Nghề 'đãi vàng' trên biển ở Quảng Ninh
Là một loại đặc sản hiếm có giá trị kinh tế, đắt ngang vàng nên nghề đào sá sùng ở Quảng Ninh được người dân nơi đây mệnh danh là nghề “đãi vàng” trong cát biển.
Sá sùng là một loại giun đốt chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên xuống. Khi còn tươi, sá sùng có độ dài khoảng 5-10 cm. Công cụ đào sá sùng cực kỳ đơn giản chỉ với 1 cái mai (hình dạng giống cái thuổng nhưng lưỡi phẳng và dài hơn) nhưng đòi hỏi kỹ thuật rất đặc biệt.
Người đi bắt sá sùng phải dò thật nhẹ trên những bãi cát khi thủy triều xuống, tránh gây những tiếng động mạnh làm chúng thụt sâu hơn xuống cát, sẽ rất khó bắt. Tổ của sá sùng thường là những lỗ nhỏ xíu nằm sát nhau như những bông hoa trên cát.
Khi đào sá sùng người ta phải thật nhanh, phóng mai theo phương chéo của tổ sá sùng rồi hất mạnh cát lên. Trung bình một ngày người dân thu hoạch được 2-3 kg sá sùng tươi và được thu mua ngay tại bãi với giá từ 200.000-220.000/kg. Sá sùng sau khi được phơi khô sẽ có giá từ 5-6 triệu đồng/kg tùy theo kích cỡ.
Mùa khai thác sá sùng thường thích hợp từ tháng 3 đến tháng 6 và phải dựa vào con nước. Một tháng có 2 lần con nước lên cao nhất, trung bình người dân đi đào được khoảng 20 ngày, một năm khoảng 7 đến 8 tháng.
Kỹ thuật chế biến sá sùng thành phẩm rất phức tạp, từ công đoạn rửa sạch cát cho đến công đoạn sấy khô là cả một quá trình rất kỳ công. Sá sùng khô cũng là một loại đặc sản nổi tiếng cùng với mắm sá sùng có giá thành rất cao. Ngoài ra, sá sùng có thể được sử dụng cả lúc tươi, thường được chế biến thành các món ăn như nấu canh, nấu cháo, xào hay dùng để nấu nước dùng bún, phở,…