Siết tiền chảy vào lĩnh vực nóng: Tín dụng chững đà tăng
Sau khi ra thông điệp siết chặt tín dụng vào các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng tín dụng bắt đầu hạ nhiệt.
Tín dụng tăng 3,34%
Chiều 22/4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2021 và kỷ niệm 70 năm thành lập ngành ngân hàng.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 16/4, tín dụng đã tăng trưởng 3,34% so với cuối năm 2020. Tính ra đà tăng của tín dụng đã bắt đầu chững lại. Trong nửa tháng tín dụng chỉ tăng 0,41%. Bởi trước đó, theo thống kê tháng 1 tăng trưởng tín dụng 0,76%; đến tháng 2 có giảm nhẹ còn 0,66% do diễn biến dịch Covid-19 bùng phát trở lại; đến tháng 3 cầu tín dụng tăng mạnh đạt mức 2,93%.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà, về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2021, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm là 12%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên tinh thần đồng hành và chia sẻ. Các TCTD cũng quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng.
Tính đến ngày 5/4/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 262 nghìn khách hàng với dư nợ 357 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 663 nghìn khách hàng với dư nợ 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi từ ngày 21/1/2020 tới nay là 2,16 triệu tỷ đồng với hơn 456 nghìn khách hàng được vay.
Về gói hỗ trợ cho vay người sử dụng lao động để trả nợ lương ngừng việc, đến ngày 31/1/2021 tổng cộng có 42,9 nghìn tỷ đồng đã được NHNN giải ngân cho Ngân hàng Chính sách xã hội, và ngân hàng này đã cho vay trên địa bàn 56 tỉnh, thành với dư nợ gần 42 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện; thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được đẩy mạnh; thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công được mở rộng (hiện có 92,3% các giao dịch thu ngân sách được thực hiện qua ngân hàng hay 94,35% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng).
Đến ngày 31/3, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. So với cùng kỳ 2020, giao dịch qua kênh internet tăng 55,9% về lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về lượng và 103% về giá trị giao dịch; giao dịch qua kênh QR code tăng 83% về lượng và 146% về giá trị.
Cơ cấu tín dụng phải phù hợp với nguồn vốn
NHNN khẳng định từ đầu năm tới nay đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để đảm bảo thanh khoản thông suốt cho hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng, qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay.
Đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,9% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ. Thanh khoản hệ thống thông suốt. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm 0,1% so với tháng 12/2020.
Trong quãng thời gian đầu năm 2021, một số lĩnh vực có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với bình quân như tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Thế nhưng sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán trong nước và thế giới thời gian qua cũng tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động các ngân hàng.
Cũng cần nhắc lại, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trong cuộc Hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã lưu ý, dư nợ tín dụng/GDP là trên 140%, nên các ngân hàng phải đảm bảo mở rộng tín dụng đi đôi với chất lượng tín dụng, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực theo đúng chủ trương của NHNN, Chính phủ. Hơn nữa, cơ cấu tín dụng phải phù hợp với cơ cấu nguồn vốn để phòng rủi ro về chênh lệch kỳ hạn, đảm bảo khả năng chi trả cho người dân ở bất cứ thời điểm nào.
Đặc biệt, không đánh đổi lợi nhuận với rủi ro của tổ chức tín dụng. Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng…
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ nay đến cuối năm, trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ; chủ động, linh hoạt trên cơ sở theo dõi sát diễn biến, dự báo kinh tế vĩ mô và thị trường nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu năm 2021 bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thanh khoản và duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối…