phép. Trong 19 điều đảng viên không được làm tại Khoản 4 Điều 18 cũng đề cập, không được tham gia, cổ súy tôn giáo không được Nhà nước thừa nhận. Nếu chiểu theo những quy định này là đảng viên tham gia vào CLB này là vi phạm vào Điều lệ Đảng”.
4 vấn đề cần lưu ý
Theo Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt, xung quanh vụ CLB Tình Người, có 4 vấn đề cần lưu ý.
-Thứ nhất, cần đẩy nhanh tiến độ xử lý. Chúng tôi không can thiệp vào điều tra của cơ quan Công an, nhưng có những thứ đã rõ như ban ngày, như những vị khách mời có uy tín trong xã hội: GS Hoàng Chí Bảo, GS sử học Lê Văn Lan, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, nguyên ĐBQH Lê Như Tiến đã khẳng định, những giáo lý của CLB Tình Người là sai trái. Vậy có điều gì nữa mà các cơ quan chức năng không nêu một quan điểm thật mạnh mẽ, vững vàng?
-Thứ hai, chúng tôi bày tỏ sự phẫn nộ khi định nghĩa thời này là “thời mạt”, đây là một sự xúc phạm, không được phép. Một lần nữa chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải xử lý vấn đề này.
-Thứ ba, trong quá trình thực hiện điều tra trên báo, chúng tôi nhận được rất nhiều những chia sẻ rất chân thành của bạn đọc rằng, họ có người thân tham gia nhưng không nhận ra, họ từ chối mọi sự giải thích. Điều này cho thấy, sự quan tâm của chúng ta trong gia đình mình, trong trường học của mình, trong cơ quan của chúng ta có vẻ chưa sâu sát, chân thành, nên họ diễn biến thế nào mình không biết. Vì thế mọi người cũng cần quay lại quan tâm những người thân của mình, con mình, vợ mình, chồng mình... để không bị những câu chuyện như thế này lôi kéo đi lúc nào không biết.
-Thứ tư, các cơ quan chức năng công bố những điều liên quan đến CLB Tình Người. Chỉ có công khai minh bạch, chúng ta mới ra khỏi được chuyện này một cách khách quan nhất, công bằng nhất và mới rút ra được những bài học cần thiết.
Công khai danh tính cán bộ, đảng viên tham gia, nhưng cũng cần bảo vệ những người nhận rõ sai lầm, sửa sai
Đó là vấn đề được các vị khách mời kiến nghị đặt ra tại buổi tọa đàm. “Tôi cho rằng cần công khai danh tính cán bộ, công chức, đảng viên tham gia CLB này. Về phía Đảng phải có kỷ luật Đảng, về phía chính quyền, người ở cơ quan trọng yếu tham gia thì nguy quá. Do đó các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan điều tra phải nhanh chóng vào cuộc vì tổ chức, cá nhân gây phương hại cho xã hội, gây tác động tâm lý rất lớn cho một bộ phận nhân dân thì phải bị xử lý”- ông Lê Như Tiến cho hay.
Còn GS Hoàng Chí Bảo đề nghị: “Trong khi chờ đợi có kết luận chính thức, chúng ta phải tiếp tục nuôi dưỡng bầu không khí phê phán, nhận thức để cả xã hội cùng đồng thuận chống lại cái xấu, cái ác này. Khi có kết luận các cơ quan chức năng phải công khai, để cảnh tỉnh răn đe những người đã mắc. Ví dụ thầy giáo tham gia thì tiếng nói của họ với học sinh cũng rất uy tín thì nguy hại khôn lường. Những cái xấu độc này ngấm dần từ từ vào thế hệ trẻ thì hậu quả khôn lường”.
Ở góc độ khác, trao đổi tại Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt bên cạnh việc đồng tình phải xử nghiêm, xử đúng những đối tượng cho đến giờ vẫn còn u mê, đi theo giáo lý của CLB Tình Người thì còn có những nạn nhân của CLB này và quan trọng là họ đã sớm nhận ra sai lầm, rồi sửa sai.
“Nhân giao lưu này tôi cũng muốn truyền tải một thông điệp quan trọng của Báo - điều mà nhiều người băn khoăn. Đó là những người đã từng tham gia CLB Tình Người trong đó có đảng viên và kể cả những người dân bình thường, họ tham gia được một thời gian rất ngắn thì nhận thấy có cái không đúng, họ đã tỉnh ngộ. Họ quay lại bắt tay với báo chí, bắt tay với chúng tôi và có những lời nói động viên, những hành động để cổ vũ chúng tôi điều tra. Chúng tôi cho rằng họ rất dũng cảm, họ biết sai, biết không hợp lý, họ quay sang đấu tranh thì đó là những người bản lĩnh. Không có những thông tin từ họ, không có sự động viên khẳng định phần đúng là phần nhiều thì đường đi của chúng ta sẽ rất khó. Chúng tôi mong rằng, sau này tất cả chúng ta, trong đó có Báo Đại Đoàn Kết sẽ có trách nhiệm trong việc bảo vệ họ. Xét cho cùng, họ là những nguồn tin, mà trong làm báo thì có khi phải hi sinh chính mình để bảo vệ nguồn tin”- nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng: Tham gia CLB này có người bị dụ dỗ bởi mê tín dị đoan, nhưng cũng có người bị mê tín dị đoan ảnh hưởng quá mạnh dẫn đến tê liệt nhận thức. Chúng ta cần có cuộc tổng rà soát để đánh giá lại các thành phần tham gia CLB Tình Người, bên cạnh đó đánh giá cán bộ. Những người tham gia CLB này đều mắc sai phạm song tùy vào tính chất, mức độ tham gia của từng người để có những hình thức xử lý hợp lý.
“Các loại sai phạm có từng mức độ nên chúng ta cũng cần phải phân định rõ ràng, để việc xử lý phải đảm bảo công tâm, công khai, công bằng. Ở đây tuyệt đối không bao che, không làm giảm nhẹ những người đáng ra phải xử nặng. Bên cạnh đó, cần phải bảo vệ những người là nạn nhân, và những người chủ động rút khỏi CLB này, chủ động hợp tác với cơ quan chính quyền. Đặc biệt không xử oan người bị hại”- ông Nhưỡng nói.
Sớm kết luận, xử lý cán bộ vi phạm
Từ thực tế tình hình nhiều cán bộ, đảng viên tham gia hoạt động của CLB Tình Người, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng phải tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội, của đảng viên, công chức nhà nước và đây là bài học cần rút ra là phải gắn liền công việc hàng ngày với thực tiễn cơ sở.
“Tại địa bàn dân cư, tổ chức đoàn thể đã phát hiện ra như thế nào? Đã cảnh báo như thế nào để những người tham gia câu lạc bộ này cảnh tỉnh?”- GS Bảo nêu vấn đề và đề nghị: Nếu không sớm có kết luận, giải quyết thích đáng thì sẽ ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, tới trí thức, văn nghệ sỹ và thế hệ trẻ. Nếu những tầng lớp này bị lôi kéo sẽ tạo ra hư ảo lầm đường lạc lối, như vậy xã hội rất nguy hiểm. Đất nước phải ổn định, bình yên để phát triển, những gì xa lạ với đường hướng như vậy chúng ta phải phê phán, xử lý.
Còn theo ông Lưu Bình Nhưỡng cần tăng cường quản lý nhà nước, tăng cường giám sát, công tác dân vận, phổ biến chính trị pháp luật. Bởi không thể lường được có hay không có các thế lực thù địch đứng đằng sau, cài cắm vấn đề này vào làm mê muội người dân. Do đó, từ điều tra của Báo Đại Đoàn Kết về sự việc trên, các cơ quan truyền thông cần nêu bật được vấn đề này giúp các cấp chính quyền, người dân cần nâng cao cảnh giác.
Trong khi đó, ông Lê Như Tiến cũng kiến nghị: Cơ quan điều tra cần vào cuộc sớm có kết luận điều tra và công khai, công bố cho toàn dân biết. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh, không để tiếp tục xuất hiện những tổ chức nhân danh những điều hay, điều tốt nhưng bản chất lại đi ngược lại tất cả.
Đề cao tinh thần trách nhiệm và kỷ cương pháp chế xã hội
GS Hoàng Chí Bảo cho rằng từ sự việc của CLB Tình Người đã để lại những bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là bài học chú trọng bài học nhận thức cho đảng viên, công chức và người dân. Nhận thức là bài học muôn thủa và cần chú trọng giáo dục niềm tin khoa học. Thứ hai, cần đề cao tinh thần trách nhiệm và kỷ cương; thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường pháp chế và kỷ cương xã hội. Anh không điều chỉnh thì pháp luật điều chỉnh. Tài liệu tuyên truyền là “pháp bảo” thì nhà xuất bản phải trách nhiệm liên đới, ai cho phép, ai cấp phép số lượng lớn thế này. Tài liệu phỉ báng, tại sao lại nói mạt vận, mạt thế ở đây? Điều này phải xử lý. Chúng ta không phức tạp hoá, không cường điệu hoá, tất cả luận điệu như vậy mang ý đồ đen tối phá hoại cuộc sống.
Phải xử nghiêm những người đứng đầu CLB Tình Người
Ông Lê Như Tiến bày tỏ: Cá nhân tôi cho rằng, CLB này nếu xuất hiện ở địa bàn xa xôi nào đó đã không chấp nhận được, huống hồ ở Thủ đô ngàn năm văn hiến, có nền văn hóa cao như thế, trong khi người tham gia có học hàm học vị thì họ vừa vi phạm pháp lý, vừa vi phạm về mặt đạo lý. Vì thế, cần có sự chỉ đạo tốt hơn của cơ quan có thẩm quyền, sự lên tiếng của cơ quan truyền thông; đặc biệt, cơ quan bảo vệ pháp luật phải lên kế hoạch xử lý triệt để. Vì nếu không xử lý được vấn đề này thì niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng của chúng ta bị xúc phạm. CLB này nói đây là “thời mạt”, “mạt thế”, dùng tiền để “gieo duyên”, “tạo phước”… đấy chính là lợi dụng tâm linh để trục lợi.
Đặc biệt cần làm rõ, số tiền họ đóng góp đi đâu, dòng chảy của dòng tiền về hướng nào? Qua những bài đăng tải trên Báo Đại Đoàn Kết, của những chuyên gia cho thấy CLB này có sự nguy hiểm với xã hội không chỉ ở một quận, không chỉ ở Thủ đô, không cẩn thận lây lan đến vùng khác thì rất khó kiểm soát. Điều này vừa gây tâm lý hoang mang, làm tan nát gia đình. Đây là hoạt động quá không bình thường, phải kiên quyết xử lý ngay cán bộ, đảng viên tham gia CLB này. Phải xử lý nghiêm minh người cầm đầu, bởi hoạt động của CLB này có ý định chống phá mà núp dưới bóng dáng của tâm linh. Tôi đánh giá cao Báo Đại Đoàn Kết đã có những viên đạn có sức công phá mạnh mẽ, có hiệu quả vào những thói hư, tật xấu trong xã hội và rõ ràng đã có những hiệu quả bước đầu.
Cần xem xét trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và công an cơ sở
Bày tỏ xúc động khi có độc giả gửi thư đến Báo Đại Đoàn Kết cám ơn báo vì đã giúp cá nhân họ thoát khỏi “nhà tù của mê tín dị đoan”, ông Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi: Tại sao chỉ đến khi Báo Đại Đoàn Kết vào cuộc và tiếp đó giới truyền thông lên tiếng thì chính quyền địa phương mới lên tiếng?
Để sự việc trên diễn ra, theo ông Nhưỡng là do chính quyền thiếu nhận thức về mặt chính trị, hoặc nhận thức không tới, lệch lạc. Thứ hai, có khi những người trong chính quyền ở đây có quá nhiều việc “quan trọng” hơn để quan tâm, nên sao nhãng và không coi trọng vấn đề liên quan CLB Tình Người. Thứ ba, có thể trong chính quyền, có người đã tham gia vào CLB này, hoặc người nhà đã tham gia, hoặc cũng đã nhận được “chút đỉnh” nên vẫn “bình chân” không vào cuộc xử lý. Thứ tư, là có sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chính quyền, có khả năng có sự bao che. Từ đó, theo ông Nhưỡng, cần phải xem xét trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đây là cấp nắm quản lý, điều hành địa bàn đó, đã để yên cho một CLB như vậy hoạt động kéo dài nhiều năm mà không hề hay biết. Thứ hai là công an với vai trò quản lý địa bàn. Công an nắm địa bàn mà không hề biết hoạt động của CLB này, tức là “nắm quyền mà như không”.
“Chúng tôi có rất nhiều sự ủng hộ”
Đó là khẳng định của nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn Kết khi trao đổi với độc giả và khách mời. Nhà báo đưa ra ví dụ về sự ủng hộ từ phía cơ quan chủ quản là UBTƯ MTTQ Việt Nam, các cơ quan quản lý báo chí.
“Trong quá trình Báo Đại Đoàn Kết đấu tranh thì mọi người khuyên là phải công tâm, công khai, minh bạch và khách quan. Nếu không có sự ủng hộ lớn và mạnh như thế thì chúng tôi rất khó có thể chiến thắng được sự đe dọa” - nhà báo Lê Anh Đạt nói.
Trong phát biểu kết luận cuộc Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt nêu nhận định: CLB Tình Người đã rời trụ sở số 68 Dương Đình Nghệ để đi tìm một địa bàn khác để hoạt động. Vì vậy, cần tiếp tục theo dõi sát những hoạt động của họ. Nếu có cách quản lý địa bàn sâu sát, CLB này sẽ khó hoạt động như thời gian vừa qua. “Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng quản lý tốt địa bàn mình. Phải kiểm soát được địa bàn hoạt động của CLB Tình Người bởi họ vẫn thông báo sẽ tiếp tục hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Tôi cho rằng, những người sát dân nhất thì phải kiểm soát việc này”.