Tìm cách giảm gánh nặng chi phí logitstics
Điểm mấu chốt trong hoạt động kinh doanh là chi phí thì đây lại là điểm yếu của các doanh nghiệp (DN) Logistics Việt Nam, cùng với đó là chất lượng dịch vụ chưa tốt. Bên cạnh đó, sự hạn chế về quy mô DN, vốn, trình độ quản lý, trình độ nguồn nhân lực, ứng dụng CNTT… cũng là rào cản khiến ngành Logistics Việt Nam chưa thể vươn tầm quốc tế.
Đó là những chia sẻ của giới chuyên gia, DN tại Hội thảo Phát triển thị trường dịch vụ logistics cho DN do Bộ Công thương tổ chức sáng 20/4 tại Hà Nội.
Năm 2020 được đánh giá là một trong những năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Mặc dù Chính phủ các nước nỗ lực duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa và đặc biệt ưu tiên lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu, nhưng do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, các quy định về cách ly, giãn cách xã hội, có những thời điểm, toàn bộ hoạt động gần như bị tê liệt...
Trong khi một số nơi các hoạt động logistics bị ngưng trệ vì dịch bệnh, một số phân khúc khác như logistics phục vụ thương mại điện tử lại trở nên quá tải vì số lượng người mua hàng và đơn giao hàng tại nhà tăng đột biến. Trong cả hai trường hợp, nếu không có sự chuẩn bị tốt, các DN dịch vụ logistics và các DN sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ gặp khó khăn rất lớn để thích nghi với hoàn cảnh mới.
Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện nay 95% các DN logistics đang hoạt động là DN nhỏ và vừa, với quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa DN dịch vụ logistics với DN xuất nhập khẩu... đó là những lý do khiến cho DN logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi ở cả chiều mua và bán
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến của DN, giới chuyên gia đều khẳng định, dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng. Do đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các DN logistics với nhau, giữa DN logistics và DN sản xuất, xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các DN, nâng sức cạnh tranh cho DN trong bối cảnh hội nhập. Đồng thời góp phần hình thành mạng lưới các DN lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam...
Theo bà Ngô Thị Trúc Anh, Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada, để dịch vụ logistics phát triển, rất cần sự đầu tư công nghệ của DN vào hạ tầng logisctics, “số hóa” các khâu từ giao hàng đến thanh toán... Nếu như trước đây, hàng hóa khi được khách hàng order hôm trước thì hôm sau mới đến tay khách hàng, thì nay, hàng được giao trong ngày. “Để nâng sức cạnh tranh, việc chuyển đổi số là rất quan trọng, và các DN Việt Nam từ DN sản xuất đến các DN vận chuyển, logistics cần phải nỗ lực số hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay” – bà Trúc Anh nêu quan điểm.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng cho rằng, với thực trạng hiện nay của các DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, ngoài những nỗ lực chuyển đổi số trong bản thân mỗi DN, các DN ngành logistics cần “bắt tay nhau” kết nối lại để phát triển thành DN lớn, bởi theo các chuyên gia, “muốn đi thật xa không thể đi một mình mà phải đi cùng nhau”.