Kênh đào Suez trong dòng chảy thời gian
Ngày 23/3/2021, thế giới giật mình vì siêu tàu Ever Given bất ngờ gặp sự cố: nó chắn ngang kênh đào Suez gây ách tắc cực kỳ nghiêm trọng. Mọi nguồn lực thực hiện chiến dịch giải cứu đều vô vọng, khiến người ta phải trông vào kỳ siêu Mặt Trăng đầu tiên trong năm: Thủy triều dâng cao mỗi khi có trăng tròn hoặc trăng non, xảy ra khi Mặt Trăng, Trái Đất và Mặt Trời thẳng hàng với nhau. Vị trí này giúp tạo ra lực hút lớn hơn đối với Trái Đất, dẫn đến hiện tượng triều cường, xảy ra hai lần mỗi tháng.
Cuộc giải cứu “vô tiền khoáng hậu”
Ever Given, một trong những con tàu hàng lớn nhất thế giới, chắn ngang kênh đào Suez trong bối cảnh diễn ra hiện tượng siêu Mặt Trăng đầu tiên trong năm, khi đợt trăng tròn trùng với thời điểm Mặt Trăng ở gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo. Khi tàu Ever Given bị mắc kẹt đã 6 ngày thì vào ngày 28/3 mới xuất hiện tuần trăng tròn, mực nước dâng cao hơn gần 48 cm so với mức thủy triều bình thường. Chính điều đó đã giúp cho việc kéo con tàu trọng tải gần 224.000 tấn, dài 400 m, khỏi bờ kênh đào Suez trở nên dễ dàng hơn mà không cần dỡ nhiều container xuống.
Ngay lập tức các máy nạo vét vào cuộc làm việc suốt ngày đêm. Khối lượng công việc ước tính phải hoàn thành trong 1 ngày là nạo vét 27.000m3 cát bùn, tạo độ sâu 18m xung quanh con tàu.
Lars Mikael Jensen, lãnh đạo phụ trách mạng lưới đường biển toàn cầu của tập đoàn vận tải Maersk, cho biết hôm 29/3 là ngày đặc biệt quan trọng, khi mực nước bắt đầu đạt đỉnh. Thủy triều có thể mang lại lực nâng cần thiết để đội cứu hộ giải thoát cho Ever Given.
Trước đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi đã yêu cầu Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA) chuẩn bị kế hoạch dự phòng đầy khó khăn là dỡ các container trên Ever Given xuống nếu nỗ lực giải cứu tiếp tục thất bại. “Đó thực sự là phương án cuối cùng” - Nick Sloane, chuyên gia cứu hộ hàng hải, người từng dẫn dắt quá trình giải cứu du thuyền Costa Concordia bị mắc cạn ở ngoài khơi Italy năm 2012 nhận xét.
Vào lúc 2h sáng ngày 29/3 (giờ địa phương), hoạt động giải cứu tàu Ever Given được hỗ trợ thêm bởi Alp Guard - một tàu kéo gắn cờ Hà Lan với sức kéo 285 tấn so với những con tàu chỉ có sức kéo 160 tấn đang vật lộn với siêu tàu. Cho đến 5 giờ sáng cùng ngày, mũi tàu Ever Given được kéo rời khỏi bờ đông của kênh đào Suez, còn đuôi tàu dịch chuyển khoảng 100 m từ bờ phía tây vào bên trong kênh.
Hai tàu kéo được bố trí bên phải của đuôi tàu Ever Given, trong khi các tàu khác đẩy từ phía đối diện. Một số tàu kéo khác từ từ kéo mạn trái phía trước của Ever Given về trung tâm của kênh đào, dần dần đưa mũi “siêu tàu hàng” khỏi bờ kênh. Đây là một cuộc giải cứu “vô tiền khoáng hậu” trên kênh đào Suez, một tuyến vận tải hàng hải đường thủy cực kỳ quan trọng nhưng cũng vô cùng rối rắm do có sự đan xen quyền lợi của rất nhiều bên.
Bài học nào cho thế giới?
Vụ tàu Ever Given bị kẹt ở kênh đào Suez đã để lại một bài học cho thế giới - nói như Washington Post, thì đây là một câu chuyện toàn cầu bởi bản thân kênh đào Suez đã mang trong nó câu chuyện của toàn cầu.
Tàu Ever Given thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản, do một công ty vận tải container (Tập đoàn hàng hải Evergreen) của Đài Loan vận hành, được một công ty Đức quản lý và đăng ký ở Panama. Thủy thủ đoàn mang nhiều quốc tịch, trong đó có 25 công dân Ấn Độ.
Người ta nói rằng, việc siêu tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez cho thấy tính mong manh của nền kinh tế toàn cầu. Theo New York Times, trong nửa thế kỷ qua, công suất trên các tàu hàng đã tăng khoảng 1.500%, tăng số hàng tiêu dùng và hạ giá thành khắp thế giới. Nhưng sự gia tăng quy mô vận tải đã tạo ra những “cổ chai”, khiến cho tai họa có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Các tàu ngày nay lớn hơn so với trước đây. Vì thế việc dẫn các tàu, như Ever Given đi, qua kênh đào Suez đã thực sự là thách thức. Giáo sư Stephen Flynn (Đại học Northeastern, Mỹ) cho rằng “tàu Ever Given mắc kẹt trên kênh đào Suez cũng có nghĩa là thế giới đã mắc kẹt thì loay hoay với những xung đột lợi ích mà không tính đến những sự cố có thể sảy ra”.
Trong bài viết trên tạp chí Time, cựu đô đốc Mỹ James Stavridis đề xuất với những tuyến đường quan trọng (như kênh đào Suez) cần phải có lực lượng quốc tế giúp quản lý, cũng như tiến hành các cuộc diễn tập thường xuyên về đối phó những thảm họa. “Đặc biệt là phảicó các nguồn lực quốc tế giúp đảm bảo chúng vẫn mở cửa trong khủng hoảng”. Vị cự đô đốc này dẫn số liệu từ Công ty dữ liệu hàng hải Lloyd’s List, cho biết việc Ever Given chắn ngang kênh đào Suez đã chặn đứng dòng hàng hóa trị giá khoảng 9,6 tỉ USD giữa châu Á và châu Âu. 420 con tàu đã bị chặn lại trong vòng 6 ngày. Theo Hãng tin Bloomberg, hàng ngàn hợp đồng bảo hiểm đã được lật lại để truy tìm bên chịu trách nhiệm. Dù phần đông cho rằng gió lớn và bão cát là nguyên nhân chính khiến siêu tàu Ever Given mắc cạn, tuy nhiên ông Osama Rabie - một người quản lý kênh đào Suez cho rằng, cuộc điều tra không nên chỉ chú trọng vào yếu tố thời tiết, mà yếu tố con người và kỹ thuật cũng cần phảiđược rà soát.
1 tuần, 9.600 tỷ USD hàng hóa ứ đọng
Trở lại với vụ mắc kẹt của siêu tàu Ever Given trên kênh đào Suez, ngày 23/3/2021, khi di chuyển qua kênh đào Suez, tàu chở hàn Ever Given có sức chứa 20.124 container loại 20ft được cho là đã gặp một sự cố nghiêm trọng trong hệ thống điều khiển, khiến mũi tàu đâm vào bãi cát ở bờ Đông, còn đuôi tàu thì mắc kẹt trong cát sỏi ở bờ Tây.
Con tàu gần như nằm chắn ngang kênh đào ở đoạn dưới hồ Great Bitter. Sự cố này đã làm tắc nghẽn tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới. Hàng trăm con tàu bị kẹt ở Port Said (phía Địa Trung Hải) và hàng trăm tàu khác bị kẹt ở Port Suez (phía Biển Đỏ).
Theo thống kê của của Bloomberg, có tới 453 tàu bị mắc kẹt ở cả hai đầu kênh Suez gồm có:
- 90 tàu chở hàng rời;
- 82 tàu chở hàng container;
- 39 tàu chở hàng hóa đa chủng loại;
- 31 tàu chở hóa chất;
- 27 tàu chở dầu;
- 17 tàu chở ô tô;
- 15 tàu chở động vật (cừu, lợn, dê, bò...);
- 22 tàu chở khí hóa lỏng các loại.
Sáng ngày 29/3/2021, sau nhiều nỗ lực đào cát ở mũi và đuôi tàu, hạ bớt tải trọng và huy động hàng chục tàu kéo vào cuộc, các lực lượng chức năng của Ai Cập với sự hỗ trợ của quốc tế mới khắc phục được sự cố, đưa con tàu trở lại vị trí song song với bờ kênh. Nhưng sau đó vài giờ, con tàu mắc kẹt trở lại do gió đẩy mũi tàu. Tuy nhiên sự cố lần này nhanh chóng được dỡ bỏ.
Ước tính sự cố này đã làm cho hơn 9.600 tỷ USD hàng hóa bị ứ đọng ở hai đầu con kênh suốt 1 tuần, trong đó có hơn 200 tàu chở dầu và khí tự nhiên hóa lỏng với dung tích trên 13 triệu thùng quy đổi, đẩy giá dầu thế giới lên xấp xỉ 70 USD/thùng. Tính toán từ IMF còn cho thấy sự cố làm thiệt hại khoảng 6 tỷ đến 10 tỷ USD/ngày của nền kinh tế toàn cầu.
Giáo sư Stephen Flynn (Đại học Northeastern) đánh giá: “Mức độ gián đoạn do Ever Given gây ra cứ tự nhân lên sau mỗi 24 giờ, nên sự gián đoạn trong vòng một tuần với quy mô lớn cỡ này sẽ tiếp tục có tác động dữ dội. Sẽ phải mất ít nhất 60 ngày trước khi mọi thứ được giải quyết và tình hình trở lại bình thường đôi chút”.
Còn theo Tiến sĩ Rory Hopcraft (Nhóm nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Plymouth, Anh) thì những vụ tắc nghẽn kiểu này sẽ còn diễn ra. Do tối đa hóa lợi nhuận, các hãng vận tải ngày càng sử dụng những con tàu khổng lồ, nhưng kênh đào Suez và các thủy lộ hiểm yếu khác lại không kịp khơi sâu và mở rộng dòng chảy.
Đây không phải là lần đầu tiên kênh đào Suez bị tắc nghẽn. Trong cuộc Chiến tranh Sinai (1956) giữa Ai Cập, có sự hỗ trợ của Anh, Pháp với Israel, kênh Suez đã bị đóng cửa gần 5 tháng. Năm 1967, Chiến tranh Israel - Liên minh A Rập bùng nổ. Israel đánh chiếm toàn bộ bán đảo Sinai tới bờ Đông kênh Suez. Con kênh này đã bị Ai Cập phong tỏa suốt 8 năm bằng thủy lôi và các con tàu cũ bị đánh đắm ở hai đầu con kênh đã làm cho 14 tàu hàng treo cờ Đức, Thụy Điển, Pháp, Anh, Mỹ, Ba Lan, Bulgaria và Tiệp Khắc bị mắc kẹt tại đây suốt 8 năm. Năm 1973 Israel thất bại trong cuộc chiến Yom Kippur và đến năm 1975, phải trả lại bán đảo Sinai cho Ai Cập. Kênh Suez mới được Chính phủ Ai Cập tái khai thông.
Kênh đào Suez trong dòng chảy thời gian
Con kênh đào cực kỳ nổi tiếng nhưng cũng không phải ai cũng biết được những “bí mật” của nó. Kênh đào Suez nối liền thế giới giữa phương Đông và phương Tây như ngày hôm nay, khởi nguồn lại chỉ là một trong số những tuyến đường thủy nhân tạo và tự nhiên từng len lỏi ở Ai Cập. Có lẽ ý tưởng có một con kênh kết nối đã bắt đầu từ thời Pharaoh Senusret III (vị vua trị vì Ai Cập từ 1878 trước Công nguyên đến 1839 trước Công nguyên trong thời kỳ hùng cường và thịnh vượng), khi ra lệnh đào một tuyến kênh đầu tiên nối Biển Đỏ với sông Nile.
Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng, kênh đào Suez chỉ bắt đầu vào năm 1798, sau khi chinh phục Ai Cập, Napoléon Bonaparte đã cử một đội khảo sát để điều tra tính khả thi của việc cắt đứt doi đất thuộc vùng Suez và tiến hành xây dựng một con kênh nối từ Biển Đỏ đến Địa Trung Hải. Nhưng ít nhất là sau 4 chuyến thám thính và tiền trạm thực tế, công việc đã không được tiến hành. Cho đến năm 1847, một nhóm các nhà nghiên cứu Hà Lan lại đưa ra những dữ kiện mới, từ đó một kế hoạch xây dựng kênh đào Suez mới chính thức bắt đầu, vào năm 1854, thông qua thương thảo giữa nhà ngoại giao người Pháp tên là Ferdinand de Lesseps với Phó vương Ai Cập, để thành lập Công ty Kênh đào Suez. Lúc bấy giờ, Đại sứ Anh tại Pháp cho rằng, xây dựng kênh đào Suez không khác gì “hành động tự sát”.
Bắt đầu từ cuối năm 1861, hàng chục nghìn nông dân Ai Cập đã sử dụng cuốc và xẻng để đào những đoạn kênh đầu tiên. Sau đó, nhà thầu khoán Pháp Lesseps và Công ty Kênh đào Suez sử dụng hàng trăm chiếc tàu cuốc chạy bằng hơi nước và than đá để đào kênh. Trong số 75 triệu mét khối cát cuối cùng được di chuyển lúc mở tuyến kênh chính, có khoảng 3/4 khối lượng công việc được xử lý bằng máy móc hạng nặng.
Khi kênh đào Suez gần hoàn thành vào năm 1869, nhà điêu khắc người Pháp Frédéric-Auguste Bartholdi đã cố gắng thuyết phục ông Ferdinand de Lesseps và chính phủ Ai Cập cho phép dựng một tác phẩm điêu khắc có tên “Ai Cập mang ánh sáng đến châu Á” qua lối vào Địa Trung Hải. Tác phẩm là một người phụ nữ mặc áo choàng nông dân Ai Cập và cầm một ngọn đuốc lớn, được coi là đã đóng vai trò như một ngọn hải đăng để dẫn lối cho tàu bè vào kênh.
Vì nhiều lý do dự án này không bao giờ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, điêu khắc gia Bartholdi vẫn tiếp tục theo đuổi ý tưởng của mình, và cuối cùng vào năm 1886 ông đã công bố một phiên bản điêu khắc bằng đồng hoàn chỉnh tại Cảng New York (Mỹ) ngày nay. Bức tượng theo phong cách tân cổ điển cao 90 mét, khánh thành vào ngày 28/10/1886, được coi là món quà của người Pháp tặng nước Mỹ. Đó chính là bức tượng với tên gọi Nữ thần Tự do.
Chủ sở hữu hiện tại của kênh đào Suez là Công ty Kênh đào Suez (Compagnie Universelle du Canal Maritime de Suez). Kênh đào này bắt đầu xây dựng vào ngày 25/9/1859 và hoàn thành vào ngày 17/11/1869. Điểm đầu của kênh đào Suez là Port Said, điểm cuối là Port Tewfik, Suez. Kênh đào Suez là kênh giao thông nhân tạo nằm trên lãnh thổ Ai Cập, chạy theo hướng Bắc - Nam, ngang qua eo Suez tại phía Đông Bắc Ai Cập, nối Địa Trung Hải với Vịnh Suez, một nhánh của Biển Đỏ. Khi hoàn thành, kênh đào Suez dài 193,30 km, khúc hẹp nhất là 60 m, và độ sâu tại đó là 24 m đủ khả năng cho tàu lớn 250.000 tấn qua được. Tuyến đường dài 164 km này đã thay đổi vĩnh viễn lịch sử vận tải đường biển quốc tế, giúp tàu thuyền không phải đi qua mũi phía nam châu Phi, rút ngắn 6.000 km.
Nói một cách dễ hiểu thì kênh đào Suez cung cấp một lối đi tắt cho những con tàu đi qua cảng châu Âu - châu Mỹ đến những cảng phía nam châu Á, cảng phía đông châu Phi và châu Đại Dương. Kể từ khi khai thông, nó đã ngay lập tức ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến ngành vận tải toàn cầu khi nó cho phép hàng hoá đi vòng quanh thế giới trong một thời gian kỷ lục.
Đây cũng là tuyến vận tải đường thủy có nhiều tranh chấp nhất thế giới. Để tránh xung đột, ngay từ năm 1888, tại một hội nghị ở Constantinopolis, những người chủ trì đã tuyên bố kênh đào Suez là khu vực trung lập và yêu cầu quân đội Anh bảo vệ kênh đào trong suốt cuộc nội chiến ở Ai Cập. Cũng kể từ đó, cho tới năm 1936, dựa vào một hiệp ước với Ai Cập, người Anh đã đòi quyền kiểm soát kênh đào. Tới năm 1954, Ai Cập mới phủ nhận được hiệp ước 1936 và người Anh buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát con kênh này.
Tuy nhiên, sau đó xung đột liên tiếp xảy ra, có sự góp mặt của Liên Xô (cũ), Mỹ, Anh, Pháp và Israel. Ngày 29/10/1956, Israel tấn công bán đảo Sinai và dải Gaza để trả đũa. Năm 1957, Liên hợp quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây để bảo đảm tính trung lập của kênh. Trong giai đoạn 1967 đến 1975, kênh đào Suez từng bị đóng cửa trong cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel. Cho đến lúc này, gần 15% các luồng hàng viễn dương và trên 20% các luồng hàng vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ thế giới đã được vận chuyển qua kênh đào Suez.