Tượng nữ thần Tự do của Mỹ vốn là một ngọn hải đăng màu nâu đỏ
Trong 16 năm đầu tiên (1886-1902), tượng nữ thần Tự do hoạt động như một ngọn hải đăng cực lớn, tàu bè cách bờ gần 40 km vẫn có thể nhìn thấy. Khi ấy, tượng có màu nâu đỏ.
Món quà của nước Pháp
Bức tượng đồng là một món quà của nước Pháp dành tặng nước Mỹ, tượng được thiết kế bởi nghệ sĩ điêu khắc người Pháp - Frédéric Auguste Bartholdi, khung sườn kim loại bên trong tượng được thực hiện bởi kỹ sư người Pháp Gustave Eiffel - người thiết kế tháp Eiffel. Tượng được khánh thành vào ngày 28/10/1886.
Bức tượng khắc họa nữ thần tự do Libertas của thần thoại La Mã. Tay phải bức tượng giơ cao một ngọn đuốc, tay trái cầm một tấm bảng có đề những con số La Mã, đó chính là ngày mà bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ chính thức được đưa ra (4/7/1776).
Một chiếc cùm gãy và sợi xích đứt nằm ở chân tượng, hai bàn chân như thể đang bước về phía trước, đây là chi tiết gợi nhắc về việc nước Mỹ giành độc lập và sau này tuyên bố xóa bỏ chế độ nô lệ. Sau khi tượng được khánh thành, tác phẩm này ngay lập tức trở thành biểu tượng của nước Mỹ.
Nghệ sĩ điêu khắc Bartholdi đã hoàn thành phần đầu và cánh tay giơ cao ngọn đuốc của bức tượng trước tiên, hai chi tiết này được hoàn thành từ nhiều năm trước khi ông thiết kế xong xuôi hoàn chỉnh toàn bộ bức tượng, hai chi tiết xong sớm đã được đem triển lãm tại một số hội chợ quốc tế.
Trong những thỏa thuận về việc tặng tượng, phía Pháp sẽ chịu kinh phí đối với bức tượng hoàn chỉnh, còn phía Mỹ sẽ tìm địa điểm phù hợp và xây dựng phần bệ đỡ. Nhưng việc gây quỹ xây bệ đỡ tại Mỹ khi ấy đã gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ không thể thực hiện được.
Một chiến dịch quyên góp đã được tiến hành, kêu gọi người dân quyên góp, đã có hơn 120.000 người tham gia, đa số họ đều quyên góp trong khả năng kinh tế hạn hẹp của mình ở mức dưới một đô la Mỹ mỗi người. Chi phí thực hiện tượng và phần bệ đỡ khi ấy vào khoảng 500.000 USD, tương đương với hơn 10 triệu USD bây giờ.
Từng là một ngọn hải đăng
Bức tượng ban đầu thuộc sự chăm sóc, quản lý của Ban quản lý Hải đăng Mỹ, trải qua những thay đổi, tới năm 1933, tượng thuộc sự quản lý của Dịch vụ Công viên Quốc gia Mỹ và được xem như một điểm hấp dẫn tham quan tại Mỹ.
Trong 16 năm đầu tiên (1886-1902), bức tượng này hoạt động như một ngọn hải đăng cực lớn, tàu bè cách bờ gần 40 km vẫn có thể nhìn thấy. Sau này, vì chi phí bảo trì quá lớn cùng một số bất cập khác, tượng Nữ thần tự do đã ngừng nhiệm vụ hoạt động như một ngọn hải đăng.
Việc tham quan khu vực ban công nằm trên ngọn đuốc của tượng đã bị hủy bỏ kể từ năm 1916 vì lý do an toàn, bởi cánh tay giơ đuốc của bức tượng từng bị tổn hại bởi một vụ nổ xảy ra hồi Thế chiến I.
Việc sửa chữa sau đó tốn kém khoảng 100.000 USD, sửa chữa xong xuôi thì hoạt động đón khách lên tới ngọn đuốc cũng bị dừng lại hẳn. Thực tế, ngay cả việc đón khách lên tới mũ miện của tượng hiện cũng khá hạn chế.
Có 7 mũi nhọn trổ ra từ vương miện của nữ thần Tự do, với hàm ý về 7 đại dương và 7 châu lục (theo quan niệm xa xưa), để biểu đạt ý niệm về niềm khao khát tự do trên khắp địa cầu.
Từ màu nâu đỏ thành màu xanh trứ danh
Tượng được thực hiện với nội thất bằng sắt và ngoại thất bằng đồng, qua thời gian, tượng chuyển sang màu xanh vì bị oxy hóa. Hoạt động chăm sóc bức tượng được tiến hành đều đặn, thường xuyên, thực tế, người ta đã từng nghĩ tới việc làm mới bề mặt tượng, nhưng sau nhiều lần cân nhắc, các nhóm bảo trì tác phẩm đều quyết định giữ nguyên màu xanh trứ danh của tượng.
Màu xanh xảy ra do sự oxy hóa của đồng thực tế lại là một cách thức tự nhiên để bảo vệ công trình khỏi những tổn hại nghiêm trọng hơn. Màu nguyên bản của bức tượng là màu nâu đỏ, nhưng người dân trên khắp thế giới đã "mặc định" rằng công trình này có màu xanh.
Ngọn đuốc dát vàng
300 chiếc búa các loại đã được sử dụng trong quá trình thực hiện bức tượng đồng. Đương thời, người ta tin rằng gương mặt của tượng được nghệ sĩ điêu khắc Bartholdi thực hiện theo gương mặt của mẹ ông, bà Charlotte.
Ngọn đuốc nguyên bản của bức tượng đã được thay thế hồi năm 1984 bằng một ngọn đuốc đồng mới có phủ những lá vàng 24 carat.
Lần xuất hiện đáng chú ý nhất trên màn bạc của bức tượng là trong phim "Planet of the Apes" (Hành tinh khỉ - 1968), trong phim, bức tượng bị chôn vùi một nửa trong cát. Bức tượng cũng bị phá hủy trong những cảnh phim giả tưởng của "Independence Day" (1996) và "The Day After Tomorrow" (Ngày kinh hoàng - 2004).
Khi có những trận gió mạnh, tượng có thể dao động trong khoảng gần 8cm, còn ngọn đuốc dao động trong khoảng gần 13cm. Ước tính tượng bị khoảng 600 tia sét đánh trúng mỗi năm.