Thi tốt nghiệp THPT năm 2021: Phân loại đối tượng học sinh để ôn tập
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 7- 8/7. Những ngày này, cùng với hoàn thành chương trình năm học, các trường THPT trên toàn quốc cũng tập trung cho học sinh (HS) ôn luyện để đạt kết quả cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch giáo dục và mục tiêu rõ ràng cho từng khối lớp, đặc biệt khối lớp 12.
Với các môn không thi tốt nghiệp THPT, trường yêu cầu các tổ, nhóm bộ môn rà soát nội dung chương trình, lên kế hoạch dạy bù thời gian nghỉ học đến trường vì dịch Covid-19 để hoàn thành chương trình, tổ chức ôn tập và kiểm tra học kỳ II và hoàn thành điểm tổng kết.
Với các môn khác, song song với việc học theo đúng kế hoạch chương trình đã đề ra, nhà trường bố trí thêm các giờ ôn tập, kiểm tra để HS vừa học bài mới, vừa rà soát lại các kiến thức đã học để kịp thời bổ sung những phần còn chưa tốt.
Về phía giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) chia sẻ: Trên cơ sở đề thi minh họa của Bộ GDĐT chúng tôi nghiên cứu, xây dựng đề cương, cho HS làm nhuần nhuyễn các đề. Cụ thể, với môn ngoại ngữ, chúng tôi hướng dẫn HS sử dụng quyển học luyện từ để các em luyện từ nắm và nhớ từ hơn. Trang bị cho các em vốn từ, tăng kỹ năng đọc hiểu và ôn tập cho HS để đạt kết quả tốt nhất.
Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết: Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác dạy học, kiểm tra đánh giá, thi khảo sát chất lượng cho HS lớp 12 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc, thực hiện đầy đủ các bước theo quy chế thi của Bộ GDĐT. Sở cũng chỉ đạo các trường tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học.
Trên cơ sở kết quả thi khảo sát chất lượng học sinh lớp 12, các trường phân loại đối tượng, tổ chức ôn tập sát với từng nhóm đối tượng HS đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đối với HS yếu cần quan tâm giúp đỡ nhiều; đối với HS khá, giỏi cần mở rộng kiến thức ôn thi và tăng cường tự học dưới sự định hướng của giáo viên…
Tại Trường THPT Minh Đài (huyện Tân Sơn, Phú Thọ), HS được tham gia thi khảo sát để đánh giá đúng chất lượng học tập, từ đó nhà trường và giáo viên kịp thời có sự điều chỉnh phù hợp trong công tác tổ chức dạy học và ôn thi. Bên cạnh đó, HS được làm quen với cấu trúc đề thi, rèn luyện tâm lý phòng thi, tốc độ làm bài… giúp cho định hướng nâng cao kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của nhà trường.
Thầy Ngô Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, năm nay, nhà trường có 262 HS dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, thống kê có khoảng 40% số HS đăng ký xét tuyển cao đẳng, đại học. Với mục tiêu 100% học sinh tốt nghiệp THPT, bên cạnh việc tổ chức xây dựng kế hoạch học tập bám sát theo chuẩn kỹ năng chương trình hiện hành, nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ thường xuyên với phụ huynh trong việc hướng dẫn, giám sát, động viên học sinh tự học ở nhà và thực hiện tốt nội quy, quy chế phòng thi.
Theo các giáo viên, đề thi minh họa năm nay có sự phân hóa cao hơn 1 chút so với năm 2020. Với đề thi này, HS thi tốt nghiệp THPT có thể đạt 6 điểm, khá giỏi có thể đạt 7,5 điểm trở lên, nhưng điểm tuyệt đối sẽ ít hơn năm trước... Vì vậy, với từng đối tượng HS cũng như nguyện vọng sau khi tốt nghiệp, mỗi giáo viên cần chia nhóm để hướng dẫn tự học, giao việc hợp lý.
Nhìn chung, việc sớm hoàn thành chương trình sách giáo khoa trong tháng 4 và đến đầu tháng 5 bắt đầu bước vào lộ trình tăng tốc ôn tập theo nguyện vọng đăng ký của từng HS là bài toán các nhà trường phải tính đến. Đặc biệt với những thí sinh có nguyện vọng dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH, cao đẳng cần có “chiến lược” tiếp sức hợp lý để các em phát huy được khả năng cao nhất, trúng tuyển vào trường mình mong muốn.