NSND, họa sĩ Doãn Châu: Vẽ trong ký ức mộng du
Vợ chồng nghệ sĩ Doãn Châu và Bích Thu đều là lớp nghệ sĩ khóa 1 của Trường Sân khấu Việt Nam (tốt nghiệp năm 1961). Đây có thể coi là thế hệ vàng của sân khấu nước nhà. Đó là những nghệ sĩ nổi tiếng như Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh, Hà Văn Trọng, Văn Hiệp, Mỹ Dung… Nhưng có điều lạ nghệ sĩ Doãn Châu bỗng sớm chuyển hướng sang làm thiết kế mỹ thuật sân khấu. Sau đó anh được cử đi học nước ngoài (1974).
Kỷ lục 400 vở diễn
Sau khi học tập trở về họa sĩ Doãn Châu như được chắp cánh bay cao. Hầu hết những vở của Nhà hát Kịch Việt Nam đều do anh thiết kế mỹ thuật. Ngày đó mỹ thuật sân khấu được coi là đột biến với những phong cách thể hiện mới lạ. Không còn chỉ là những phông màn mang tính minh họa giản đơn hay trang trí thuần túy mà thiết kế mỹ thuật sân khấu trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Doãn Châu đã đem lại nét hiện đại và ngôn ngữ riêng biệt. Những sắc màu và bố cục hình khối phông cảnh giúp cho nghệ sĩ thăng hoa trong trình diễn. Anh sáng tạo với từng kịch mục khi được tham gia và gây tiếng vang trong lòng khán giả. Nghệ sĩ Doãn Châu tâm sự: “Với tôi tác phẩm thiết kế mỹ thuật sân khấu mang tính liên hoàn nhưng cảnh nào cũng phải toát lên được ý tưởng gắn với chủ để tư tưởng kịch bản”.
Nhưng điều đặc biệt khi tôi trao đổi với anh về phong cách mỹ thuật sân khấu thì anh khẳng định mình là đa phong cách. Họa sĩ với những cảm xúc sáng tạo còn phụ thuộc vào tác giả kịch bản và hình loại nghệ thuật biểu diễn. Với kịch lại khác sân khấu chèo hay tuồng, hoặc cải lương, vậy nên mỹ thuật phải đem lại ngôn ngữ và phong cách thích hợp. Sự thay đổi phong cách thể hiện luôn biến động đòi hỏi họa sĩ sân khấu phải thích ứng. Khi thì thể hiện mang miếng “siêu thực” hay “trừu tượng”. Khi họa sĩ là cần những hình khối trần trụi mang tính “ấn tượng” hay hiện thực dân gian trữ tình. Những cách thể hiện đó luôn đem lại sự hưng phấn cho từng nhân vật mà diễn viên thể hiện.
Khi xem bộ thiết kế cho với “Vua Lia” của anh, tôi mới thấy những nét độc đáo mang tính chuyển động cao. Có những nét ước lệ của tuồng, lại có âm hưởng hoạt náo của chèo và bí ẩn của cải lương. Mỗi lần chuyển cảnh là bi kịch Vua Lia lại tích tụ và dâng cao. Phối hợp giữa ánh sáng và hình khối sắc màu của nghệ thuật sắp đặt tạo nên không gian tôn vinh cho vở diễn. Với anh như thế sân khấu mới thực sự trở thành “Thánh đường”. Nói đến họa sĩ Doãn Châu là khán giả luôn nhớ đến những thành tựu của anh qua ca các kịch mục như: “Vua Lia”, “Hà My của tôi”, “Rừng trúc”, “Tú Xương”, “Đỉnh cao mơ ước” và “Sống mãi tuổi 17”. Hơn 40 năm “dựng phông màn” họa sĩ Doãn Châu đoạt 20 HCV và HCB qua các kỳ hội diễn. Anh còn đoạt kỷ lục với 400 bản thiết kế mỹ thuật cho vở diễn và được bình chọn họa sĩ xuất sắc vào các kỳ hội diễn (1995 và 2000). Chính vì sự đa dạng về phong cách được hình thành với từng vở diễn mà tranh anh vẽ sau này cũng đậm chất sân khấu và dạt dào cảm xúc. Đặc biệt sau khi về hưu (năm 2004) với chức danh giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, Doãn Châu tập trung vào hội họa. Anh được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) năm 2007.
Những ký ức sắc màu
Dường như hội họa đã mê dụ NSND Doãn Châu. Anh mải miết vẽ trong nỗi cô đơn cùng những đêm trắng. Ngỡ như sắc màu và không khi náo nhiệt của sân khấu đã lùi về dĩ vãng. Nhưng không tất cả vẫn vọng về đêm đêm như những ký ức không thể phai nhòa. Bạn diễn và những ngày đi phục vụ chiến trường một thuở đã làm xáo động tâm hồn anh. Nhớ đến bạn anh cầm bút vẽ. Những âm thanh và tiếng chuyển động phông màn dội về anh lại cầm bút. Anh nói mình vẽ trong mộng du là vì vậy. Từ đây những chân dung được hình thành. Đầu tiên là chân dung của người vợ yêu quý, NSƯT Bích Thu, anh vẽ hàng chục bức. Riêng bạn diễn cùng trang lứa anh đã vẽ với cảm xúc dâng trào và để lại ấn tượng độc đáo. Đó là những nghệ sĩ nổi tiếng: Thế Anh, Văn Hiệp, Trọng Khôi, Lê Chức, Lê Hùng, Đoàn Dũng, Xuân Chính, Mỹ Dung... Anh còn vẽ những bức chân dung nghệ sĩ lớp trước như Đào Mộng Long, Hà Thị Cầu, Đình Quang… Mỗi người một vẻ và được mô tả khá đa dạng với những bút pháp khác nhau.
Anh từng tâm sự với tôi về kỷ niệm với bức chân dung Văn Hiệp. Vẽ người bạn thân thiết từ khi còn trẻ anh đã nêu bật được tính cách lãng tử bất cần đời của Văn Hiệp. Anh kể khi còn chưa vào nghề cả hai đều trốn vé lẻn vào nhà vệ sinh Nhà hát lớn để chờ xem kịch. Nhưng ai dè cả hai bị ông bảo vệ tóm được lôi ra ngoài. Nằn nì thế nào ông ta cũng không cho vào và còn bị đuổi đi. Tức mình Văn Hiệp giơ nắm đấm vung về phía trước và hét lên: “Hãy đợi đấy! Một ngày không xa chúng ta sẽ quay lại nhà hát”. Quả nhiên sau đó cả hai cùng dựng tiểu phẩm thi vào trường sân khấu và đỗ điểm cao (1958). Sau khi tốt nghiệp cả hai cùng được về Nhà hát Kịch và diễn thường xuyên ở Nhà hát lớn. Bức chân dung Văn Hiệp được anh giữ cho đến nay đã gần 20 năm. Trong lần mở triển lãm “Chân dung và tĩnh vật” năm 2010 của Doãn Châu, rất nhiều người sưu tầm tìm đến. Số lượng tranh của anh đã bán gần hết nhưng có 3 bức mà Doãn Châu nhất quyết giữ lại dù có người trả giá khá cao. Đó là chân dung Văn Hiệp, Đào Mộng Long và Hà Thị Cầu.
Triển lãm “Chân dung và tĩnh vật” (2010) của Doãn Châu thành công và được dự luận trong giới hội họa và sân khấu rất yêu thích. Tôi bồi hồi ngắm lại bức chân dung NSND Hà Thị Cầu với nỗi niềm khó tả. Nếu nét đặc trưng về tính cách Văn Hiệp ngang tàng phớt đời với quân bài trên tay; thì đôi mắt hoắm sâu trong khuôn mặt khô quắt của Hà Thị Cầu lại là một nỗi sầu muộn mênh mông. Với hình bóng của một chiếc đầu lâu là gương mặt quằn quại một đời hát rong của người nghệ sĩ chân đất. Thân cò thân vạc tan tác trong mưa gió. Đúng với hình ảnh mà nghệ sĩ đã ghi trong sổ tay miêu tả: “Chiều về/ Nghệ sĩ treo mặt nạ cười lên vách bếp. Đêm về/ Thân cò lã chã mưa”. Đó là hình ảnh người nghệ sĩ trọn đời lăn lộn cho đến chết vì sân khấu.
NSND Doãn Châu bộc bạch, với chân dung NSND Hà Thị Cầu anh đã phải vẽ tới hàng chục lần. Nhất là mô tả bàn tay của bà. Đó là những đêm như ma ám khi cái đầu lâu hiện lên trong chiếc khăn mỏ quạ. Đôi bàn tay như bay như múa đến thiết tha trong cung dây tơ. Sau đó còn là vệt đen trên má gày gò thô ráp vì cuộc đời lang bạt đó đây. Đó là một vết khắc của con dao đời đóng dấu cho một thân phận tha hương. Cái hồn cốt của chân dung ứa ra như nước mắt khóc cho cuộc đời nghệ sĩ sương gió một thời đắng cay. Tác phẩm về chân dung của Doãn Châu mạnh và sâu với phong cách nghệ thuật biểu hiện rất có hồn.
Hà Nội và sen
Mới đây hay tin anh vừa bán được mấy bộ tranh, tôi vội sang khu chung cư Ecopark nơi gia đình anh ở để chúc mừng. Ngỡ là vui nhưng anh lại rầu rầu nói rằng bán được nhưng tiếc lắm. Toàn “Phố” và “Sen” cả. Anh tâm sự “Phố” của anh luôn có những điều để trò chuyện. Tranh “Phố” ẩn giấu những cuộc đời và sự le lói của sự tàn phai nền văn hóa Thăng Long. Phố có em bé đánh giầy đang thẫn thờ ở giữa ngã ba đường. Phố có mưa rơi và bay lên như cổ tích vậy. Hay phố có sự chuyển động của xe cộ và bụi bặm vội vã. Đó là “Ô quan chưởng”, “Mảnh trời còn lại”, “Phố ven sông” hay còn đó là “Đất và lửa”, “Cây cơm nguội vàng”, “Lối mới ta về”…
Ngược lại tranh “Sen”, họa sĩ Doãn Châu lại chứa đựng những nỗi niềm trong những nét suy tư về cuộc đời. Mơ mộng và trăn trở. Bất chợt chúng tôi dừng chân bên bức sen với tiêu đề “Vũ điệu sen”. Nó ẩn chứa muôn vàn ký ức dưới anh đèn sân khấu của NSND Doãn Châu. Đó là những tiết điệu và những cung bậc âm thanh vang dội không gian nghệ thuật. Tôi thẫn thờ vì những bông sen đang múa trong ánh vàng lấp lánh.