Biên đạo Tuyết Minh ‘vật lộn’ với múa
“Tôi sẽ làm nhiều vai trò để diễn viên và vở diễn sống trên sân khấu, để khán giả sẽ bỏ tiền mua vé đến xem nghệ sĩ múa biểu diễn”, đó là câu nói ngắn gọn nhưng đầy nhiệt huyết, thể hiện khát vọng đưa nghệ thuật múa Việt Nam đến gần hơn với khán giả của biên đạo múa Tuyết Minh.
Tuyết Minh sinh trưởng trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật tuồng cổ. Tình yêu nghệ thuật đã dẫn lối Minh đến với bộ môn nhảy múa khi Minh theo học ballet tại Trường Múa Việt Nam. Đó là dấu mốc khởi đầu khiến chị theo đuổi nghiệp múa tới tận bây giờ.
Năm 2001, Tuyết Minh tạo dấu ấn khi làm nghề bằng việc tự mình dàn dựng tiết mục thi mang tên Trần Quốc Toản tại Cuộc thi Tài năng múa trẻ. Tác phẩm gây chú ý trong giới làm nghề khi kết hợp giữa múa với vũ đạo tuồng cổ. Thành công bước đầu đã tạo động lực để chỉ một năm sau đó, Tuyết Minh bứt phá mạnh mẽ với vở Ballet cổ kinh điển“Carmen”.
Chị đã gây tiếng vang trong lĩnh vực nghệ thuật múa bởi dám đụng đến một tác phẩm kinh điển của thế giới, thậm chí còn Việt hóa khá nhiều chi tiết. Năm 2003, Tuyết Minh về đầu quân cho Vũ đoàn Khám Phá. Tại đây, chị cùng đồng nghiệp sáng tạo nhiều vở diễn ấn tượng, được khán và giới nghệ thuật đánh giá cao.
Bước đi táo bạo đó đã khiến cho một loạt vở múa dàn dựng theo phong cách thử nghiệm được Tuyết Minh trình làng như “Quan âm Thị Kính”, “Chiến thắng mùa hoa đào”, “Bên trong - Bên ngoài”, “Con tạo xoay”… và đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ khán giả. Tuyết Minh đã rất sáng tạo và chịu khó trong việc tìm tòi đa dạng các nội dung đề tài để không lặp lại chính mình.
Minh muốn khai thác yếu tố văn hóa, tâm hồn Việt để chinh phục người xem. Có lẽ vì thế mà khán giả thường truyền tai nhau rằng những sáng tạo nghệ thuật của chị là để dành cho những người giàu xúc cảm và tinh tế trong tâm hồn.
Nhận thấy tài năng và đam mê cháy bỏng của nghệ sĩ trẻ Tuyết Minh, Bộ VHTTDL phối hợp với Trung Tâm Văn hóa Pháp đã cử chị sang Pháp học tập và làm việc. Được học hỏi các biên đạo tài năng của thế giới, Minh thấy được sự thú vị trong cách họ làm xã hội hóa nghệ thuật. Điều này khiến chị trăn trở, muốn đưa xã hội hóa vào nghệ thuật múa của Việt Nam.
Nghĩ là làm, khi đang ở đỉnh cao thành công với vị trí diễn viên, Tuyết Minh lui về làm biên đạo, đứng sau những vở diễn, rồi giảng dạy tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, rồi sau đó là chuyên viên của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nhiều người cho rằng như thế là thiệt thòi, nhưng với Minh, đó là cơ hội và bước đệm để cô có thể thỏa ước mơ mang múa đến gần hơn với công chúng.
Quả thực, múa đã cho Minh cơ hội trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm trong đời. Tuyết Minh là người hạnh phúc bởi cô ấy biết mình thích gì, đam mê gì và sẵn sàng “hy sinh” để đam mê được sống mãi.
Hạnh phúc với chị lúc ấy là quy tụ được những tài năng trẻ để góp phần đưa nghệ thuật nhảy múa vào đời sống và đến gần hơn với khán giả. Chị muốn lùi lại để truyền kinh nghiệm và hỗ trợ thế hệ kế cận vì một mục tiêu chung là nâng tầm nghệ thuật múa Việt Nam.
Chính vì vậy, người ta thấy chị xuất hiện ở những vai trò mới như Giám khảo của chương trình Thử thách cùng bước nhảy; Thần đồng âm nhạc; Khởi xướng hàng loạt các dự án múa... Có cơ hội ở những vị trí ấy, Tuyết Minh chợt nhận ra rằng Việt Nam chúng ta có rất nhiều nghệ sĩ múa giỏi, nhưng rồi họ cứ chìm dần và mai một tài năng do không có môi trường phù hợp và “sân chơi” lâu dài.
Bất cập đó khiến chị luôn thấy cảm thấy day dứt và đi đến quyết định vô cùng táo bạo, đó là tạo ra tour lưu diễn S-Dance Tour 2016. Chị đã tập hợp những tài năng nhảy múa của Việt Nam, đưa họ đi biểu diễn khắp nơi trên toàn quốc, truyền cảm hứng và quảng bá nghệ thuật múa Việt Nam tới khán giả trong và ngoài nước. Quả thực, S-Dance Tour đã tạo ra “làn gió mới”, khiến cho khán giả có cái nhìn gần gũi hơn, sâu sắc hơn về nghệ thuật nhảy múa Việt Nam.
Năm 2018, cái tên Tuyết Minh và tác phẩm “Mỵ” lại tràn ngập trên khắp các mặt báo. Qua biên đạo Tuyết Minh, “Mỵ” đã bước ra khỏi tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ” một cách đầy mới mẻ. Những động tác múa đẹp mắt, những đạo cụ độc đáo như đàn môi, khèn lá, sáo pí-thiu, cối giã gạo, ống bương nước… đã khiến cho cả một vùng văn hóa dân tộc Mông đã được tái hiện sống động mà dân dã ngay trên sân khấu.
Năm 2019, Tuyết Minh lại một lần nữa khiến khán giả phải trầm trồ khi làm “sống lại” Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du thông qua kịch múa “Ballet Kiều”. Chị đã kết hợp sáng tạo giữa giữa ballet và hiệu ứng kỹ thuật Hologame, với khí chất của tuồng, chèo, ca trù… và vốn múa dân tộc để chuyển tải linh hồn cho toàn bộ vở Kiều.
Các yếu tố tưởng chừng như tương phản nhưng lại được Tuyết Minh khéo léo sắp đặt rất “vừa vặn”, dễ chịu, mang đến cho khán giả những phút giây thư giãn, lẫn những suy tư, trăn trở ẩn sâu trong những thông điệp mà tác phẩm truyền tải. Quả thực, sự “lăn lộn” với nghề, những gom góp vốn sống và tư duy quan sát tinh tế đã làm nên những vở diễn thành công mang dấu ấn và thương hiệu Tuyết Minh.
Người ta nói rằng, Tuyết Minh quả thực được ông trời “ưu ái”. Một người phụ nữ thông minh, xinh đẹp, tài năng, 20 năm gắn bó với nghiệp múa đã mang về 14 HCV, 14 HVB trong nước và quốc tế, cùng vô số bằng khen của các Bộ, ban, ngành, ghi dấu ấn bằng rất nhiều vở kịch múa, tác phẩm múa lớn.
Nhưng ít ai biết rằng đằng sau “thảm đỏ”, “màn nhung” ấy chị đã trải qua vô vàn khó khăn, vất vả và cả những “hy sinh” lớn lao để được làm nghề một cách chân chính. Với chị, có một danh hiệu cao hơn tất cả, đó là danh hiệu trong lòng khán giả và sự tôn trọng của những người làm nghề.
Năm 2020, Tuyết Minh vinh dự được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam.