PGS.TS Trần Thành Nam: Người trẻ dễ mắc trầm cảm nhất
PGS.TS Trần Thành Nam dành nhiều quan tâm đến vấn đề trầm cảm. Không chỉ viết nhiều bài báo cảnh tỉnh về vấn đề này, anh còn tự quay các video clip với những hướng dẫn đơn giản dễ hiểu để giúp cho người đang trầm cảm có cách để thoát khỏi bóng đen đang bao phủ tâm trí họ.
1. PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: “Dường như trong xã hội hiện đại, chứng bệnh trầm cảm có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ cộng đồng mắc trầm cảm một lần trong đời chiếm khoảng 20%. Đặc biệt, nhóm những người trẻ trong nhóm tuổi từ 18 đến 29 là nhóm mắc trầm cảm cao nhất.
Rất nhiều nguyên nhân lý giải tại sao trong cuộc sống hiện đại lại có nhiều người mắc trầm cảm. Nó có thể bao gồm các yếu tố xã hội như sự bất định của cuộc sống, áp lực công việc tăng, hứng thú và ý nghĩa của công việc với từng cá nhân ngày càng giảm. Các yếu tố cá nhân như thiếu kỹ năng thích ứng với thay đổi do phong cách làm cha mẹ bao bọc quá mức. Các yếu tố xã hội như những quan ngại về vấn đề an ninh an toàn trong cuộc sống tăng, thiếu không gian xanh, thiếu sân chơi cho giới trẻ, thói quen thiếu vận động, mất các kết nối ý nghĩa trong cuộc sống thực...
Theo những thống kê mới nhất, trong khoảng 20 năm qua, số lượng người bị mắc trầm cảm đã tăng lên hơn 50% (Tổ chức Y tế thế giới). Toàn cầu hiện có khoảng hơn 300 triệu người mắc chứng rối loạn này. Ước tính hiện có khoảng gần 10 triệu người Việt Nam đang phải vật lộn với chứng lo âu, trầm cảm. Phần lớn trong đó là những người trẻ.
Điều đáng nói là trong xã hội có nhiều kỳ thị về bệnh trầm cảm. Coi những người trầm cảm là những người não bị hỏng hóc, cần phải thận trọng và đối xử với họ theo cách đề phòng. Những niềm tin này xếp loại những người trầm cảm ra thành một nhóm tiêu cực, kém cỏi và nguy hiểm. Tệ hơn là chính những niềm tin này dần ám thị vào chính những cá nhân bị trầm cảm dẫn đến một niềm tin vững chắc rằng họ không có bất cứ một giá trị nào, họ là những kẻ vô dụng, cuộc sống của họ là chuỗi thất bại và tuyệt vọng. Trước sự kỳ thị xã hội và tự kỳ thị như vậy, họ không dám chia sẻ trở nên bức bách và tự tìm cái chết như một cách giải thoát.
Do đó, chúng ta cần hiểu về trầm cảm để giúp phá bỏ những định kiến, hiểu nhầm về trầm cảm nói riêng cũng như về các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần nói chung. Điều này sẽ giúp những người mắc trầm cảm không còn cảm thấy bị cô lập, bị phán xét. Giúp họ cởi mở hơn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên”.
2. Theo PGS.TS Trần Thành Nam, có một số dấu hiệu đặc trưng để bạn có thể nhận ra một người có khả năng mắc trầm cảm là:
Mất hứng thú: Dường như cá nhân đó không còn quan tâm về bất kì thứ gì nữa. Họ trở nên mất hứng thú trong công việc, trong các hoạt động sở thích, mất cảm hứng trong quan hệ tình dục và những hoạt động khác. Mất hứng thú khiến họ tự thu mình khỏi bạn bè, gia đình và những hoạt động xã hội.
Hay buồn: Cá nhân thể hiện một cái nhìn u ám và tiêu cực về cuộc đời. Phần lớn thời gian là buồn bã, khó chịu trong người. Hoặc có thể trở nên nóng nảy, khó tính hoặc tâm trạng thay đổi thất thường. Trong câu chuyện xã giao hàng ngày, họ thường xuyên nói về cảm giác “bất lực” hoặc “tuyệt vọng”.
Phàn nàn về những biểu hiện thể chất: Cá nhân thường xuyên phàn nàn về sự khó chịu và đau nhức về mặt thể chất như đau đầu, đau bụng hoặc đau lưng. Hoặc thường xuyên phàn nàn bản thân mệt mỏi và kiệt sức.
Thay đổi thói quen ăn ngủ: Trở nên ngủ ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường. Không quyết đoán, hay quên, lộn xộn và hay đờ đẫn. Ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường, dẫn đến tăng hoặc giảm cân nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn.
Sử dụng nhiều chất kích thích (rượu, thuốc) như một cách giải tỏa cảm xúc hoặc giảm đau.
3. Với những người có biểu hiện trầm cảm, TS Trần Thành Nam khuyên:
“Việc dành thời gian thể hiện sự quan tâm, lo lắng là điều rất cần thiết. Những câu hỏi như “Gần đây tôi rất lo lắng cho bạn”; “Gần đây mình nhận thấy cậu có chút thay đổi/khác khác, nên không biết dạo này cậu thế nào rồi?”
Chúng ta cũng có thể hỏi về những cảm xúc để tạo điều kiện cho những người bạn giải tỏa. Những câu hỏi thân tình như “Cậu bắt đầu cảm thấy như thế này từ khi nào?”; “Mình quan tâm liệu có chuyện gì đã xảy ra khiến cậu cảm thấy như thế này?”, “Điều tốt nhất tớ có thể hỗ trợ/giúp đỡ cậu bây giờ là gì?”, “Bạn đã nghĩ đến việc tìm kiếm sự trợ giúp từ những nhà tâm lý chưa?”
Nếu người bạn của chúng ta thừa nhận rằng họ trầm cảm và đang tuyệt vọng. Những chia sẻ như sau có thể giúp họ vượt qua những khoảnh khắc khó khăn nhất, như những ý định tự tử chẳng hạn.
“Cậu không cô đơn trong việc này đâu. Tớ sẽ luôn ở bên cậu.”
“Có thể bây giờ cậu không tin vào điều này, nhưng những những cảm xúc hiện tại sẽ thay đổi nhanh thôi”
“Có thể mình không hiểu chính xác những gì cậu đang cảm thấy, nhưng tớ quan tâm tới cậu và tớ muốn giúp cậu. Hãy nói cho mình biết mình sẽ giúp thế nào?”
“Khi cậu muốn bỏ cuộc, hãy tự nhủ với bản thân rằng cậu sẽ cố gắng chỉ một ngày nữa, một giờ nữa, hay một phút nữa thôi. Và hãy gọi điện cho mình.”
4. Những lời khuyên của TS Trần Thành Nam dành cho những bạn trẻ đang phải đối diện với những nghịch cảnh, thất bại và nguy cơ trầm cảm:
“Người ta nói rằng không phải những cá thể mạnh nhất, thông minh nhất sẽ tồn tại là là những ai thích ứng tốt nhất với sự thay đổi sẽ tồn tại và thành công.
Với những người đang đối diện với nghịch cảnh, thay vì xấu hổ, chỉ trích hay hạ thấp bản thân hãy tự nhủ các thông điệp tích cực như “Ta thất bại lần này nhưng sẽ cố gắng hơn lần sau. Ta đã từng làm được tốt nên sai lầm lần này chẳng có gì to tát cả”
Hiểu rằng nhân vô thập toàn. Ai cũng mắc sai lầm và càng làm nhiều việc thì số lượng sai lầm lại càng nhiều hơn. Vì vậy hãy coi những thất bại là điều bình thường không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Thậm chí nhìn nhận thất bại theo hướng tích cực là nó giúp chúng ta nhận ra chúng ta vẫn có những điểm cần hoàn thiện. Sai lầm và thất bại chính là cơ hội để bạn phát triển các kỹ năng mới để giải quyết vấn đề trong tương lai.
Với những người đang ở trong nghịch cảnh, đối diện với trầm cảm... hãy học thực hành chánh niệm. Tập trung quan sát những cảm xúc, suy nghĩ của bạn trong từng khoảnh khắc hiện tại với sự cởi mở và không phán xét. Thay vì hứng chịu sự tàn phá của những cảm xúc tiêu cực. Hãy học cách quan sát những cảm xúc của mình giống như bạn xem một bộ phim. Những hình ảnh trong bộ phim dẫu vò xé, vỡ nát nhưng rồi cũng qua trên màn hình. Và khi hết phim, khán giả đứng dậy, cảm xúc tiêu cực thì ở lại với bộ phim.
Và biện pháp căn cơ lâu dài là phải phát triển ở cả 4 trụ cột sức khỏe thể chất tốt, lối sống tốt; mối quan hệ xã hội tốt với những gắn bó an toàn, tin tưởng lẫn nhau, bạn tri kỷ. Phát triển đời sống cảm xúc tốt từ năng lực quản lý cảm xúc, lòng tự trọng cao, trì hoãn những ham muốn nhất thời, khiếu hài hước, tinh thần lạc quan. Và xây dựng cho mình năng lực tư duy logic, giải quyết vấn đề và tự nhủ/ diễn giải tích cực về các tình huống.
Các bạn trẻ hãy bắt đầu bằng việc xác định lại mục đích và ý nghĩa cuộc sống của bạn; Xác định và sử dụng điểm mạnh độc đáo của bạn; Lên kế hoạch Tập thể dục đều đặn; Tăng cường chất lượng giấc ngủ; Kiểm soát suy nghĩ tiêu cực, trở nên lạc quan và thực tế; Tìm kiếm và sử dụng chiến lược thư giãn phù hợp; Tiếp xúc với những tấm gương vượt khó, những con người truyền cảm hứng cho bạn”.