Doanh nghiệp hồi phục thời hậu Covid-19: Vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ
Theo con số của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): 87% số doanh nghiệp (DN) cho biết chịu ảnh hưởng nặng nề, chỉ 11% số DN không bị ảnh hưởng gì và gần 2% vẫn kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng cho rằng, mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành song họ vẫn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận.
Doanh thu giảm mạnh, hoạt động ở mức cầm cự... đó là thực trạng của nhiều DN khi đương đầu với cơn bão đại dịch Covid-19. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020, có tới 65% DN tư nhân và 62% DN FDI cho biết, doanh thu năm 2020 của họ bị giảm mạnh so với năm 2019.
Trong số các nhóm DN, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các DN mới hoạt động dưới 3 năm và các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ. Phần lớn các DN đều cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, dòng tiền và ảnh hưởng tới vấn đề nhân công, người lao động của DN.
Không chỉ có thế, dịch bệnh còn khiến chuỗi cung ứng của nhiều DN đã bị gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ sản xuất... Cụ thể, số liệu khảo sát của VCCI cho hay, trong năm 2020, hơn 65% DN tư nhân trong nước và gần 62% DN FDI báo cáo sụt giảm doanh thu so với năm 2019.
Trước những khó khăn, thiệt hại nặng nề của cộng đồng DN bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ trong đó phải kể đến gói chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với giá trị khoảng 73,1 nghìn tỷ đồng; các khoản tiền được hồi tố, hoàn trả lại cho các DN lên đến gần 5.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng có giá trị khoảng 36,6 nghìn tỷ đồng,...
Các chính sách này đã giúp cộng đồng DN phần nào vượt qua được những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, giữ được sức phát triển qua cả một năm đầy sóng gió. Tuy nhiên trên thực tế, còn rất nhiều chính sách thiếu khả thi, hoặc đưa ra những điều kiện để tiếp cận quá chặt chẽ khiến DN không thể tiếp cận được.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, khảo sát của VCCI cho hay, chính sách khiến các DN khó có thể tiếp cận nhất chính là chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng, trong đó chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động là khó khăn nhất đối với DN.
“Khoảng 71% DN tư nhân trong nước và 68,5% DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, khó có thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất 0%”, ông Tuấn nói đồng thời chỉ ra rằng, nói chung những chính sách về tiếp cận vốn vay tại các hệ thống ngân hàng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ DN vượt qua khủng hoảng Covid-19 như các DN phản ảnh là thiếu khả thi.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các chính sách hỗ trợ về thuế được các DN trong nước và DN FDI đánh giá là dễ tiếp cận hơn cả. 67% DN tư nhân trong nước và 57% DN FDI đánh giá chính sách hỗ trợ gia hạn đóng thuế thu nhập DN là hữu ích, là có nhiều tác dụng rõ rệt đối với DN. Bên cạnh đó, theo đại diện VCCI, chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cũng giúp DN giảm áp lực và nhẹ gánh hơn trong đợt khủng hoảng vì Covid-19.
Nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế, việc hỗ trợ chỉ được coi là thành công, có hiệu quả khi DN nhận được những chính sách bằng các tác động trực tiếp và cụ thể. Nếu chính sách được xây dựng khó thực hiện thì không những không thể hỗ trợ DN, ngược lại, còn làm xói mòn niềm tin của DN về việc đồng hành của Nhà nước đối với cộng đồng DN trong lúc khó khăn.
Vì vậy, nhà quản lý khi đưa ra chính sách cần hướng đến tính thực tiễn, khả thi, cũng như có những hướng dẫn cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện nhận hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện để DN có thể tiếp cận chính sách một cách dễ dàng, như vậy chính sách mới đạt được hiệu quả thiết thực.