Vì sao nhiều lao động bỏ chế độ hưu trí
"Chiếc xe máy cho em gái đi thực tập quan trọng hơn", Ly nói về lý do chọn nhận 26 triệu bảo hiểm xã hội một lần khi không thể xoay ra tiền.
Gần 7h sáng 22/4, chị Nguyễn Thị Ly có mặt trong trụ sở Bảo hiểm xã hội quận 12 (TP HCM) làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần. Nối vào dòng người chờ bốc số rồng rắn từ cầu thang tòa nhà đến vỉa hè ngoài phố, Ly nhẩm tính phải hơn 200 người.
Gần trưa, cô gái 24 tuổi cũng được gọi tên. Nhân viên bảo hiểm liếc hồ sơ, nói còn thiếu giấy tờ. Ly quay về phòng trọ cách hơn chục cây số và xác định sẽ mất thêm một buổi chiều. Sau 9 tiếng đồng hồ, cô rời cơ quan bảo hiểm với thông tin số tiền dự kiến được nhận gần 26 triệu đồng.
Ly, công nhân may thời vụ vừa nghỉ việc nằm trong số hơn 226.500 lao động cả nước rút BHXH một lần, tính từ đầu năm 2021. Trong vòng 5 năm từ thời điểm Luật BHXH 2014 có hiệu lực, hơn 3,7 triệu người đã chọn hưởng chính sách này thay vì chờ lương hưu.
Ly có 2 năm 8 tháng tham gia BHXH khi làm việc tại Công ty TNHH Thời trang Xoài, quận 12. Công việc thời vụ cho Ly thu nhập gần 5 triệu mỗi tháng. "Trả tiền trọ, ăn uống, xăng xe đi lại, không có dư", Ly xòe bàn tay, liệt kê các khoản chi tiêu.
Đầu năm 2021, cô trở lại Sài Gòn tìm việc, phụ ba mẹ nuôi hai em ăn học sau một năm nghỉ việc về quê nhà ở Huế tránh Covid-19. Nhưng dư âm của làn sóng cắt giảm việc làm trong đại dịch khiến cô chưa thể trở lại nhà máy. Cuối tháng trước, em gái đang là sinh viên năm ba xin chị một chiếc xe máy để đi lại trong kỳ thực tập. Bố mẹ ở quê làm nông không có tiền, không biết vay mượn ai, Ly quyết định rút BHXH một lần để lấy tiền mua xe cho em.
"Chiếc xe máy cho em gái quan trọng hơn", Ly nói mình là chị cả, phải có trách nhiệm với các em. Ba năm đi công ty, cô gái chưa từng nghĩ đến lương hưu, tới đâu hay đó.
Ngồi sau Ly hai hàng ghế, thai phụ Nguyễn Thị Kim Loan, 34 tuổi, cầm xấp giấy tờ quạt phành phạch, cố xua cái nóng đang phả vào người. Chị Loan có hơn 3 năm đóng BHXH khi làm công nhân may ở Bình Thuận. Đầu năm 2020, Loan nghỉ việc ở quê nhà, đưa con trai 6 tuổi vào Sài Gòn đoàn tụ với chồng. Chi tiêu một nhà ba người trông hết vào thu nhập 7 triệu của người chồng. Đại dịch ập đến khiến Loan không thể tìm được việc làm mới. Đúng lúc này, chị có bầu em bé thứ hai. Để chuẩn bị cho ngày dự sinh vào tháng 6 tới, Loan chợt nhớ khoản tiền "một cục" đang nằm ở cơ quan BHXH và quyết định rút về.
Loan bỏ qua những lời giải thích của nhân viên BHXH về hệ quả khi nhận khoản tiền một lần, như không có lương hưu, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi về già. Thai phụ đáp lại "tuổi già, lương hưu còn lâu mới đến, hiện tại con cái quan trọng nhất". Chị nhất quyết rút số tiền gần 30 triệu đồng về.
Cách các nữ công nhân miền Nam hơn 1.700 km, chị Nguyễn Thị Hà (Đống Đa, Hà Nội) quyết định nghỉ việc từ giữa năm 2018, sau gần mười năm làm công nhân môi trường. Người phụ nữ 38 tuổi kể quá chán khi công ty liên tục chậm lương, nợ lương, ba tháng mới trả một lần. Đồng nghiệp của Hà lần lượt nghỉ, xoay sang chạy chợ, bán hàng hoặc làm việc tự do. Một thập kỷ chuyên làm sạch đường phố thủ đô, thu nhập của Hà tăng từ 1,7 triệu hồi mới vào lên 5 triệu lúc nhận quyết định thôi việc.
Hà kể lúc ấy, chị hay mất ngủ mỗi lần đứa con gái đầu lòng ôn thi vào lớp 10 xin tiền học thêm 2,5 triệu đồng đóng liền một quý. Hà xoay đủ cách, nghĩ đến những người có thể vay mượn, từ tổ trưởng, đồng nghiệp đến ông bà nội ngoại hai bên. Có tháng nhận lương, chị xòe ra đếm còn vỏn vẹn 420.000 đồng sau khi trừ khoản đã tạm ứng. Tiền học của ba đứa con, cùng người chồng hay đau ốm chỉ có thể phụ vợ việc nhà, tiền đi chợ, tiền điện nước, ma chay, cưới hỏi... vắt kiệt sức lực của nữ công nhân. Hà cuối cùng quyết định "hy sinh đời bố, củng cố đời con", chọn nhận BHXH một lần.
"Chẳng biết nên buồn hay nên vui", chị nhớ lại lúc cầm trên tay 63 triệu đồng được buộc thành một cọc lớn bằng dây thun. Số tiền tích lũy của 9 năm 9 tháng đóng BHXH. Hôm ấy, chị đang đi dọn nhà thuê bên Thanh Xuân thì nhận được điện thoại bên bưu điện gọi lên lĩnh "tiền một cục". Đường từ bưu điện về nhà chỉ hơn 500 mét, chị ôm khư khư cái túi trong lòng.
Khoản tiền Hà để dành đóng học dần cho con, thi thoảng cấu véo một tí khi có việc khẩn. Số tiền cứu sinh cho cả nhà 5 người khi Hà Nội bùng dịch, cả nước cách ly xã hội hồi tháng 4/2020. Hai tháng liên tục không có người thuê dọn nhà, Hà không kiếm nổi một đồng.
Lý giải về "làn sóng" lao động chọn nhận BHXH một lần thay vì chờ tới tuổi để nhận lương hưu, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn lao động TP HCM, cho rằng công nhân trẻ ngày càng mắc nhiều bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa chất dinh dưỡng. Nguyên nhân một phần đến từ các bữa ăn không đảm bảo. Khi không đủ sức khỏe để làm việc, họ rời nhà máy và nghĩ rằng sẽ không tham gia BHXH nữa nên chọn "rút một cục".
Dù lương tối thiểu vùng tăng mỗi năm, song thu nhập của đại đa số công nhân chưa đảm bảo được cuộc sống. Họ không có tiền tích lũy nên khi xảy ra sự cố như ốm đau, xây sửa nhà, mất việc vì Covid-19, họ phải tìm nguồn tài chính để bù đắp. Trong khi công nhân mất việc gần như không tiếp cận được các gói vay lãi suất tốt nên sẽ trông vào tiền BHXH một lần. Chính sách thụ hưởng BHXH đang thiếu tính linh hoạt, thời gian đóng, hưởng chưa hợp lý khiến lao động mất việc thấy quá lâu để chờ nhận lương hưu.
"Ai cũng biết lương hưu quan trọng, nhưng trước mắt cần giải quyết bài toán công nhân sẽ sống như thế nào tới khi hưởng lương hưu", ông Đô nói.
Vị này đề xuất cần có các gói vay ưu đãi, lãi suất thấp, chính sách trợ vốn cho công nhân tự tạo việc làm khi thất nghiệp. Về lâu dài, tiền lương công nhân ngoài đảm bảo cuộc sống còn phải có tích lũy. Chính sách BHXH cần linh hoạt hơn để lao động dễ tiếp cận, có sự tin tưởng.
Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), nhận định, rất nhiều công nhân coi sổ bảo hiểm xã hội là tài sản có giá trị lớn và duy nhất. Ông đề xuất, pháp luật nên xem xét thừa nhận đó như một tài sản giống sổ đỏ nhà đất để họ có thể thế chấp được khi cấp bách. Nhà nước có thể chủ trì để ngân hàng chính sách xã hội thí điểm một vài sản phẩm vay giải quyết khó khăn để công nhân lựa chọn. Việc này giúp công nhân có tiền để giải quyết khó khăn trước mắt mà vẫn bảo lưu được thời gian đóng BHXH, không rời lưới an sinh. "Dù quy định hiện hành không cho phép mang sổ đi cầm cố, nhưng những hoạt động mua bán vẫn diễn ra", ông nói.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo rút BHXH một lần trở thành "Thực trạng đáng lo ngại ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi người lao động và tác động đến an sinh của Nhà nước". Sáu năm qua, hai lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, các nhà làm chính sách đều muốn hạn chế điều kiện nhận BHXH một lần. Song quy định tại Điều 60 hồi năm 2015 đã không thể thực hiện khi vấp phải sự phản ứng dữ dội của công nhân phía Nam. Trong dự thảo tờ trình đề nghị sửa đổi Luật BHXH đang lấy ý kiến đến ngày 16/6, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội tiếp tục đề xuất siết điều kiện hưởng chính sách này.
Trong khi chờ quyết sách, giai đoạn 2016-2020 "cứ hai người tham gia vào hệ thống BHXH thì một người lại rời đi. Xu hướng này tiếp tục gia tăng", Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê.
Hà không quan tâm nhiều đến thay đổi chính sách. Chị xác định không đóng tiếp BHXH khi đã gần 40 tuổi và rất khó xin việc làm mới. Mối bận tâm duy nhất của chị bây giờ là "nhận được nhiều việc, mỗi tháng kiếm gần chục triệu đồng nuôi chồng con".
Cuốn sổ bảo hiểm màu xanh lá để trong tủ gần ba năm, chị chưa từng giở ra xem lại một lần.