PGS.TS Phạm Thị Xuân Vân: Gần 90 năm tâm huyết với ‘Phòng khám thú y cộng đồng’
Với tình yêu đối với động vật, Phòng khám thú y cộng đồng do PGS.TS Phạm Thị Xuân Vân được biết đến là địa chỉ đầu tiên trên cả nước sử dụng phương pháp châm cứu để điều trị các bệnh về thần kinh, bại liệt trên thú cưng và vật nuôi mà không tốn bất kỳ chi phí nào.
Phòng khám thú y miễn phí giữa lòng Hà Nội
Ngày nay cùng với sự phát triển, văn minh của xã hội, những động vật nuôi không thể thiếu được trong đời sống văn hóa, tinh thần của mọi người, đặc biệt là trong giới trẻ. Bằng tấm lòng yêu thương động vật bao la, PGS.TS Phạm Thị Xuân Vân coi chúng như những người bạn, những đứa con của mình. Phòng khám thú y cộng đồng do bà tạo nên như một mái ấm giành cho những “bệnh nhân” đặc biệt.
Năm 1995, sau khi nghỉ hưu, PGS.TS Phạm Thị Xuân Vân xin được địa điểm để mở phòng khám thu ý miễn phí với tên gọi Phòng khám Thú y cộng đồng tại ngõ 56, đường Ngô Xuân quảng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Phòng khám của bà là nơi duy nhất sử dụng phương pháp châm cứu để chữa trị cho các loài động vật trên cả nước, kết hợp cả hai mục tiêu là cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho vật nuôi, đặc biệt là thú cảnh cho người dân Hà Nội và các vùng lân cận, đồng thời phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu cho giảng viên, sinh viên thú y mà không thu bất kỳ một chi phí nào.
Từ nhiều năm nay phòng khám đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các sinh viên đến thực tập và góp phần chữa bệnh cho nhiều loài động vật. Các bác sĩ khám, chữa bệnh cho chó, mèo ở đây đều là sinh viên trường Đại học Nông nghiệp được bà trực tiếp phụ trách hướng dẫn thực hành và dạy học miễn phí. Đây là cơ hội tốt để các bạn có cơ hội thực tập và tiếp xúc với nghề.
Mỗi sinh viên đến đây đều mang một tình yêu thương động vật, niềm đam mê với nghề. Rất nhiều sinh viên là học trò của bà đã thành công, lập nên nhiều phòng khám thú y nổi tiếng trên cả nước.
Tâm sự chuyện nghề
PGS.TS Phạm Thị Xuân Vân chia sẻ: “Khó khăn ban đầu khi thành lập phòng khám là trong tay bà không có gì cả, bà xây dựng phòng khám này với hai bàn tay trắng, phải tự bỏ tiền ra để mua sắm từng trang thiết bị vật chất. Thời gian đầu, chưa ai biết đến phòng khám nên bà cùng với các bạn sinh viên phải trực tiếp tìm đến những nơi có nhiều động vật bị thương để hỗ trợ chữa trị. Bà làm công việc này hoàn toàn tự nguyện và không nhận bất cứ chi phí bồi dưỡng nào bởi tình yêu của bà với các loài động, bà coi chúng như những người bạn của bà vậy”.
Chị Hà Thị Lan, Sinh viên ĐH Nông Nghiệp Hà Nội chia sẻ: “Bà là người rất tinh tế, yêu cầu cao trong công việc. Đối với bọn mình, bà luôn yêu thương, tạo mọi điều kiện để giúp đỡ và hỗ trợ. Kỷ niệm nhớ nhất của mình là một lần được đi châm cứu ngựa cùng bà. Lúc đó trời rất lạnh, mặc dù hơn 85 tuổi, chân đã yếu và hay bị đau khớp nhưng bà vẫn cố chèo vào chuồng ngựa để kiểm tra và châm cứu chữa bệnh cho chú ngựa ấy. Sau đó bà chỉ dẫn cho mình từng chút một và ngồi quan sát quá trình châm cứu của mình, hôm đó sau khi trở về nhà bà không hề kêu mệt hay than khổ gì hết, điều ấy thật sự khiến mình cảm thấy rất yêu thương và quý trọng bà”.
Chị Nguyễn Thị Linh Chi chia sẻ: “Bà là một người rất nhiệt tình với công việc và những gì bà làm hoàn toàn xuất phát từ tâm. Tất cả những số tiền mà bà thu được bà đều bỏ ra để duy trì phòng khám chứ không hề giữ cho riêng mình”.
Ông Trần Văn Nên, giảng Viên khoa thú y trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội chia sẻ: “PGS.TS Phạm Thị Xuân Vân là một người cực kỳ yêu nghề, yêu ngành, yêu học sinh. Bà không chỉ truyền kinh nghiệm, truyền lửa cho các em học sinh mà ngay cả những người giảng viên như mình vẫn được bà chỉ dạy từng chút một”.
Phòng khám của PGS.TS Phạm Thị Xuân Vân là địa chỉ đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam điều trị các bệnh về thần kinh, bại liệt trên thú cưng và vật nuôi bằng phương pháp châm cứu do chính bà nghiên cứu và áp dụng. Nơi đây không chỉ dành cho những con chó, mèo được chủ đem đến khám chữa bệnh mà còn như một ngôi nhà tình thương với những con vật kém may mắn bị chủ bỏ rơi.
Nhiều người vẫn nói vui rằng làm bác sĩ thú y vốn khó hơn bác sĩ chữa cho con người, bởi bạn phải chữa trị cho những con vật vốn chúng không thể nói đang cảm thấy khó chịu hay đau đớn ở đâu.
Bà Phạm Thị Xuân Vân đã giành cả cuộc đời mình để làm bạn và giúp đỡ những con vật đáng thương. Đối với bà, đó không chỉ là một công việc mà đó còn là một nghĩa vụ, động vật cũng giống như con người, chúng cũng có cảm xúc, cũng biết vui, buồn và cũng có những lúc đau ốm, để chữa trị được cho chúng bà đã phải kiên nhẫn, lắng nghe và thấu hiểu bằng con tim. Hơn thế nữa bà chính là một ngọn lửa truyền đam mê và nhiệt huyết cho các thế hệ mai sau.