Thung lũng Bắc Sơn
Bắc Sơn là huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn, thuộc cánh cung Bắc Sơn vùng Đông Bắc. Ở đây có các ngọn núi cao từ 500 đến 1.200 m so với mực nước biển.
Đây cũng là nơi có nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra cả một nền văn minh của người Việt cổ, vào sơ kỳ đồ đá mới, mang tên văn hóa Bắc Sơn.
Bắc Sơn cũng là căn cứ địa kháng chiến (căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai), nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, chống Nhật và Pháp của lực lượng Việt Minh những năm 1940.
Thung lũng Bắc Sơn nằm giữa bốn bề núi đá vôi trùng điệp, điểm tô những dòng sông uốn lượn qua các đồng lúa trải rộng bạt ngàn... tạo nên bức tranh hữu tình, quyến rũ. Đây là “mái nhà chung” của nhiều đồng bào dân tộc anh em, gồm người Kinh, người Nùng, người Dao, người Tày... với những nếp nhà sàn truyền thống, mộc mạc và thanh bình.
Đất đai màu mỡ, từ xưa tới nay bà con chủ yếu làm nông, đặc biệt là trồng lúa nước với hai vụ chính mỗi năm. Cùng đó bà con còn canh tác thêm ngô, khoai và chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Cũng do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu mà có lẽ không nơi nào trên đất nước ta lại “mùa nối mùa” như ở thung lũng Bắc Sơn. Cụ thể là các thửa ruộng nơi đây không hoàn toàn được gieo trồng cùng một thời điểm, mà cứ nối nhau.
Từ đó, trên những cánh đồng, cây trồng tạo nên “tấm thổ cẩm” khổng lồ với nhiều màu đặc sắc, đan xen giữa ruộng lúa chín, lúa xanh, vừa mới cấy hay thửa ruộng còn xâm xấp nước...
Thời gian đi qua, nhưng cho tới nay người ta vẫn hát bài “Bắc Sơn” của nhạc sĩ Văn Cao, sáng tác vào năm 1946. Đó là bài hát ghi lại một thời kháng chiến hào hùng của vùng rừng núi này. Lời bài hát có đoạn:
“Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió/ Ðau lòng bao năm sống lầm than đây đó/ Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng/ Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng/ Lớp lớp chiến đấu Lạng Sơn tung bay cờ/ Rồi vùng đồi núi nhờ bao nhiêu hận thù/ Dân quân du kích. Cách mạng bùng mùa thu/ Sao vương bóng cờ bay trên chiến khu/ Bắc Sơn! Ðây hố sâu mồ chôn/ Rừng núi ngân tiếng hú căm hờn/ Bắc Sơn! Khi bóng trăng mờ sương/Bắc Sơn! Không bóng người dưới thôn/ Giặc Pháp tàn ác giày xéo/ Từng xác ngập đất máu xương/ Nhà đốt, cầm giáo cầm súng/ Dân quân vùng ra sa trường/Bắc Sơn! Nơi đó sa trường xưa/ Bắc Sơn! Ðây núi rừng chiến khu!”.
Hôm nay, Bắc Sơn đã trở thành một vùng dân cư trù phú, sầm uất với những bản làng ríu rít tiếng nói cười, chan chứa giọng cười, ánh mắt yêu thương. Nói về phong cảnh tự nhiên, đến Bắc Sơn ai cũng muốn được lên đỉnh núi Nà Lay ở độ cao khoảng 600m so với mực nước biển.
Từ trên cao có thể ngắm nhìn toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn tuyệt đẹp, nhất là vào lúc hoàng hôn và bình minh. Với 1.200 bậc thang đá cheo leo, ai quen leo núi sẽ mất chừng 30 phút, còn lại có thể chậm rãi khoảng 1 giờ thì cũng sẽ lên đến đỉnh. Lên đỉnh núi, cho dù mệt mỏi thì cảm giác ấy cũng nhanh chóng bay biến trước cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, trời đất giao hòa.
Đến Bắc Sơn, du khách cũng thích thú khi ghé lại Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, nơi bà con người Tày sinh sống lâu đời với bề dày truyền thống đáng khâm phục. Nhà dân trong làng có kiến trúc đồng nhất một cách độc đáo, với hàng trăm mái nhà sàn theo cùng một hướng Nam.
Tất cả có chừng 400 nóc nhà. Thoạt trông thì rất giống nhau nhưng khi nhìn kỹ ta vẫn sẽ nhận ra sự khác biệt trong các chi tiết của từng ngôi nhà. Nhưng, sự khác biệt ấy chỉ làm đẹp thêm cho kiến trúc rất thống nhất của làng mà thôi.
Du khách cũng sẽ ngạc nhiên khi đến với thác Đăng Mò, một thác nước quanh năm tuôn chảy giữa núi rừng hoang sơ. Thác Đang Mò thuộc địa phận huyện Bình Gia, cách thị trấn Bắc Sơn khoảng 20 km. Từ thị trấn đến thác cũng là một cung đường khá đẹp với cảnh sắc thiên nhiên yên ả.
Ở thác Đăng Mò, dọc theo triền thác là những tảng đá lớn nhỏ chất chồng lên nhau, muôn hình đủ dáng. Bên bờ thác, cây cổ thụ vươn cành phủ tán ra giữa dòng nước càng khiến nơi này thêm phần bí ẩn...
Rồi du khách cũng sẽ được đắm mình vào không khí hoài cổ, ngược dòng thời gian khi đến đình Nông Lục, thuộc xã Hưng Vũ. Ngôi đình này là 1 trong 20 di tích kiến trúc nghệ thuật - tôn giáo, tín ngưỡng đình làng còn tồn tại ở thung lũng Bắc Sơn.
Kiến trúc của đình là sự kết hợp hài hòa giữa kiểu đền truyền thống đồng bằng Bắc bộ với kiểu nhà sàn của người Tày ở Lạng Sơn. Đình được xây dựng vào năm 1927 thời Nguyễn, đình có diện tích 180m2 với hình chữ Nhất. Các họa tiết bên trong đình mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, được chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo.
Lịch sử còn ghi, đình Nông Lục chính là nơi diễn ra cuộc họp quyết định phát động cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, vào năm 1940. Cho tới năm 1993, đình Nông Lục được xếp hạng Di tích Quốc gia.
Một trong những điều du khách thích thú khi ghé lại bất cứ vùng đất nào đó chính là đặc sản nơi đấy có gì. Với vùng thung lũng Bắc Sơn cũng chính là vùng đất của những đặc sản độc đáo. Nếu như lợn sữa quay Lạng Sơn là thương hiệu nổi tiếng thì lợn sữa quay vùng Bắc Sơn cũng nổi tiếng khi có vị riêng. Nó được tẩm ướp và quay nguyên con bằng than hoa với phương pháp quay thủ công truyền thống.
Lợn quay xong, lớp da bên ngoài vàng đều, giòn rụm, thịt bên trong mềm ngọt đậm đà gia vị và dậy mùi hương của lá mác mật, quả mác mật khô. Thịt lợn quay lại được chấm với nước sốt lấy từ bụng con lợn sau khi quay, có vị khác biệt rất ấn tượng với thực khách.
Người Bắc Sơn còn có món bánh chưng đen làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt. Nhờ thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng nên gạo nếp của Bắc Sơn thơm ngon dẻo ngọt, sau khi ngâm gạo chừng 6 - 8 tiếng, gạo được vớt ra để ráo nước và trộn với gio của cây lúa nếp đã được lọc mịn.
Trước khi luộc bánh, người ta đem ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi đổ nước cho ngập mặt lá, đun khoảng 4 - 5 tiếng thì vớt ra. Khi thưởng thức, người dân cắt bánh thành những khoanh nhỏ. Bánh chưng đen Bắc Sơn ăn mát, không ngấy, không gây nóng cổ, rất đậm đà…