Báo chí Việt Nam 1946 - 1954: Từ Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc

P. Sỹ 21/04/2021 07:46

Ngày 20/4, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra khai mạc trưng bày và tọa đàm về chuyên đề “Báo chí Việt Nam 1946 - 1954: Từ Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc”.

Nhà báo Thái Duy kể về vụ án tham nhũng Trần Dụ Châu được đăng tải trên báo Cứu Quốc.

Do hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam đã ghi nhận về sự ra đời và đóng góp của những hoạt động báo chí tại địa bàn các vùng chiến khu cách mạng.

Theo nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam: “Ý tưởng về chủ đề của cuộc trưng bày và tọa đàm này có trước khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam được cấp phép hoạt động chính thức. Đến xem trưng bày, quý vị có thể thấy những ấn phẩm, những hiện vật báo chí có tuổi đời trên 70 năm gắn liền với những câu chuyện làm báo trong rừng, làm báo ở chiến khu... Càng gian khổ, càng hiểm nguy, càng năng động sáng tạo. Quá trình sưu tầm, nghiên cứu đã giúp chúng tôi đi đến quyết tâm tái hiện một phần những nét độc đáo đầy tự hào của báo chí chiến khu Việt Bắc những năm 1946-1954”.

Soi chiếu vào lịch sử báo chí từ 75 năm trước, có thể thấy những thời khắc quan trọng, sự khai sinh của nhiều tờ báo lớn, những sự kiện nổi bật, những thành tựu và đóng góp to lớn của báo chí thời kỳ này đối với lịch sử đất nước và dân tộc.

Tư liệu trưng bày lần này được nghiên cứu và khai thác tái dựng với tính chất gợi mở về một giai đoạn lịch sử gắn liền với một số hoạt động và sự kiện báo chí tiêu biểu, gắn liền với Thủ đô Hà Nội năm 1946 đầy bão tố. Trong đó báo chí cách mạng thực sự đã có một bước trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc.

Tại buổi tọa đàm, Nhà báo Thái Duy, phóng viên Báo Cứu Quốc (tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết) đã dành thời gian nói về vụ án tham nhũng Trần Dụ Châu. Khi đó báo Cứu Quốc là tờ báo duy nhất đã đăng tải 6 kỳ báo liên tiếp phản ánh chi tiết về vụ án này. Từ đó Nhà báo Thái Duy khẳng định về vai trò của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng.

Nhà văn, Nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: “Các bạn làm báo bây giờ có những khó khăn nhưng có những lợi thế về công nghệ để truyền tải. Điều kiện tiếp cận và truyền tải tới bạn đọc của báo chí bây giờ hay hơn trước. Trước đây chúng tôi làm báo cực kỳ khó. Làm báo ngày xưa sức đầu tư, công sức và trách nhiệm từ phóng viên, biên tập viên cho đến người sắp chữ ở nhà in… lăn lội ngày đêm vất vả nhưng ngày ấy người ta khát khao đọc. Làm báo thời bây giờ có những cái hiện đại nhưng cũng gặp phải những vấn đề cực kỳ khó khăn”.

Trong năm 2021, báo chí Việt Nam đã có nhiều hoạt động trưng bày và tọa đàm ý nghĩa như quý I và đầu quý II/2021 là thời điểm đặc biệt, kỷ niệm nhiều sự kiện lớn liên quan đến hoạt động báo chí suốt 75 năm qua như: 75 năm Ngày tổng tuyển cử đầu tiên (1946-2021) và Báo Quốc Hội; 72 năm Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/1949-4/2021); 71 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (4/1950-4/2021) và 70 năm Báo Nhân Dân xuất bản số đầu (3/1951-3/2021)… và hướng tới sự kiện sắp diễn ra là Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam Lần thứ XI.

P. Sỹ