Điều gì sẽ xảy ra khi bạn uống nước ngọt
Uống 1 lon nước ngọt 330ml đồng nghĩa với việc bạn đã nạp vào cơ thể gấp đôi lượng đường được khuyến nghị trong một ngày.
Đường là chất dinh dưỡng cần cho mọi tế bào trong cơ thể. Đường có trong rất nhiều loại đồ uống như đường mía, đường củ cải, siro ngô, chất làm ngọt ngô, dextrose, fructose, glucose, mật ong, siro mạch nha hay ở dạng chế biến sẵn đóng chai như nước ngọt có ga, nước quả đóng chai, cafe, soda, nước tăng lực...
Nước ngọt hay đồ uống có đường là nguồn cung cấp năng lượng đơn thuần khiến bạn dễ dàng tiêu thụ nhiều hơn mức cần thiết của cơ thể. Từ đó dễ dẫn đến tăng cân và có nguy cơ thừa cân béo phì nếu không kiểm soát tốt.
Uống 1 lon nước ngọt tương đương với việc ăn 10 muỗng cà phê đường cùng một lúc, nhiều hơn mức độ đường được khuyến cáo hàng ngày rất nhiều.
Sau 10 phút uống nước ngọt, đường có thể đã đi khắp cơ thể của bạn. Các axit photphoric trong nước ngọt sẽ khiến cơ thể phản ứng với đường dư thừa. Vì vậy, dù có uống quá nhiều đường vào cơ thể thì bạn cũng khong bị nôn mửa.
Sau 20 phút, khi lượng đường trong máu tăng lên, cơ thể tiết ra insulin để loại bỏ đường dư thừa trong máu. Gan sẽ có chức năng chuyển đổi lượng đường này thành chất béo và bạn phải đối mặt với nguy cơ béo phì.
Sau 40 phút, caffeine có trong nước ngọt hoàn toàn ngấm vào máu của bạn, khiến huyết áp tăng lên và đồng tử giãn nở. Thụ thể adenosine trong não đã bị chặn bởi các phân tử caffeine, do đó bạn sẽ cảm thấy sảng khoái và hứng khởi.
Sau 45 phút, bạn sẽ cảm thấy sảng khoái, lúc này trung tâm khoái cảm trong não đã được kích thích.
Sau 60 phút, axit photphoric có trong nước ngọt sẽ hạn chế hấp thụ canxi, magiê và kẽm trong ruột; ngăn ngừa sự hấp thụ của các chất này và đẩy chúng ra khỏi cơ thể. Cơ thể sẽ bị mất một lượng canxi thông qua phân.
Theo Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), tiêu thụ lượng lớn đường với mật độ thường xuyên là một trong những nguy cơ gây đái tháo đường túyp 2, bệnh lý tim mạch, nha khoa, thận, béo phì ở trẻ em... Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của một số bệnh ung thư như ung thư miệng, hầu-thanh quản, thực quản, dạ dày, tụy, túi mật, gan, đại trực tràng, buồng trứng, vú, nội mạc tử cung, tuyến tiền liệt và thận.
Hướng dẫn mới của Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do tiêu thụ hàng ngày xuống dưới 10% tổng năng lượng ăn vào.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, lượng đường sử dụng không quá khoảng 25 gram, tương đương 5 muỗng cà phê mỗi ngày sẽ mang lại lợi ích cho sức khỏe. Như vậy, mỗi ngày, bạn chỉ nên uống khoảng ½ lon nước ngọt 350ml vì trong 1 lon nước ngọt chứa khoảng 10 muống cà phê đường.
Thay vì uống nước ngọt nhiều và thường xuyên, bạn nên uống nước lọc nhiều hơn. Việc này vừa đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể, vừa giúp bạn hạn chế tiêu thụ đường quá mức. Cách tốt nhất là uống nước lọc/ nước đun sôi và đồ uống không đường, chẳng hạn như trà hoặc cà phê không thêm đường.