Covid nhanh chân hơn vaccine
Hiện một số quốc gia đã đạt được những thành tựu trong cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng được phát hiện. Duy trì các biện pháp phòng dịch vẫn là khuyến cáo được các chuyên gia y tế nhấn mạnh, vì rằng thực tế cho thấy “Covid nhanh chân hơn vaccine”.
Covid-19: Đông Nam Á tăng nhiệt
Tại Thái Lan, đợt bùng phát mới bắt đầu vào tháng 4 tại nước này đã lan đến hơn 70 tỉnh và lây nhiễm hơn 10.000 người. Một số người nhiễm biến thể nCoV của Anh, lây lan nhanh hơn. Số ca nhiễm của Thái Lan tăng trong nhiều tuần nay mà chưa có dấu hiệu giảm. Trong đợt bùng phát mới, virus lây lan chủ yếu ở người trẻ tuổi, giàu có và hay di chuyển.
Trước tình trạng số ca mắc Covid-19 mới tăng mạnh, Bộ Y tế công cộng Thái Lan đang lên kế hoạch dự phòng cho phép bệnh nhân mắc Covid-19 có các triệu chứng ít nghiêm trọng có thể tự cách ly tại nhà, dành giường bệnh cho những trường hợp nghiêm trọng hơn.
Cùng với đó, một số nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Philippines cũng tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Bộ Y tế Indonesia ngày 19/4 thông báo ghi nhận thêm 1.952 ca nhiễm và 143 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại nước này lần lượt lên 1,60 triệu ca và 43.567 ca.
Trước tình hình dịch bệnh trên, Chính phủ Indonesia đã quyết định gia hạn lệnh cấm hoạt động sinh hoạt cộng đồng cho đến ngày 3/5. Danh sách thực hiện lệnh cấm này có thêm 5 tỉnh.
Trong khi đó, Bộ Y tế Phillippines ngày 19/4 cho biết nước này có 9.628 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại đây lên 945.745 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Philippines đã lên tới 16.048 ca, sau khi có 88 bệnh nhân không qua khỏi trong 24 giờ qua.
Cùng ngày, Philippines đã gỡ bỏ lệnh đình chỉ sử dụng vaccine của AstraZeneca cho người dưới 60 tuổi với lập luận lợi ích mà vaccine này đem lại lớn hơn nhiều so với nguy cơ tiềm ẩn.
Còn theo Bộ Y tế Timor Leste, sau hơn 1 năm đại dịch gõ cửa, nước này đã có tổng cộng 1.306 ca mắc Covid-19, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong. Các ca mắc Covid-19 trải rộng trên tất cả các thành phố trực thuộc Trung ương. Sự gia tăng mạnh mẽ của các trường hợp Covid-19 trong hai tháng qua trái ngược hoàn toàn với năm trước. Quốc gia này bắt đầu có tỷ lệ lây nhiễm tăng đột biến vào tháng 3 vừa qua, chủ yếu ở thủ đô Dili.
Chính phủ nước này đã phản ứng bằng việc phong tỏa thủ đô. Tuy nhiên, quốc gia với 1,2 triệu dân này cũng đang gặp trở ngại khi đại dịch đã tấn công cả các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa trước khi có thể triển khai rộng rãi chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19.
Khuyến cáo đi lại và cạn kiệt vaccine
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/4 thông báo sẽ mở rộng khuyến cáo đi lại tới 80% các nước trên thế giới trong bối cảnh gia tăng các ca mắc Covid-19.
Cho tới nay, Mỹ đã đưa 34 nước vào danh sách không nên đến do Covid-19, trong đó có Brazil, Argentina, Haiti, Nga và Tanzania. Nếu Mỹ mở rộng khuyến cáo đi lại tới 80% các nước trên thế giới thì có nghĩa 130 nước khác sẽ được bổ sung vào danh sách này. Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục khuyến cáo người dân nước này cân nhắc lại các hoạt động đi lại ở nước ngoài và hoãn các chuyến đi nếu có thể.
Mỹ đã cấm gần như toàn bộ các công dân nước ngoài từng ở châu Âu, Trung Quốc, Brazil, Iran và Nam Phi nhập cảnh vào nước này do lo ngại các biến thể mới có mức độ lây nhiễm cao của virus SARS-CoV-2.
Tính đến 12h30’ trưa 20/4, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 431 ca mắc Covid-19 mới, với hai trường hợp nhập cảnh, số còn lại liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Trong khi đó, để giải quyết tình trạng khó khăn do lệnh phong tỏa thủ đô, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đêm 19/4 đã ra chỉ thị tất cả các quận huyện thuộc thành phố phải cấp thẻ “mua hàng” để cho phép mỗi gia đình có một thành viên được phép đi lại mua lương thực và nhu yếu phẩm trong thời gian này.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, nơi có nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, hàng triệu người đang chờ đợi vaccine Covid-19 trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ hai đang càn quét quốc gia Nam Á này.
Tình hình dịch bệnh hiện tại ở Ấn Độ đã có sự khác biệt rõ rệt so với chỉ vài tháng trước. Làn sóng Covid-19 mới đã bùng phát tại Ấn Độ vào đầu tháng 3. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Ấn Độ, ngày 18/4, Ấn Độ báo cáo 261.500 ca mắc Covid-19 mới, số ca mắc bệnh cao nhất trong một ngày từ trước tới nay.
Các bang và thành phố tại Ấn Độ đang áp đặt các biện pháp hạn chế mới, bao gồm lệnh giới nghiêm vào cuối tuần và ban đêm ở Delhi, nơi sinh sống của 19 triệu người.
Theo CNN, nguồn cung vaccine tại Ấn Độ đã gần cạn kiệt, với ít nhất 5 bang báo cáo tình trạng thiếu hụt vaccine nghiêm trọng và thúc giục chính phủ liên bang có biện pháp hành động. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ và SII đã chuyển trọng tâm từ việc cung cấp vaccine cho chương trình COVAX sang ưu tiên cho công dân của họ.
Sự chậm trễ nhiều lần trong việc cung cấp vaccine chương trình COVAX của Ấn Độ đã ảnh hưởng nặng nề đến các nước nghèo. Giám đốc cơ quan kiểm soát dịch bệnh của châu Phi cảnh báo việc Ấn Độ chậm xuất khẩu vaccine có thể là “thảm họa” đối với châu lục này.
Cảnh báo tốc độ lây lan
Ngày 20/4, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo, tuần qua thế giới ghi nhận hơn 5,2 triệu ca mắc mới Covid-19 và đây là mức tăng cao nhất kể từ trước đến nay nếu tính theo tuần.
Tổng Giám đốc WHO cũng tỏ ra lo ngại về tốc độ tử vong: “Trên toàn cầu, trong 2 tháng qua, cứ sau mỗi tuần số ca mắc mới đã tăng gần gấp đôi. Tốc độ lây nhiễm đang đạt tới mức cao nhất kể từ đầu đại dịch. Một số nước trước đây đã tránh được tình trạng lây nhiễm diện rộng thì nay đối mặt với số ca mắc mới tăng dựng đứng”.
Theo Tổng Giám đốc WHO, tình trạng lây nhiễm và nhập viện gia tăng ở nhóm dân số từ 25 đến 59 tuổi. Nguyên nhân chính khiến số ca mắc tăng cao là sự xuất hiện của các biến thể mới và người dân tiếp xúc xã hội nhiều hơn.
Trước tình hình này, bà Maria Van Kerkhove - Trưởng bộ phận kỹ thuật về ứng phó với Covid-19 thuộc WHO nhấn mạnh tầm quan trọng phải duy trì các biện pháp chống lây nhiễm, đặc biệt cần tránh những khu vực đông người.
Tuy nhiên, để trấn an, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nêu một thông tin lạc quan rằng, thế giới có những công cụ để đưa đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 toàn cầu vào tầm kiểm soát trong những tháng tới.