'Giải mã' nguyên do khiến bức tranh Việt đạt giá kỷ lục 3,1 triệu USD
Danh tiếng của họa sỹ, độ hiếm, giá trị nghệ thuật... được cho là nguyên nhân khiến bức tranh của một hoạ sỹ Việt Nam (họa sỹ Mai Trung Thứ) có giá bán cao kỷ lục: 3,1 triệu USD.
Tối 18/4, bức tranh “Chân dung cô Phượng” của cố họa sỹ Mai Trung Thứ được gõ búa ở mức 3,1 triệu USD tại nhà đấu giá Sotheby’s Hong Kong (Trung Quốc) đã làm xôn xao giới hội họa tại Việt Nam. Đây là mức giá công khai cao nhất từ trước đến nay đối với một bức tranh của tác giả người Việt.
Nói về mức giá cao kỷ lục và ấn tượng của tác phẩm “Chân dung cô Phượng,” giới chuyên môn cho rằng các nguyên nhân nằm ở: Danh tiếng của họa sỹ Mai Trung Thứ, khả năng bị làm giả thấp, giá trị nghệ thuật cao.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Phong, nguyên trưởng ban Mỹ thuật cổ, Viện Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, danh họa càng có tiếng thì tác phẩm càng được giá. Nhiều tác giả có tranh đẹp, tốt về mặt kỹ thuật, bút pháp thì không bán được giá cao như vậy.
Đồng tình, nhà văn, họa sỹ Nguyễn Trương Quý cho rằng tranh càng hiếm, càng ít có khả năng bị làm giả thì giá bán càng cao. Những tên tuổi như Mai Trung Thứ, Lê Phổ... đều là các họa sỹ đời đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, lại sống ở Pháp nên nguồn gốc xuất xứ tranh của họ đều khá đảm bảo.
Ngược lại, các họa sỹ Việt Nam thường bị thất lạc tranh hoặc bị chép tranh, làm giả nhiều nên khó có thể có giá bán cao. Bùi Xuân Phái - danh họa có tranh bị làm giả bậc nhất nhì tại Việt Nam – là một trường hợp như thế. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Phong, thị trường tranh của Bùi Xuân Phái tại Việt Nam từng rất sôi động nhưng cũng nhanh chóng nguội đi vì tranh giả quá nhiều.
Hoạ sỹ Nguyễn Trương Quý nhận xét tính riêng biệt, đặc sắc và đậm chất Việt Nam có thể là lý do khiến nhiều người yêu thích và muốn mua tranh bằng được. Theo ông, bức tranh thể hiện đầy đủ bút pháp đỉnh cao của chính Mai Trung Thứ và thời đại của ông.
Cụ thể, bức tranh này thuộc vào giai đoạn đầu của cố họa sỹ khi tranh vẽ của ông khá cẩn trọng về hình khối, không “vờn khối” hay đánh bóng quá mức theo kiểu tả thực, mà nghiêng về hướng gợi hình nhiều hơn. Màu sắc tranh gợi lên sự tinh tế, mềm mại, thanh nhã và nhẹ nhàng của giới thượng lưu thời đó. Về sau này, người trong tranh của ông thường bị kéo dài ra, gợi vẻ lả lướt, yểu điệu và có phần cổ tích hơn.
Cũng theo hoạ sỹ Nguyễn Trương Quý, bức “Chân dung cô Phượng” đã thành công khi ghi lại vẻ đẹp của người phụ nữ Á Đông thời đó - hình tượng truyền thống và quen thuộc của mỹ thuật Việt Nam thời Pháp thuộc. Những bức tranh vẽ phụ nữ đẹp vẫn là những tác phẩm thành công nhất của hội họa Việt Nam, như "Thiếu nữ bên hoa huệ" của Tô Ngọc Vân, "Thiếu nữ bên hoa sen" của Nguyễn Sáng, "Em Thúy" của Trần Văn Cẩn...
"Chân dung cô Phượng" là tác phẩm được họa sỹ Mai Trung Thứ vẽ năm 1930. Chủ đề phổ biến trong tranh của ông là phụ nữ, trẻ em và cuộc sống thường ngày trên chất liệu tranh lụa, sơn dầu.
Theo thông tin trên website của nhà đấu giá Sotheby's, cô Phượng trong tranh là một cô gái trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu của Hà Nội xưa, nổi tiếng với vẻ đẹp tự nhiên và duyên dáng. Có thông tin cho rằng cô Phượng và Mai Trung Thứ từng yêu nhau nhưng vì cản trở giai cấp mà không thể tiếp tục.
Sau này, bức tranh càng nổi tiếng hơn khi xuất hiện trong bộ phim "Mùi đu đủ xanh" của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng.
Cuối ngày 19/4, bên cạnh bức "Chân dung cô Phượng," các tác phẩm của ba quái kiệt Phổ-Lựu-Đàm, Bùi Xuân Phái, Tôn Thất Đào... cũng đã được bán trên Sotheby's Hong Kong với các mức từ 35.000 USD đến hơn 1 triệu USD. Trước đây, kỷ lục tranh Việt Nam được bán đấu giá cao nhất là 1,9 triệu USD, thuộc về bức "Khỏa thân" của Lê Phổ.
Mai Trung Thứ (1906-1980) là một trong bốn quái kiệt Việt Nam tại châu Âu gồm Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm, thuộc thế hệ họa sỹ đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Ông được cho là đóng góp nhiều cho bản sắc tranh lụa tại Việt Nam, góp phần mở đường cho tranh Việt Nam xuất hiện trong các triển lãm quốc tế.