Lan can, cửa sổ chung cư thiết kế thế nào để an toàn cho trẻ em?

P.Vân (tổng hợp) 21/04/2021 10:41

Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng, lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua (không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can) và không có lỗ hổng nhét lọt quả cầu đường kính 100 mm.

Pháp luật đã có quy chuẩn hiện hành về chiều cao tối thiểu đối với lan can, rào, ban công và lô gia ở nhà cao tầng, chung cư. Ảnh: Dân Trí.

Vụ bé gái 4 tuổi rơi từ cửa sổ tầng 24 chung cư Xuân Mai Complex (Hà Nội) xuống đất tử vong đã một lần nữa dấy lên mối quan tâm về quy chuẩn an toàn của lan can, cửa sổ, ô thoáng chung cư cao tầng.

Theo đó, tối 19/4, bé gái 4 tuổi ở cùng phòng với mẹ ở tầng 24 chung cư Xuân Mai Complex trên địa bàn. Sau đó, người mẹ bận làm việc ở ngoài và tưởng con gái ngủ trong phòng nên đã xảy ra việc cháu bé bị rơi xuống đất khi trèo qua cửa sổ phòng ngủ.

Trong thời gian vừa qua, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn ngã từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong đã gióng lên hồi chuông báo động về an toàn tại các khu chung cư. Đến thời điểm này, cơ quan chức năng chưa chỉ ra được nguyên nhân của các vụ tai nạn trên là gì. Song, dư luận cho rằng, các vụ tai nạn xảy ra là do ban công các khu chung cư quá thấp.

Hiện trường xảy ra vụ việc bé gái 4 tuổi bị ngã từ tầng 24 chung cư Xuân Mai Complex (Hà Nội) xuống đất tử vong vào tối 19/4.

Trước đó, nhiều vụ việc xảy ra tai nạn trẻ em, Đại Đoàn Kết đã đưa tin, ngày 28/2, một cháu nhỏ 3 tuổi trèo qua ban công tầng 12 tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), treo mình lơ lửng rồi rơi xuống là giọt nước tràn ly cảnh báo sự nguy hiểm đối với cư dân khi lại gần ban công ở các khu chung cư. Chỉ có sự kỳ diệu mới giúp cháu bé thoát chết nhờ được người thanh niên ở phía dưới đỡ được. Trước vụ việc làm thót tim của nhiều người (khi xem video clip đăng tải trên Facebook) này, đã có không ít nạn nhân bị rơi từ tầng cao chung cư xuống dưới đất tử vong. Vấn đề ở chỗ, hầu hết nạn nhân lại không phải là trẻ nhỏ để mà nói rằng “nghịch dại”, mà lại là những nam nữ thanh niên, người trung niên gặp bất trắc.

Hầu hết những vụ rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong đều không phải là tự tử, mà chỉ do sơ ý nên té xuống. Như vậy, không thể nói ban công tại các khu chung cư an toàn, chỉ là do trẻ nhỏ thiếu người lớn trông nom nên mới bị ngã. Đến người lớn còn bị rơi từ tầng cao xuống tử vong, có nghĩa những chiếc ban công đó rất không an toàn.

Nói vậy sẽ có người cho rằng, tất cả các vụ tai nạn rơi từ tầng cao chung cư xảy ra, ban công vẫn rất chắc chắn, không bị gãy, vỡ..., sao có thể nói là không an toàn. Vâng, an toàn ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng. An toàn không đồng nghĩa với việc cả chiếc ban công vẫn nằm nguyên chỗ cũ, không bị sứt mẻ, không rơi xuống đất cùng nạn nhân.

An toàn là thành ban công phải đủ cao để dù cư dân trong tòa nhà có sơ ý, có say rượu nhưng nếu không trèo lên ban công “chơi” thì không thể bị té xuống đất tử vong được. Khi lan can đủ cao, trẻ nhỏ 3 tuổi cũng không thể trèo lên, bò ra ngoài để rồi đu người như làm xiếc trên thành ban công rồi sau đó rơi tự do xuống đất.

Nếu search google với từ khóa ngã từ tầng cao chung cư, sẽ ra rất nhiều kết quả, có tới hàng chục vụ việc tai nạn thương tâm như vậy, xảy ra rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Song, tiếc là tới thời điểm này vẫn chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào thực sự vào cuộc nghiên cứu, cảnh báo sự mất an toàn tại các khu chung cư.

Có lẽ đó là lý do vẫn tồn tại những chiếc ban công với lan can rất thấp, không đảm bảo an toàn, khiến một cháu bé 3 tuổi có thể dễ dàng trèo ra ngoài rồi rơi xuống dưới. Nếu thực trang trên không kịp thời được cảnh báo, khắc phục sớm, tin rằng sẽ không chỉ có cháu bé 3 tuổi, mà những đứa trẻ 4, 5, 6 tuổi cũng có thể trở thành nạn nhân tiếp theo.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần xem xét lại các quy chuẩn kỹ thuật về độ cao, hình thức thiết kế lan can ban công tại các khu chung cư, để đảm bảo an toàn cho cư dân sống nơi đây. Nếu không, sẽ vẫn tiếp tục xảy ra những vụ tai nạn rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong không thể khác được.

Người dân rào thêm khung sắt khu vực ban công tại căn hộ chung cư tại New Saigon - Hoàng Anh Gia Lai 3, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: báo Tin Tức.

Chia sẻ trên Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng VP Luật sư Đồng Đội - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, trẻ nhỏ là đối tượng cần được bảo vệ, quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ cha mẹ, người lớn. Việc người lớn sao nhãng trách nhiệm, để trẻ nhỏ ở một mình trong phòng sẽ khiến trẻ đối mặt với nhiều nguy hiểm tiềm ẩn. Và thực tế đã có rất nhiều vụ việc trẻ nhỏ bị rơi từ tầng cao chung cư.

"Mọi hành vi dẫn đến hậu quả làm tổn hại, xâm hại, tước đi quyền sống của trẻ đều phải bị xử lý nghiêm khắc. Càng trong quan hệ gia đình càng phải xử lý nghiêm minh. Ví dụ khi cha mẹ đi ra ngoài khóa cửa nhốt con ở nhà, nhưng cửa ban công lại mở, trẻ trèo ra ban công rơi xuống đất ngã chết… thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm về việc dẫn đến rủi ro cho đứa trẻ" - luật sư Tiền nêu quan điểm.

Để phòng ngừa những tai nạn liên quan đến ban công, lan can, cửa sổ nhà cao tầng, theo luật sư Tiền, ngoài sự quan tâm, trông giữ con trẻ của người lớn, vấn đề an toàn trong thiết kế xây dựng công trình, nhà ở cần phải được đặt lên hàng đầu.

Tiếp tục nêu quan điểm để phòng chống các vụ việc đau lòng tiếp tục xảy ra, luật sư Tiền nhận định, pháp luật cần có những quy định thắt chặt việc rà soát, thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng.

"Người có thẩm quyền phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích. Cùng với đó, cơ quan chức năng liên quan cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ sở giáo dục… về phòng chống tai nạn, thương tích cho trẻ em" - ông Trần Xuân Tiền nói.

Phần lớn các thiết kế lan can tại các công trình nhà ở đều đạt yêu cầu theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Nguồn: Báo Tin tức.

Báo Tin tức trích lời Kiến trúc sư Vũ Ngọc Kiên, Trưởng phòng quản lý thiết kế Tập đoàn Hòa Bình cho biết, phần lớn các thiết kế lan can tại các công trình nhà ở đều đạt yêu cầu theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam; trong đó, yêu cầu về chiều cao với lan can không dưới 1,4 m và khe hở của lan can không được lớn hơn 100 mm. Đặc biệt, lan can phải chắc chắn và khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Thế nhưng, trên thực tế, trong quá trình sửa chữa và trang trí ban công, người dân tự ý cải tạo và thêm một số bồn hoa, có thể cao hoặc thấp nên các cháu đã trèo lên; hay bên cạnh ban công và giàn phơi có để máy giặt nên trẻ con trèo lên và có thể leo ra ngoài gây nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn cho con trẻ, Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, tất cả những hộ gia đình trong các chung cư cao tầng, nhất là những hộ gia đình nào có các cháu bé nhỏ tuổi cần phải rà soát lại toàn bộ trong nhà, ngoài hiên lan can, tất cả đồ vật có nguy cơ tiềm ẩn gây nên tổn hại sức khỏe, tính mạng cho trẻ nhỏ, đều phải sắp xếp chỉnh sửa, gia cố lại. "Không chỉ ở các chung cư, mà ở các khu vui chơi, trường mẫu giáo, trường tiểu học cũng phải chú trọng đến việc xây dựng lan can, lắp đặt rào chắn hành lang, ban công, cầu thang để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em".

Cũng theo báo Tin Tức, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng khẳng định: “Nhìn chung, các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến an toàn cho các nhà chung cư đã được Bộ Xây dựng rà soát. Hiện các quy định đã khá đầy đủ”.

Quy chuẩn là văn bản pháp luật bắt buộc phải tuân thủ từ khâu thiết kế, thẩm định, thẩm tra, thi công, nghiệm thu... Tất cả các khâu này đều phải tuân thủ theo những quy định chi tiết kỹ thuật đã được nêu tại quy chuẩn. Cũng có trường hợp, trong quá trình thẩm định thấy sai sót hoặc quá trình ngiệm thu thấy chưa đạt yêu cầu, hoặc sơ suất đều phải khắc phục ngay. Tuy nhiên, các chung cư xây dựng trong những năm gần đây đều tuân thủ khá nghiêm các quy định trong quy chuẩn, cụ thể là chiều cao lan can.

Còn tiêu chuẩn là lại là vấn đề chủ đầu tư tự áp dụng. Tuy nhiên, nếu tiêu chuẩn mà đưa vào trong khung phê duyệt ban đầu của chủ đầu tư thì cũng bắt buộc phải thực hiện đúng trong quá trình thi công dự án đó.

Liên quan trực tiếp đến an toàn cho nhà chung cư là Quy chuẩn 04 (QCVN 04:2019/BXD) - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà chung cư và Quy chuẩn 05 (QCXDVN 05:2008/BXD) về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe.

Quy chuẩn 04 liên quan đến nhà chung cư đều nói rất rõ, tất cả các lỗ mở đều phải cách sàn ít nhất 1,4 m (độ cao) để đề phòng trẻ em có thể chui qua hoặc ngăn ngừa những người có hành vi không bình thường hạn chế việc rơi, ngã.

Còn Quy chuẩn 05 quy định cụ thể đối với nhà cao tầng thì từ tầng 9 trở lên phải đảm bảo chiều cao lan can ít nhất là 1,4 m và cũng chỉ rõ cấu tạo của lan can không được dễ trèo. Tức là không được làm thêm thanh ngang, thanh chéo để trẻ em có thể đặt chân lên. Còn khoảng cách giữa các thanh lan can không được đút lọt quả cầu đường kính 100 mm.

Quy chuẩn chiều cao tối thiểu của lan can.

Tất cả các thông số này đều đã được tính toán hướng đến việc đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng. Thông thường, ở vị trí sát mép ngoài lan can, giáp với khoảng không đều có thiết kế 1 gờ để tránh nước rỏ trực tiếp xuống nhà dưới khi sàn đổ nước hoặc khi đánh rơi đồ vật cũng tránh lăn thẳng xuống. Do đó, cấu tạo từ mặt sàn trở lên cũng quy định có gờ không quá 10cm để chắn. Điều này cũng được quy định tại Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4319:2012 về Nhà và công trình công cộng - Nguyên tắc cơ bản để thiết kế.

Cùng với các quy định rất cụ thể này, lan can ban công còn phải đảm bảo độ cứng để chịu được lực xô, không gãy, đổ...

“Khi xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đều có các căn cứ kỹ thuật, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam. Đây là ngưỡng bắt buộc áp dụng ở tất cả công trình. Nhìn chung, cho dù thiết kế an toàn đến mấy nhưng yếu tố này vẫn phải phụ thuộc cả vào ý thức của người sử dụng”, ông Vũ Ngọc Anh nhấn mạnh.

Liên quan đến hiệu quả của giải pháp lắp hệ thống lưới an toàn từ phía thành lan can ban công lên đến trần mà nhiều hộ dân đang lựa chọn, ông Vũ Ngọc Anh cho biết: “Trong quy chuẩn, tiêu chuẩn không cấm việc này. Tuy nhiên, trước khi lắp đặt cần cân nhắc đến một số yếu tố”.

Bởi lẽ, một công trình khi thiết kế phải đảm bảo an toàn trong việc rơi, ngã nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo cả an toàn phòng cháy chữa cháy. Ban công và lô gia có thuận tiện rất nổi bật như lấy gió, ánh sáng... Ngoài ra, đây còn là khoảng không gian rất an toàn khi xảy ra cháy xuất hiện ở trong nhà hoặc ngoài hành lang. Lực lượng cứu hộ cứu nạn khi muốn can thiệp từ bên ngoài thì cũng phải sử dụng khoảng không từ ban công, lô gia. Bởi vậy, khoảng không này cũng có chuẩn theo quy định để lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận khi xảy ra sự cố.

Việc tuân thủ các quy chuẩn tại các công trình xây dựng cần có sự giám định của cơ quan chức năng, đơn vị thẩm định, giám sát... Nguồn: Báo Tin tức.

Do đó, nếu thiết kế lan can ban công cao quá thì vừa không đảm bảo tính thẩm mỹ và cũng không đáp ứng quy định về khoảng không an toàn khi cứu hộ phòng cháy chữa cháy. Hay khi sử dụng vật liệu bảo vệ phía trên lan can như lưới, khung sắt... mà kiên cố quá thì cũng cản trở việc thoát hiểm, cứu hộ. Cái này cũng có quy định cụ thể về đảm bảo chiều cao cho phòng cháy chữa cháy.

Lưới an toàn có nhiều dạng, dây mềm. Nhìn thì có vẻ an toàn vì khi phơi đồ trong ban công sẽ hạn chế việc bay đồ ra đường. Nhất là những ban công nằm ở vị trí tiếp giáp trục đường giao thông chính, khi phơi quần áo gặp gió to bay xuống dưới mà rơi vào phương tiện giao thông, thậm chí che kính lái của xe buýt, ô tô... thì cũng rất nguy hiểm. Tuy nhiên, dây mềm như thế nào là đủ để trẻ em không thể kéo giãn để chui ra cũng là vấn đề cần tính đến.

Còn nếu giải pháp bảo vệ bằng các vật liệu chắc chắn quá như khung sắt, khung inox... thì lại không đảm bảo yếu tố cứu nạn khi xảy ra sự cố cần thoát hiểm khi có hỗ trợ, can thiệp từ bên ngoài. Do đó, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự bảo vệ của mỗi gia đình, nhất là với các nhà có trẻ em, có người gặp vấn đề bất ổn về tâm lý.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền, Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thể hiện về "Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ", trong đó nêu rõ cha mẹ có nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…

Việc phải xử lý cha mẹ trong những vụ việc tương tự như thế này là hết sức đau đớn vì gia đình đã mất mát quá nhiều, nhưng điều đó là đúng quy định pháp luật.

"Tùy tính chất, mức độ hậu quả thì cơ quan tố tụng áp dụng mức hình phạt phù hợp để giáo dục, răn đe và cũng mang tính nhân văn" - ông Tiền nhận định.

P.Vân (tổng hợp)