Những điều cần biết về cholesterol

Lan Anh 23/04/2021 11:00

Một số người cho rằng cholesterol là nguyên nhân gây ra các bệnh như tim, đột quỵ... Trên thực tế, cholesterol là một chất tự nhiên cần thiết trong cơ thể. Tình trạng xấu chỉ xảy ra khi lượng cholesterol trong máu dư thừa hơn mức cần thiết.

Cholesterol là một thành phần của lipid máu, là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh, cũng như trong việc sản xuất một số loại hormone, giúp cơ thể hoạt động bình thường và khỏe mạnh.

Cholesterol mang lại cho màng tế bào sức mạnh và sự linh hoạt, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc sản xuất hormone, vitamin D và quá trình tiêu hoá chất béo. Vì vậy, có thể nói cholesterol đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các hoạt động của cơ thể.

Ảnh minh họa

Trên thực tế, cholesterol có 2 loại chính là lipoprotein mật độ thấp (LDL - cholesterol xấu) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL - cholesterol tốt). Khi nồng độ LDL tăng cao, nó có thể gây tích tụ mảng bám trong động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch và đột quỵ. Ngược lại, nồng độ HDL trong máu cao giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ, giúp bài tiết lượng cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể.

Vì cholesterol không tương tác tốt với máu nên nó sẽ được vận chuyển bởi các hạt lipoprotein mật độ thấp (LDL) và mật độ cao (HDL). Ngưỡng cholesterol lý tưởng cho hầu hết người lớn là cholesterol tổng dưới 200 mg/dL, LDL dưới 100 mg/dL và HDL trên 60 mg/dL.

Ảnh minh họa

Thông thường, gan sẽ tạo ra tất cả lượng cholesterol mà cơ thể cần để hoạt động. Tuy nhiên, cơ thể cũng có thể hấp thụ lượng cholesterol thông qua việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật.

Khi bạn tiêu thụ thêm lượng cholesterol từ động vật, cơ thể sẽ bù lại bằng cách giảm lượng cholesterol tự nhiên xuống. Ngược lại, khi lượng cholesterol được cung cấp bởi chế độ ăn uống ở mức thấp, cơ thể sẽ tăng cường sản xuất cholesterol tự nhiên để đảm bảo luôn có đầy đủ lượng chất quan trọng này.

Trên thực tế, cholesterol trong cơ thể đến từ các nguồn thực phẩm chỉ chiếm khoảng 20%, phần còn lại sẽ được sản xuất bởi gan. Bên cạnh đó, cholesterol trong chế độ ăn uống cũng tác động một phần đến tỷ lệ LDL và HDL trong cơ thể. Chỉ số LDL tăng cao, chỉ số HDL xuống thấp báo động nguy cơ mắc bệnh về tim mạch.

Vì vậy, việc ăn các thực phẩm giàu cholesterol sẽ làm tăng đáng kể nồng độ cholesterol trong cơ thể là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Khoảng 80% cholesterol trong cơ thể được sản xuất ở gan chứ không phải từ thức ăn mà chúng ta dung nạp vào cơ thể hàng ngày.

Người thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng bị cholesterol trong máu cao. Tuy nhiên, người gầy vẫn có thể bị tăng cholesterol. Những người gầy cũng cần phải lo lắng về việc tăng cholesterol trong máu.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, những người có lối sống không lành mạnh, rất ít vận động, có một số bệnh rối loạn di truyền, người già... cũng có thể có nguy cơ tăng cholesterol trong máu.

Hãy tạo lập cho mình một thói quen sinh hoạt điều độ và lành mạnh. Cần hiểu rõ về cholesterol để có chế độ ăn uống phù hợp. Trên thực tế, cholesterol không hoàn toàn là một chất gây hại cho cơ thể, nó cũng là một chất tự nhiên cần thiết cho sức khỏe.

Lan Anh