Sách giáo khoa vẫn chưa thôi nóng

Nguyễn Hằng Nga 22/04/2021 06:25

Chiều ngày 20/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng đại diện một số bộ, ngành, nhà xuất bản về công tác xuất bản, phát hành sách giáo khoa (SGK), đồ dùng dạy học và một nội dung được đưa ra bàn thảo trong cuộc làm việc đó là giá SGK mới.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, về tình hình biên soạn, lựa chọn SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, riêng đối với vấn đề giá SGK, theo quy định hiện hành, SGK là hàng hóa thuộc diện kê khai giá. Bộ Tài chính mà trực tiếp là Cục Quản lý giá chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá SGK và rà soát văn bản kê khai giá để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học số 1 Quảng Phú (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ảnh: Hữu Phúc.

Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm về giá SGK

“Các nhà xuất bản (NXB) tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá SGK đã kê khai với Bộ Tài chính. Để tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo việc giảm chi phí, giảm giá thành SGK, Bộ GDĐT đã chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện rà soát lại toàn bộ định mức chi phí, phương pháp phân bổ chi phí vào giá thành SGK để tiết giảm chi phí, giảm giá thành SGK. Do SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nên Bộ GDĐT đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa”, theo ông Độ.

Cũng về việc này, với việc định giá SGK lớp 2 và lớp 6 mới, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, giá sách được cấu thành trên 8 mục gồm: chi phí tổ chức bản thảo, chi phí in, lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp, tuyên truyền giới thiệu sách… So với SGK hiện hành, giá sách lớp 2 và lớp 6 mới tăng bởi khổ sách lớn hơn, số trang nhiều hơn, toàn bộ sách được in màu, số đầu sách cũng nhiều hơn.

Còn theo đại diện Bộ Tài chính, để giảm giá SGK, Bộ GDĐT nên sớm ban hành các văn bản quy định thống nhất về kích cỡ sách, số trang in, chất liệu giấy, chất liệu màu để các NXB căn cứ vào đó có những quyết định in ấn phù hợp, đảm bảo giá thành sách phù hợp với điều kiện của người dân.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phát hành sách, đưa sách đến tận tay học sinh để giảm giá thành. Được biết, Bộ GDĐT từng khẳng định, nội dung trong SGK hiện hành đã đảm bảo yêu cầu kiến thức cần thiết ở mỗi cấp học nên không cần thiết phải có sách tham khảo. Bộ không khuyến khích học sinh bình thường dành quá nhiều thời gian cho sách tham khảo, đặc biệt là đối với bậc tiểu học.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Bây giờ giáo dục nói chung, đặc biệt là SGK, quá trình chuẩn bị làm SGK phải trên tinh thần là cầu thị, hoàn toàn minh bạch. Tất cả vì học sinh, vì đổi mới giáo dục”.

Vì sao giá SGK cao?

Nhiều ý kiến cho rằng SGK mới được định giá quá cao.

Được biết, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các NXB thực hiện kiểm soát, tiết giảm các chi phí trong cơ cấu giá thành SGK để giảm giá SGK lớp 2 và lớp 6 mới. Cụ thể, 3 lần các NXB đã kê khai lại giá SGK, trong đó điều chỉnh giá giảm từ 3,3% - 9% đối với sách lớp 2 và 2,4% - 9% đối với sách lớp 6.

Theo Bộ Tài chính, về số học thì giá bộ SGK mới (179.000 - 203.000đồng/bộ sách lớp 2, 234.000-259.000đồng/bộ sách lớp 6) cao hơn giá bộ sách cũ (53.000đồng/bộ sách lớp 2, 99.000đồng/bộ sách lớp 6). Dù rằng khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn sách trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ. Số lượng cuốn SGK trong bộ SGK mới (từ 10 -13 cuốn) cao hơn số lượng cuốn sách trong bộ SGK cũ (6 -11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn...

Vẫn theo đại diện Bộ Tài chính, SGK là vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu, giá SGK có tác động lớn đến xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về giá SGK, Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát đánh giá tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá; trong đó tiếp tục đánh giá, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung SGK vào danh mục nhà nước định giá trong trường hợp cần thiết.

Nói tóm lại, việc xã hội hóa in ấn SGK trao quyền chủ động lớn cho các NXB. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, với lượng phát hành rất lớn thì giá thành hoàn toàn có thể giảm xuống. In khổ lớn hơn, nhiều minh họa hơn, nhiều màu hơn là tốt, nhưng cũng không thể vì thế mà nâng giá SGK lên quá cao.

Nhiều nhà giáo tham gia thẩm định

Một vấn đề cũng rất được xã hội quan tâm, đó là ai sẽ tham gia thẩm định SGK mới lớp 6, vì rằng “bài học” từ vụ SGK Tiếng Việt 1 vẫn còn đó. Được biết, sau thời gian thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 6 và việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định SGK lớp 6 , Bộ GDĐT đã nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ 11 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc, SGK tự chọn môn tiếng Anh.

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 6 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì. Tham dự chương trình có lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT); 128 thành viên của 12 Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 6 các môn học và hoạt động giáo dục, gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Thành phần Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm và đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó, có khoảng 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, để tổ chức thẩm định SGK, Bộ đã ban hành các văn bản pháp lý, trong đó có Thông tư 33 (năm 2017) Ban hành về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và Thông tư 23 (năm 2020) sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33.

Các văn bản này đã quy định rõ 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí trong thẩm định SGK, được Bộ GDĐT cụ thể hoá thành 40 chỉ báo.

Lần này, với việc tổ chức biên soạn SGK mới có sự tham gia của khoảng 1/3 số người là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng, hy vọng sẽ tránh được “lình xình” như với bộ SGK Tiếng Việt (Cánh Diều) như trước.

Nguyễn Hằng Nga