Cao Bằng: Khởi sắc nông thôn mới

C.Hiệu 23/04/2021 10:00

Hơn 10 năm với nhiều cách làm sáng tạo và chủ động, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thổi luồng sinh khí mới đến những vùng nông thôn của tỉnh Cao Bằng. Đến nay, tỉnh đã có 17 xã về đích nông thôn mới.

Cây trúc sào mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Bảo Lạc.

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Chu Văn Trường, xóm Lũng Pán, xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng là một trong những hộ đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trúc sào.

Ông Trường chia sẻ: Nhận thấy rõ hiệu quả kinh tế mà cây trúc sào mang lại, gia đình ông đã chủ động học tập kinh nghiệm, kỹ thuật trồng từ các lớp tập huấn và mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng trúc. Đến nay, gia đình ông Trường đang có hơn 12 ha trúc sào. Hằng năm, mô hình trồng trúc sào kết hợp chăn nuôi đã đem lại thu nhập cho gia đình ông Trường hơn 400 triệu đồng/năm. Gia đình ông còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương.

Còn đối với gia đình ông Nông Hứa Vị, xóm 2, xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của các thành viên. Nhận thức rõ mục đích ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Vị đã tự nguyện hiến hơn 2.000 m2 đất canh tác để mở rộng và bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Khi con đường được hoàn thành, gia đình ông và bà con xóm 2 đi lại thuận tiện hơn, điều kiện để phát triển kinh tế.

Gần 10 năm nỗ lực, xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc về đích nông thôn mới vào năm 2020. Chủ tịch UBND xã Huy Giáp Lương Văn Mão cho biết, với xuất phát điểm thấp trong xây dựng nông thôn mới, xã Huy Giáp xác định phát huy nội lực là chủ yếu. Vì vậy, xã đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Cùng với đó, xã tăng cường vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh tăng vụ. Từ đó nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã đã đem lại hiệu quả rõ rệt như mô hình nuôi lợn đen, phát triển đàn bò sinh sản, trồng trúc sào, trồng ngô lai, lúa lai... Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đến nay đã giảm xuống còn 8%; thu nhập bình quân người dân đạt 36,2 triệu đồng/người/năm...

Lấy đà về đích nông thôn mới từ năm 2019 nên hầu như mọi việc đều được chính quyền xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng và người dân chủ động thực hiện. Sự thay đổi về hạ tầng nông thôn là điều khiến người dân xã Chu Trinh phấn khởi.

Chủ tịch UBND xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng Đàm Việt Hùng cho biết, gần 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân hiến trên 6.000 m2 đất ở, đất ruộng, đất lâm nghiệp, đóng góp trên 7.000 ngày công lao động để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Việc đầu tư điện, đường, trường, trạm đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống về cả vật chất lẫn tinh thần cho người dân.

Xã Chu Trinh, thành phố Cao Bằng và xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc chỉ là hai trong gần 20 xã đã về đích nông thôn mới của tỉnh Cao Bằng. Từ chương trình, diện mạo nông thôn tỉnh Cao Bằng đang thay đổi từng ngày, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt. Người dân không chỉ đồng thuận đóng góp ngày công lao động, xây dựng các công trình thiết yếu mà họ còn giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương.

C.Hiệu