Cội nguồn sức mạnh

Hiền Việt 21/04/2021 07:56

Vào lúc 12h09 (giờ Paris) ngày 6/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Quyết định của UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.

Dâng bánh chưng của huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) và bánh dầy của tỉnh Hải Dương lên các Vua Hùng trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2014. Ảnh: Quý Trung.

Phát biểu trước Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 sau khi hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ nhấn mạnh: “Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hoá và tâm linh, bởi lẽ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ ngàn đời nay là niềm tin thiêng liêng, là sức mạnh gắn kết cộng đồng, là điểm tựa tinh thần để dân tộc chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thách thức của lịch sử để tồn tại và phát triển”.

Trong tâm thức người Việt, các Vua Hùng là biểu tượng bất diệt của các bậc tiền nhân dựng nước, để rồi từ đó dân tộc ta ngày càng lớn mạnh, đất nước ta ngày càng vững bền. Trong chiến tranh trận mạc giữ nước hay là lúc hòa bình xây dựng đất nước, người Việt Nam luôn hướng về tổ tiên, hướng về các Vua Hùng lẫm liệt.

Không biết từ bao giờ, người Việt Nam cả trong và ngoài nước đã truyền tụng câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Hôm nay, ngày mười tháng ba (âm lịch), một ngày thiêng liêng của toàn thể người dân Việt Nam, cho dù không có điều kiện về Đền Hùng (Phú Thọ) đi chăng nữa, thì ai ai cũng gửi nén tâm nhang thành kính dâng lên tổ tiên.

Còn nhớ vào ngày 19/9/1954, tại Đền Giếng, trong khu tưởng niệm các Vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ các chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên phong (Đại đoàn 308) trước khi về tiếp quản Thủ đô sau Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tại đây, Người đã có câu nói bất hủ để lại cho muôn đời con cháu mai sau: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308, nhớ lại: Lúc đó Người hỏi “Các chú có biết đây là nơi nào không?” Rồi Người nói: Đây chính là Đền thờ Vua Hùng, tổ tiên chúng ta, người sáng lập nước ta. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Ngược dòng thời gian, trong bản ngọc phả được viết vào thời nhà Lê sơ - đời vua Lê Thánh Tông (1470) và đến thời nhà Lê trung hưng - đời vua Lê Kính Tông (năm 1601) cho sao chép lại và đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, ghi rằng: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Điều đó cho thấy từ thời Hậu Lê trở về trước các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm giỗ Tổ ngày 10 tháng 3 âm lịch.

Đến thời nhà Nguyễn, năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ khi đó là Lê Trung Ngọc đã trình lên Bộ Lễ định ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc lễ (Quốc giỗ). Còn ngày giỗ vào ngày 11 tháng 3 là do dân sở tại làm lễ.

Kể từ đó, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa.

Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, từ trong đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL - CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm quý nhằm kính cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Năm 1995, ngày giỗ Tổ Hùng Vương được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Tại Nghị định số 82/2001/NĐ-CP về nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương, cụ thể như sau: “Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”; Bộ Văn hóa - Thông tin và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.

“Năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương. “Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.

Ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành Quốc lễ.

Năm nay, Quốc giỗ được tổ chức phù hợp với việc phòng, chống Covid-19. Dẫu vậy thì trong trái tim mỗi người Việt Nam vẫn hướng về các Vua Hùng, hướng về biểu tượng thiêng liêng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nguồn cội sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Hiền Việt