Một con đường, một lối đi
Thực hành kiến trúc ở Việt Nam luôn đối diện những khó khăn và thách thức. Làm sao có thể đưa được sáng tạo vào cuộc sống trong bối cảnh điều kiện kinh tế, đặc điểm “nhà ống” rất đặc thù của đô thị Việt Nam?
Làm sao có thể sử dụng được nhiều vật liệu địa phương hơn trong khi khí hậu nồm ẩm, nhất là miền Bắc. Đó còn chưa kể, các trường phái kiến trúc thì đa dạng, đi theo hướng nào, bỏ lại cái gì luôn đặt ra các thách thức cho mỗi kiến trúc sư (KTS). Nhưng cũng từ những trăn trở ấy, cộng thêm sự khát khao kiến tạo, 11 KTS đang sung sức cùng chụm lại, hình thành nên một cộng đồng nhỏ, có tên WePlay.

1. Họ có những cá tính khác nhau, nhưng có điểm chung là niềm đam mê, mong muốn được cống hiến cho cộng đồng những vẻ đẹp không giới hạn của sự sáng tạo. Điều đáng quý: mỗi người đều đang là thủ lĩnh các văn phòng thiết kế kiến trúc hành nghề tại Hà Nội, như KTS Lê Quang Thạch - Nội thất AVALO, KTS Vương Đạo Hoàng - STUDIO 102, KTS Phạm Thanh Huy - 282 Design Studio, KTS Nhâm Chí Kiên - APDI, KTS Trần Ngọc Linh - Idee Architects, KTS Hồ Mộng Long - HML Architecture, KTS Nguyễn Tuấn Nghĩa - Nghia Architect, KTS Nguyễn Hồng Quang - TOOB Studio, KTS Nguyễn Thái Sơn - SAA, KTS Trần Quang Trung - ACCESS Design Lab, KTS Hoàng Minh Tuệ - Ray Architecture Vietnam. Mỗi người, ít nhiều đã tìm thấy cho mình con đường riêng, nhưng thật may mắn những con đường đó lại có cơ hội giao vào nhau. Ở những khoảnh khắc giao thoa, các KTS đã có cơ hội để hiểu hơn về bản thân, hiểu về nhau và hơn thế nữa là nhìn sâu bên trong chính mình, để mỗi người trưởng thành hơn và “người” hơn.
“Xuyên suốt hành trình chuyên môn, chúng tôi nhận thấy mình có nhiều tâm tư, trăn trở và đường hướng giống nhau. Sự đồng cảm ấy như một “con đường trong tim” mà chúng tôi muốn chia sẻ trong triển lãm lần này. Hy vọng nó sẽ tiếp thêm nhiều động lực để chúng tôi kiên định trên con đường hành nghề sáng tạo nghệ thuật và mang lại sự lan tỏa tới nhiều đồng nghiệp khác”, KTS Lê Quang Thạch- đại diện WePlay chia sẻ.

2. WePlay đã để lại dấu ấn qua triển lãm đầu tiên mang tên “Phù sa” vào tháng 3/2019. Họ đã lấy cảm hứng từ dòng chảy của sông Hồng, với thiết kế mềm, liên tục để làm chủ đề của triển lãm. Nhóm tác giả đã dẫn dắt người tham quan qua những công trình - như những hạt phù sa trong lòng sông - gợi ý về một hành trình sáng tạo, sàng lọc để bồi đắp tri thức và thẩm mỹ kiến trúc của mỗi KTS.
Từ triển lãm đầu tiên đó, WePlay có dự định tổ chức triển lãm thường niên. Mỗi năm dù bận tới đâu, họ cũng sẽ tụ lại, gặp nhau ở một cuộc. Ở đó họ bày ra những sản phẩm thiết kế mới, gợi ra những con đường, hay chí ít là những lối đi nhỏ. Thế nhưng đại dịch Covid-19 ập đến đã khiến năm ngoái WePlay không thể xuất hiện. Gần đây, khi tình hình dịch bệnh tạm yên ắng, 11 KTS trẻ đã quyết định thực hiện một cuộc triển lãm mới.
Lấy tên là “Lộ”, triển lãm diễn ra từ ngày 9/4 đến 15/4 tại 282 Workshop (156 Phú Viên, Long Biên, Hà Nội). Lần này, không đơn thuần là một cuộc triển lãm kiến trúc, WePlay có tham vọng làm một triển lãm nghệ thuật đương đại, ở đó kiến trúc được kết nối và cộng hưởng với nhiều bộ môn, như âm nhạc, hội họa. Cụ thể, bên cạnh việc trưng bày các dự án, tác phẩm thiết kế của các văn phòng, đan xen suốt thời gian tổ chức chương trình là những buổi trình diễn, đêm nhạc của các bộ môn nghệ thuật đương đại khác nhau với sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ tên tuổi như Ngô Hồng Quang, ca sĩ Hà Lê, nghệ sĩ Broadway Jazz Linh An… và các buổi nói chuyện của các KTS tham gia triển lãm và các đối tác tham gia sự kiện lần này. “Lộ” được coi là triển lãm của những sự giao thoa, từ giao thoa trong con đường của các KTS tới sự giao thoa của các loại hình nghệ thuật khác nhau.
Xuất phát cảm hứng giao thoa, công chúng đến với triển lãm được tham gia vào một trải nghiệm thật đặc biệt. Thiết kế triển lãm mang ý nghĩa là con đường - với những lối đi trong bóng tối được sắp đặt tinh tế dẫn dắt người tham quan qua những trưng bày, dẫn lối đến khu Pavilion nơi ánh sáng vỡ òa, và gửi gắm thông điệp về “hành trình” vươn tới những giá trị nghệ thuật trong mỗi người KTS của WePlay. Thông qua trưng bày các sản phẩm, người xem sẽ được xuyên qua những đoạn đường giao nhau hay nhìn thấy những đích đến thật gần nhưng không thể chạm tới, để rồi có thể “choáng ngợp” trước đích đến cuối cùng.

3. Trong khuôn viên 500 m2 và trên một mặt sàn duy nhất, các KTS đã tái tạo không gian, ngăn chia, xếp đặt các lối đi, và mang đến một trải nghiệm mới trong việc trưng bày sản phẩm, thú vị hơn việc chỉ dừng lại ở giới thiệu các sản phẩm nghệ thuật nói chung. Đến với “Lộ”, người xem như bước vào một mini game trong thiết kế lối đi này. Giao thông ở đây vẫn tuân thủ giao thông một chiều nhưng không hoàn toàn 100%. Có những “bẫy” nhỏ khiến khách thăm quan cảm thấy bị đi lạc, nhưng “con đường ánh sáng” sẽ dẫn hướng người xem đi qua hệ thống đường hầm đan chéo để tới đích.
“Con đường ánh sáng” này được thể hiện xuyên suốt tất cả các lối dọc ngang của triển lãm bằng những ô cửa sổ và đều dẫn hướng nhìn thẳng về Pavilion, nơi không gian đột ngột mở rộng và ánh sáng hội tụ, tượng trưng cho một “chân trời” giá trị rộng mở hơn. Từ phía nhóm WePlay, “con đường ánh sáng” mang ý nghĩa là nơi giao thoa, hội tụ trên hành trình sáng tạo và hành nghề của mỗi KTS. Mỗi thành viên đều có một con đường riêng, lúc bổng lúc bay, lúc xiên lúc xẹo như chính những lối đi dọc ngang của khu trưng bày, nhưng sẽ có lúc giao nhau trong suốt con đường dài cuộc sống.
Các tác phẩm trưng bày được khai thác ý tưởng từ các chuyến đi, trong công việc hàng ngày, từ hình ảnh văn phòng cho đến những công trình tâm đắc, mỗi một “đoạn đường” có thể là nơi hội tụ và chia sẻ những công việc chung, những hoạt động chung hay đơn giản chỉ là thú vui chung. Tất cả dường như được ẩn đi để người xem tự khám phá, hoặc có thể tự tìm thấy bản thân mình ở đâu đó trên “con đường”. Cảm xúc, sự chiêm nghiệm của mỗi người xem như được bừng tỉnh ở đoạn cuối của “Lộ”: Pavilion - nơi ánh sáng hội tụ!
4. Như tâm niệm của các thành viên WePlay, mục tiêu của triển lãm lần này hướng tới việc chia sẻ “con đường” hành nghề sáng tạo nghệ thuật của từng thành viên trong nhóm, những trải nghiệm trong quá trình làm nghề, những đồng điệu trong công việc, tư tưởng, triết lý thiết kế và hành trình sống, lối sống đã tạo nên những điểm giao thoa trong hoạt động chuyên môn và nghệ thuật.
Kể từ triển lãm đầu tiên đến nay, mỗi thành viên nhóm WePlay đều đã thay đổi với nhiều định hướng cá nhân, nhưng họ đều có chung nhận thức về vai trò của các bộ môn văn hoá, nghệ thuật đương đại tới quá trình hành nghề và trưởng thành chuyên môn của mình. Chính vì thế, ở lần tái ngộ này, họ mong muốn sẽ không chỉ là triển lãm kiến trúc và trưng bày các tác phẩm đơn thuần, “Lộ” sẽ là một cách “vật chất hóa” những suy ngẫm và một cơ hội giao lưu giữa kiến trúc với các ngành nghệ thuật, văn hóa đương đại khác như âm nhạc, múa, hội họa… Đồng thời, như chia sẻ của KTS Nhâm Trí Kiên, qua triển lãm, WePlay muốn hướng tới không gian sử dụng các vật liệu địa phương, có tính truyền thống nhưng vẫn mang hơi hướng thời đại, tạo ra hình khối hiện đại. Nói cách khác, những vật liệu địa phương có cơ hội được cất lên tiếng nói riêng, trong nhịp sống hiện đại hôm nay.
Nghề kiến trúc cũng như các ngành nghề nghệ thuật khác, nó cần phản ánh tính bản địa, văn hóa truyền thống trong sự kết nối với những giá trị và phong cách. Mỗi thành viên của WePlay đều ý thức được điều đó và đã khai thác tính bản địa trong một thiết kế đương đại, tượng hình. Bên cạnh Pavilion là sân khấu nghệ thuật nơi các nghệ sĩ như Linh An, Hà Lê, Ngô Hồng Quang… trình diễn các bộ môn nghệ thuật đương đại khác nhau.
Điêu khắc gia Vũ Bình Minh là một trong những nghệ sĩ trẻ Việt Nam đương đại có được dấu ấn riêng trên phương diện nghệ thuật tạo hình điêu khắc, đại diện nhóm nghệ sĩ tham gia “Lộ” chia sẻ: “Tôi nhận thấy đây là một triển lãm của nhóm với sự kết nối của những người trẻ đầy hoài bão với những ngành nghệ thuật khác nhau nhưng cùng hướng tới việc đem đến những cảm hứng, sự kết hợp mới trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật. Đó là tinh thần cách tân của thế hệ chúng tôi. Với tôi, đây thực sự là một cuộc chơi của những người trẻ trên hành trình sáng tạo và cống hiến”.