Chứng khoán lên nhanh xuống cũng nhanh
Thị trường chứng khoán đang đối mặt với rủi ro khi bước vào nhịp giảm điểm ngắn hạn. Tâm lý nhà đầu tư có phần lo lắng, kéo theo hiện trạng bán tháo.
Tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng
Dù không có thông tin tiêu cực nào đến từ chính sách hoạch định nhưng thị trường chứng khoán ngày 23/4 tiếp tục chứng kiến sự rung lắc mạnh. Xu hướng bán mạnh áp đảo khiến hàng trăm mã chìm trong sắc đỏ. Có thời điểm chỉ số VN-Index bị kéo tụt xuống dưới mốc 1.220 điểm.
Tổng kết thị trường phiên giao dịch sáng 23/4, sàn HOSE có 119 mã tăng và 285 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 5,11 điểm (-0,42%) xuống 1.222,71 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 434 triệu đơn vị, giá trị 11.693 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,59 triệu đơn vị, giá trị 632,59 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với các mã BID, TCB, TPB, STB tăng nhẹ, còn CTG, MBB, STB, VPB tăng hơn 1%.
Trong khi đó các mã như GAS, BVH, MSN, PLX, VHM, VNM giảm nhẹ.
Còn tại sàn HNX, diện bán phủ rộng khiến các mã giảm điểm rất nhiều. Chốt phiên sáng, sàn HNX chỉ có 51 mã tăng và có tới 117 mã giảm, HNX-Index giảm 8,09 điểm (-2,82%), xuống 278,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 88 triệu đơn vị, giá trị 1.516,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chỉ hơn 4 tỷ đồng.
Ngay cả như các mã lớn cũng không cưỡng được đà giảm, chẳng hạn THD giảm 5,6% xuống 185.000 đồng/CP, BAB giảm 1,1% xuống 26.600 đồng/CP, SHB giảm 5,4% xuống 26.200 đồng/CP, NVB giảm 2,3% xuống 16.900 đồng/CP, VIF giảm 2,4% xuống 16.400 đồng/CP…
Trước đó vào ngày 22/6, thị trường chứng khoán đã có một ngày mất điểm rất mạnh ( 40 điểm), mạnh nhất trong quãng thời gian 2 tháng trở lại đây. Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường với 365 mã đỏ Khắp các nhóm ngành đều ghi nhận một phiên giảm mạnh. Ảnh hưởng nặng nề nhất là những nhóm ngành thị trường như chứng khoán, bất động sản và dầu khí.
Đà giảm của thị trường chứng khoán cũng đã được các công ty chứng khoán dự liệu. Chẳng hạn công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, thị trường có khả năng tiếp tục chịu quán tính giảm điểm.
Nhiều phân tích chỉ ra, thị trường chứng khoán tháng 4 lên nhanh thì giảm cũng nhanh. Ngày đầu tiên tháng 4, thị trường đã công phá thành công ngưỡng tâm lý 1.200 điểm thì theo quy luật, phải có thời điểm để cân bằng.
FO liệu có cân được tất cả?
Thời gian qua, một dòng tiền lớn đã chảy vào thị trường chứng khoán. Nguyên nhân được tìm ra là do tiền nhàn rỗi dư thừa khá lớn trong nền kinh tế, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng xuống thấp, đồng VND lên giá làm thu hẹp các cơ hội đầu tư truyền thống khác (tiền gửi, mua ngoại tệ, đầu cơ đất, v.v…);
Đáng quan trọng hơn là niềm tin vào các nền tảng vĩ mô và tiềm năng tăng trưởng kinh tế của nước ta được củng cố. Hai nguyên nhân này đã thúc đẩy dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán, làm tăng số lượng nhà đầu tư mới, tăng tính thanh khoản của thị trường và quy mô giao dịch. Tuy nhiên có điểm đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường tài chính - tiền tệ toàn cầu biến động mạnh trong năm 2020, nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh bán ròng trên hầu hết các thị trường mới nổi. Sau nhiều năm mua ròng trên TTCK Việt Nam. Sang năm 2021, chỉ tính riêng quý 1/2021, khối ngoại đã bán ròng hơn 14.000 tỷ đồng trên HoSE.
Rồi chẳng hạn như ngày 22/4, dòng vốn ngoại giao dịch vẫn khá tiêu cực khi mua vào 40,7 triệu cổ phiếu, trị giá 2.353 tỷ đồng, trong khi bán ra 60,3 triệu cổ phiếu, trị giá 2.469 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 19,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 115,7 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng phên thứ 6 liên tiếp với giá trị giảm 80% so với phiên trước và ở mức 108 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng 18,8 triệu cổ phiếu. Tính chung cả 6 phiên giao dịch vừa qua, dòng vốn này bán ròng tổng cộng 3.800 tỷ đồng.
Nhưng đáng ghi nhận, khi thị trường có sự bán ròng của nhà đầu tư ngoại thì các nhà đầu tư mới, hay còn gọi là FO đã “ cân “ lại tất cả. Tính ra số dư tiền gửi của khách hàng tại các CTCK vào khoảng 65.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với thời điểm đầu năm và đây là con số kỷ lục trong lịch sử. Nói dân dã hơn, dù thị trường thiếu vắng dòng tiền ngoại, thì dòng tiền từ các nhà đầu tư “F0” đã bù đắp, đẩy thanh khoản thị trường liên tiếp lập kỷ lục mới. Trong quý 1/2021, giá trị khớp lệnh bình quân sàn HoSE đạt 14.083 tỷ đồng/phiên, tăng 62% so với quý trước và gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2020, qua đó xác lập kỷ lục mới về thanh khoản thị trường.
Trong khi đó theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tại lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, ước đến ngày 31/3/2021, dư nợ lĩnh vực này khoảng 45.326 tỷ đồng, giảm khoảng 1% so với cuối năm 2020. Trong đó dư nợ lĩnh vực chứng khoán ngắn hạn chiếm tỷ trọng chủ yếu (96,21%). Theo nhóm TCTD, dư nợ chứng khoán tập trung chủ yếu ở nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước (chiếm 43,47%), nhóm ngân hàng TMCP khác (chiếm 48,42%).
Cụ thể, dư nợ chứng khoán tập trung ở một số TCTD sau: Ngân hàng Vietcombank chiếm 25,75% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống; Ngân hàng BIDV chiếm 13,47% tổng dư nợ chứng khoán toàn hệ thống, Techcombank chiếm 12,46%; TPBank chiếm 8,91%; VIB chiếm 5,25%; Vietinbank chiếm 4,25%, MSB chiếm 4,16%...