Còn gốc cội cho mình

Nguyễn Quang Hưng 23/04/2021 10:00

Cụ tôi xưa đi kiếm kế sinh nhai, làm con nuôi nhà người, rồi trở thành con rể, lấy làng Lộc Dư đất Thường Tín nhà ngoại như là quê hương mới cho nửa đời mình.

Đến khi nằm xuống thì con cháu đem thân từ trong phố cổ về gửi gắm vào đất đồng chốn này. Bao nhiêu ký ức bản quán theo cụ, rồi sau này theo cả ông nội nữa, cùng cất chung trong một ngôi mộ cả hai bố con như câu chuyện không mấy khi khơi lại, đã im lìm mãi mãi. Đời bố tôi, các cô bác, đến chúng tôi, nhiều lần cứ băn khoăn mãi về gốc cội nhà mình. Rồi đều chỉ dừng lại ở sự biết nhớ, rằng mình sinh ra, lớn lên từ phố cổ Hà Nội. Quê cũ Hưng Yên gọi lên không xa xôi là mấy, mà sao đã hóa ra nẻo tuyệt mù.

Bao nhiêu đời người rời bản quán ra đi mà không nghĩ đến ngày trở về? Có khi thời cuộc lấn đi mãi những nhọc nhằn tồn tại, cái con, nghiệp nghề mà nỗi đau đáu hồi hương cứ ghìm lại không biết khi nào mới thỏa? Người ta cố tình, hay đành buông cảnh riêng nhòa cùng thế sự? Khó lòng riêng rẽ, rành rọt một thái độ, một tâm sự nào khi đối diện vời xa về cố hương. Như cụ thân sinh ra bà nội chúng tôi, trước sau đến lần thứ năm vẫn là con gái. Trong chốn làng xưa nếp nhìn nếp nghĩ cổ hủ, đã xì xào những ý khinh thường. Cụ tức mình, tức đời, mang nỗi buồn hận trong lòng, dắt díu vợ kéo năm con gái rời khỏi làng quê miền Hải Dương lên Hà thành tìm nơi lập nghiệp. Chắc hận lắm, buồn lắm, tủi lắm, mà mãi sau này không mấy ai nghĩ bàn việc tìm về thăm cố thổ.

Nhưng có phải thế mà dứt được hết đi không! Hay trong sâu kín vẫn dào lên mạch nước làng, bóng tre xanh, lời ăn tiếng nói, tập quán những mùa lễ lạt, những gương mặt họ hàng, xóm giềng… Nghề khâu giầy của làng, cụ ông cụ bà vẫn giữ làm kế sinh nhai truyền đến đàn con. Sau này, những thêu thùa xa xưa đằng họ nhà cụ bà nội, truyền vào cụ ông và ông nội đến con cái; và kim chỉ khâu vá những chiếc giầy cũ sờn bên gia đình nhà bà nội tôi ấy, tất cả, đã không còn lưu được đến thế hệ các cháu, chắt nữa. Nhưng thế nào mà tâm trạng tôi thỉnh thoảng cứ nhộn nhạo lên khi nhớ ra rằng đã có những nề nếp cũ, nghề nghiệp cũ trong họ mình, từ bản quán xa xăm nào của mình, đã tồn tại, duy trì, đến khi lựa thời mà dừng hẳn lại.

Nghĩ thế càng thêm nao nức muốn biết, muốn về, muốn thăm nom lại những nẻo mịt mù chưa từng biết đến. Chưa từng thật đấy, nhưng với mình, quê nhà trong vùng ký ức đã mang những ý tình hệ trọng ở nghĩa sinh sôi, truyền nối dáng dấp, hình vóc, suy nghĩ đến gia đình, bản thân con người mình. Có mình hôm nay đây, thật không phải tự nhiên mà đất, nước với khí trời góp nên máu thịt. Mà cùng với công dày dưỡng dục của mẹ cha, thày bạn, cộng đồng…, không thể không nhờ đến cuộc tiếp diễn bền bỉ những đời người của họ mạc, dòng giống. Thậm chí dù không biết, kể cả không muốn, không để tâm đi chăng nữa với bao người xưa, nay, trong cái mạch chảy thiêng liêng ấy, thì mỗi người chúng ta, chắc chắn cùng đã dự phần.

Thế nên tôi nghe mang mang trong trời đất hoài ức về cố thổ xa xưa mà những con người hôm nay chưa từng, chưa mấy khi trong đời được diện kiến. Nó như mơ hồ, như gió thoảng, như cỏ lay, lá rụng, như một vu vơ giống loài, một níu kéo họ mạc nửa lạ nửa quen, nửa thân nửa sơ, nửa thiết tha, nửa như đã phải nhuốm cơn phai bạc, nhạt mờ. Thăm quê anh bạn ở Thanh Oai, tên cổ thôn Mụ Lá - tên chữ Mộ Xá, xã Phú Nam An, bâng khuâng lời kể về mảnh đất xưa dân trồng cây thuốc, giữ nghề thuốc nam cứu mình, cứu người. Tôi hoài niệm một quá khứ không có mình, hòa cùng bồi hồi trong anh bạn như đã chảy từ tiềm thức, về một ngày xưa cũng không có mặt anh, khi những cây thuốc mọc khắp quanh nhà, kín lối vườn, lan dài đường ngõ, bãi sông, đồng ruộng. Lá thuốc quanh người, trong cái thời cổ sơ đã làm gì có mấy những thầy thuốc như sau này lác đác đây đó trong làng, trên phố. Nên lá gần người, nhiều người hiểu lá, kết tinh kinh nghiệm dùng lá dùng cây qua các đời mà nhai, mà đắp, mà đun nấu, ăn uống. Để khỏi được những đau bụng đau bão, phong hàn cảm mạo, bong tróc, sái chân sái tay, trẻ con hay đái dầm, người già nhức gân cốt… nó gây phiền nhiễu, nhọc mệt cho cuộc đời năm nắng mười sương.

Tôi cứ tưởng tưởng này nọ những chuyện bí ẩn, hoang đường trên lối bê tông lát kín con đường ven sông Đáy um tùm dải tre dày dẫn vào các ngõ có nhà thờ họ, nhà thờ công giáo, nhà cũ xiêu vẹo đã đan xen nhiều ngôi nhà tầng sơn mới. Còn anh bạn, dù vẫn năng về coi sóc nhà cửa trong quê, chắc mỗi lần vẫn không khỏi nao nao tuổi thơ mình, tuổi thơ cha mẹ, và những ngõ, những lối tắt ra đồng mà các cụ ngoài đình vẫn kể chuyện cán bộ theo đó trốn Tây lội sang làng khác. Chắc cũng nghĩ ngợi không ít lần về cả bộ hoành phi, câu đối trong đình, những dấu son trên sắc phong, và mặt tấm bia hậu đã bạc mờ, nứt rạn vệt chạy từng thế kỷ. Những chữ xưa người làng lưu nhớ, tôn thờ ấy, những chuyện kể xa xưa thổi về, mấy tục kiêng hèm còn lại, cánh đồng lớn chân người đi mỏi, nằm giữa cả bảy xã, đang co lại dần những bát ngát…, những đường theo sông, xuyên đồng về phía Miếu Môn, Lam Điền, Chúc Sơn…, tất cả ấy, còn ấm lạnh quá khứ nào đây của lớp người đang mới? Hiểu được gì không, ngày xưa, để hòa chung vào chút ơn cho người trẻ hôm nay, sau này, để biết thương mến hơn một bản quán đang có mình, đã từng không có mình. Đã từng rất lâu dài như thế, không có ta, nhưng với chúng ta sinh sau hôm nay, cả vùng ký ức lồng lộng đâu phải là vô nghĩa.

Chỉ đối diện miền Mụ Lá về phía trước vài cây số, qua quốc lộ 21, cái tiếng bà lang Lựa nhắc nhớ về bà nội của người bạn thị trấn Vân Đình - Ứng Hòa, vẫn còn trong trí nhớ không ít người. Là bởi bà lang xưa hay thuốc, chữa vô sinh, chữa mắt, cam trẻ em nhiều công hiệu nên nhiều người gần xa kính trọng. Và còn bởi thuốc của bà, lắm khi cho kẻ thương khó chứ không lấy tiền. Bà cụ hồi gần trăm tuổi, chưa về với giời, có lẫn đấy, mà cháu trai về gợi bà hát “Thiên Thai”, bà còn lẩm nhẩm được mấy câu, hát cùng cháu. Xa rất xa tuổi hoa niên, bà lang ấy đã yêu mê tân nhạc.

Bạn tôi trong hiện tại này, thoảng lại luyến lưu một quá vãng thanh nhã thời các ông bà trong dòng họ sung túc đất Hoàng Xá Vân Đình nhà mình, mà tất nhiên, cũng chỉ nghe kể lại. Lựa là tên làng đạo Tiên Lữ, xã Dân Hòa, Thanh Oai. Bà cụ là người làng này, theo chồng về Vân Đình, sinh ra những người con yêu văn nghệ, biết làm thuốc, đã có những quãng hành nghề thuốc. Con trai cả của cụ đi làm nghệ sĩ, tiếc rằng sau này phải ghìm giữ khát vọng thỏa sức hát ca suốt tuổi trung niên của mình, để những người con trai tài hoa sau này sẽ viết tiếp cuộc đời ông. Như có gì xa xót và hứng khởi lắm, những hứng khởi của nỗi xót xa, khi anh em người bạn tôi thay nhau hát lên những bài ca của cha, những bài các con viết để nhớ cha. Quá khứ gia đình, những bức ảnh hoen mốc, bóng người cầm đàn trong loang lổ. Quá khứ miền đất phong vân tuyết nguyệt mà hình tiên nữ hát ca, hình vũ công vỗ trống chơi đàn còn lung linh trên mảng chạm đình Hoàng Xá. Và những mảnh gốm vỡ còn găm vài đoạn tường đất sót lại, gợi nhắc những lò gốm thịnh đạt hồi nào... Quá khứ vô hình còn xa, xa nữa, trên mảnh đất có con đường hành hương vào chốn Hương Sơn Phật đài, như vẫn đọng đưa trong mấy người trai tóc gió.

Tôi không nghĩ rằng người nay hiểu hết. Nhưng thấm đượm trong mình những ân nghĩa, những tài tình, những thương yêu, hờn hận, tủi mừng các tháng năm xưa, thì ít nhiều có thể. Và có thể giải nghĩa bằng tích tụ của những câu chuyện kể, những văn sách ta đọc, cảnh trí ta xem trong người nay đứng đi, ăn nói, hát ca, cư xử. Giải nghĩa bằng cái trông thấy, bằng cả những điều có thể chưa lần ra hết trong đời sống, cho và nhận, sinh và diệt trên cuộn chảy muôn màu. Ta ví như huyền bí, ta gọi là tâm linh, ta liên tương đến gen di truyền lâu bền theo giống nòi, ta bao quát bằng cách gọi hai chữ truyền thống để hình dung về sức sống của văn hóa, suốt bao đời trước vọng đến mãi đời sau. Rộng xa và hư, thực, nhưng ta đếm nhặt những chuyển động sống quanh mình, sẽ dần thấy rõ ràng, cụ thể và dung dị lắm! Cũng sẽ dần nên sự gần gũi, thân quen. Quê hương không biết của mình, những cửa nhà không biết của người, ta đến tìm để lắng thấy, cùng ta đi nữa đến về sau.

Nguyễn Quang Hưng