Thổ cẩm
Tôi mê sắc màu thổ cẩm từ độ chạm phải mắt em. Xóm núi đã tối từ lâu, đêm đen kịt phủ khắp núi rừng.
Giá lạnh ở ngoài kia, bếp lửa nhà em ấm không phải bởi than hồng mà bởi ánh mắt em thêu những xa xưa vào vuông vải ấy, thêu những hôm nay bằng bàn tay khéo, cổ tay tròn lẳn có cái vòng bạc tròn đung đưa mê hoặc.
Đôi mắt có sắc hoa, đôi mắt mang màu nắng, đôi mắt có cái thăm thẳm của rừng và của màn đêm. Tôi thấy em từ chiều, nắng mùa khô hanh vàng, má em ửng hồng khi ngược chiều con dốc, tôi ghen với thổ cẩm vì váy áo ấy được gần em, áp sát vào em, khuôn ngực tròn, cái cổ đầy, thổ cẩm thấm mồ hôi của em. Tôi ngây người, tại em, tại đôi mắt mở to nhìn tôi. Dường như em hiểu tôi đang nghĩ gì. Tôi say em.
Xưa, bà nội ôm tôi vào lòng kể bao tích truyện có tiên ma, quỷ dữ, có người hiền lương, tôi nhớ hết và nhớ cả lời bà phán buổi tôi theo bà ra điện mẫu hầu. Trong lấp lánh xiêm áo màu xanh, cái khăn chít trên đầu cũng xanh, cung văn hát ca rộn ràng mê dụ. Người ta thổi sáo, rồi giả tiếng chim hót, bà tôi say sưa múa, đôi chân bà lướt lướt trên nền chiếu hoa. Bà phán rằng tôi được bà chúa thượng ngàn bảo bọc. Ngày ấy nào tôi đã biết gì, mang máng hiểu là bà chúa trên rừng, thế thôi. Thật thú vị sau này những chuyến đi dài của tôi thường hướng về núi rừng. Tôi choáng ngợp bởi núi, tôi hòa vào rừng, tôi thở như dòng suối, tôi là cái cây hay chỉ là một nhành lá đến từ một mùa xuân nào đó... Là tôi tự tiền kiếp, là tôi thành thực say sưa với ánh ngày với hoàng hôn và cả những đêm tối của thượng ngàn cũng không biết nữa.
Khi đủ duyên, tôi gặp em. Mây ở trên trời, bông hay lanh ở thung sâu, tôi theo dấu váy thổ cẩm lấy bông, lấy lanh về. Em nhọc nhằn trèo qua những mỏm đá, chân tôi bước theo, tôi không cần có một con đường như người ta vẫn nghĩ. Tôi theo nhịp váy đung đưa kia mà bước. Em hiểu tôi, người xung quanh biết tôi nghĩ gì, họ nói bâng quơ, họ vun vào hay ghen với tôi, tôi cũng thây kệ. Tôi được bà chúa thượng ngàn bảo trợ, tôi run run nghĩ khi ai đó nhắc tôi về một loại bùa đầy bí hiểm. Tôi khấn nguyện bà tôi phù hộ cho tôi những an lành. Bà tôi hiện về đúng quyền năng một đồng thầy, dúi ngón tay vào đầu tôi bảo:
- Tông giống nhà mày chỉ bận yêu. Thổ cẩm thì xước da xước thịt, lụa là mới là duyên phận.
Tôi chẳng muốn hiểu tường tận những lời đầy ẩn ý của bà nữa. Bà tôi vịn vào những buổi hầu, miên man trong các giá khi là quan, lúc là cô, là cậu. Ấy thế nhưng bà biết cả. Bà tươi tắn, rạng ngời đấy mà cũng khóc ròng những đêm dài vò võ. Bà nương nhờ cửa mẫu cho đến khi được đón về tiên cảnh.
Cái sa se bông thành sợi. Sợi được nhuộm màu đen, sợi đem nhuộm màu chàm. Màu ấy ăn vào vải, ăn cả vào tay em. Em gội đầu, em giặt áo rồi mà màu chưa phai hết thì em lại đã nhuộm thêm, nên bàn tay lúc nào cũng bám màu. Người con gái chốn non cao bận suốt bốn mùa, bất kể buồn vui thổ cẩm luôn là bạn, những váy, áo, khăn, yếm, xà cạp, địu, khăn tay... cho đến khi trở thành những bà lão thì vẫn mải miết với những lanh, bông, vải và những sợi chỉ thêu.
Tôi, vuông vải, những cuộn chỉ màu và cây kim theo em lên nương rẫy. Em tựa vào gốc cây mà thêu, chứ không chịu nghỉ tay khi vừa buông liềm, buông hái. Những ô vuông nối nhau, những đường dích dắc không vô tình mà mang theo những ý niệm tự cội nguồn. Em được dạy, nên em không thêu theo cách của người thạo việc mà em thêu bằng niềm tin, bằng xúc cảm và hy vọng. Sắc màu này không lạc trong cây lá, cỏ hoa, không bị chìm trong bạt ngàn đá núi. Sắc màu ấy đủ để nói lên rằng “em là ai” ở chợ phiên, ở đám hội trong rất đông những người từ mọi ngả đổ về.
Tôi theo em vào rừng để biết cái lá, cái rễ, vỏ cây hay cái củ cho những màu đỏ, màu chàm hay màu nâu. Biết thế mà chẳng thể đọc được tên cây lá. Tôi chỉ biết rõ, nghệ để nhuộm thành màu vàng, màu chàm được nhuộm từ cây chàm, đêm ngâm trong nước tràm đặc, ngày đem phơi nắng. Tôi bảo “Ngâm cho ngấu” em chẳng hiểu được ngay “ngấu” là gì? Phải nghe tôi giải thích. Tiếng em cười tan trong ánh trăng ngàn. Tôi cùng em kiếm những ống tre tròn to nhỏ, để nhúng vào sáp ong để in lên vải những hình tròn khác nhau, rồi vót những que hình tam giác để in các đoạn thẳng và góc, lấy lá chít ép phẳng dùng làm cữ . Em dành sáp ong rừng đốt cho đến nóng chảy, rồi lại để cho thật nguội, đo tính xong mới in những hình tròn, hình tam giác lên vải . Thứ sáp này đặc sẽ không ăn màu, loãng lại khiến hình in bị nhòe, nên cần phải lọc và nấu thật khéo. Tôi hỏi em về những đường gấp khúc song song (chù trá), hình tròn (chùn thốp) và những đường thẳng song song (chùn hèng). Tôi nói theo mà líu lưỡi mãi không nói được, làm em cười ngất. Tôi lạc trong em, trong từng đường kim, mũi chỉ, cũng là vải, là màu, tay thêu vào đấy thôi mà sao đem đến xúc cảm thật đặc biệt, tạo nên một không gian, ngự trị người đối diện, người chứng kiến và ngắm nhìn. Thổ cẩm có một linh hồn, linh hồn của chủ nhân sinh và dưỡng nó. Tôi nghĩ thế và thẩm cảm tạ bà chúa thượng ngàn đã đưa tôi đến chốn này, cho tôi biết phần nào về thổ cẩm chốn non cao phía Bắc.
Tôi sợ về xuôi, vì nhớ lời bà nói bữa trước. Tôi thấy đêm huyền, còn em nói như người già trong bản rằng “Tối đến mức thọc tay vào trong miệng mà không biết’’. Em cười giòn tan rồi im lặng. Tôi thấy tiếng tim mình đập thình thịch, rồi thấy rõ tiếng máng nước chảy về cái vại bên hồi nhà. Tôi bỏ chạy như thể tan vào màn đêm ấy. Bà tôi bảo tôi làm thế, hay tôi muốn thế, những đường kỉ hà trên vuông thổ cẩm không giữ nổi bước chân tôi. Tôi gieo mình vào cái đệm bông gạo, mắt trợn trừng không ngủ. Tôi không tiếc và biết mình đã đúng, tôi nghĩ cho mình, cho em. Mùi thổ cẩm từ cái chăn phả ra ngai ngái, khác hẳn mùi em.
Đêm nay trăng sáng, em đang thêu khăn, đã dần hoàn thiện hình “cái ấn của bàn vương’’ bằng bằng chỉ đỏ. Em đã nói với tôi về ý nghĩa của từng hình, nào hình cánh gà, hình cũi lợn, hình sóng nước... Tôi lại nhớ câu thơ ai đó viết: “Những đường kỉ hà mộng mị’’. Em thêu mà khiến tôi mộng mị. Chẳng có người thơ nào viết hay và đúng hơn sự này. Chẳng cách xa núi rừng, sông suối nào cả, cận kề đây, ôm vào lòng, hôn môi kia, để tay vào ngực em , thấy da thịt con gái, thấy thổ cẩm ram ráp ngay... Nhưng không thể, tôi nhắm mắt lại, những sắc màu loang nhau trong tâm tưởng tôi. Em hiện ra cặm cụi đường kim, em hiện ra với cái váy đung đưa, thắt lưng ôm trọn vòng eo. Cái khăn trắng thêu hình “cái ấn của bàn vương’’, hình con chó, hình đôi chó, hình hoa... là em đi làm dâu và mang theo tích chuyện xưa về nguồn gốc của dân tộc mình trong hình hài và sắc màu thổ cẩm. Tôi mở choàng mắt, ôm ghì lấy em, sợ rằng kèn đã thổi, lễ đã nhận, hai họ ăn cỗ, uống rượu đã mấy ngày, em phải về làm dâu nhà người ta. Tôi phải làm gì đây? Ở lại với em? Hay đem em đi ra khỏi rừng? Tôi đổ ập lên em, em chiếm trọn hồn tôi, ấm nồng và tha thiết. Không có lụa là nào hết, cũng không có thổ cẩm, chỉ có trăng bao phủ lấy tôi và em. Chúng tôi phiêu du trên sườn đồi, da thịt đẫm ánh trăng. Những chiếc khuy bạc trên áo em lấp lánh. Trăng lẳng lặng trên trời cao. Tôi và em tan trong nhau thành thực và nguyên sơ, có thổ cẩm làm chứng.
Giá em cho tôi một đạo bùa, để tôi được ở lại đây – tôi thầm nghĩ mà lại như ao ước. Lời bà tôi sẽ là đúng hay sai nhỉ? Tôi được ở lại với rừng, được bà chúa thượng ngàn bảo bọc, tôi chỉ bận yêu mà quên hết thảy...
Chọn chỗ khuất, tôi ôm ghì lấy em, hít hà mùi thổ cẩm, mùi em. Em nói với tôi về một loại lá cây rừng, không phải để nhuộm màu thổ cẩm hay để dành làm màu vẽ, mà để con trai, con gái hay vợ chồng thỏa mái hơn. Tôi không chờ đón điều ấy. Em đưa tôi ra đầu dốc để về xuôi, cái váy đung đưa ngược chiều con dốc. Tôi nhìn theo mắt cay xè.
Mùa hanh, bụi đỏ mờ. Núi rừng mùa này đang khô rạc đợi xuân sang sẽ lại hồi sinh. Tôi cất em và thổ cẩm vào trái tim để mang theo và tôn thờ - Mối tình đầu của tôi.
Đời lữ thứ “Trăm câu không đỡ nổi câu tình”, câu thơ của ai đó mà như thể viết cho tôi.