Những ngôi nhà kỳ dị

Nguyên Khánh 25/04/2021 09:25

Dù có rất nhiều quy định để không tái diễn tình trạng những ngôi nhà có hình thù kỳ quái trên nhiều tuyến phố, nhưng bất chấp mọi quy định, nó vẫn tồn tại thách thức mọi quy định.

Được biết, Hà Nội quy định đối với những trường hợp diện tích nhỏ hơn 15m2, có một cạnh nhỏ hơn 3m sẽ không được phép xây dựng, phải tiến hành hợp thửa, hợp khối. Trong trường hợp không hợp thửa, hợp khối thành công, chính quyền địa phương cấp quận/huyện sẽ tiến hành thu hồi để xây dựng công trình công cộng như vườn hoa, bảng tin…

Về sự tồn tại của những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, nhất là Thanh tra xây dựng. Lực lượng này được tổ chức từ quận/huyện đến phường/xã, không thể nói “không biết để xử lý kịp thời”.

Nhà siêu mỏng, siêu méo nhìn rất tức mắt nhưng nó đã và đang trở thành chuyện thường trên nhiều tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đáng nói là công cuộc “thanh toán” loại nhà này cứ như chuyện bắt cóc bỏ đĩa.

Nhức mắt những ngôi nhà “đặc biệt” trên phố

Tại các quận nội đô, tình trạng đường mở đến đâu, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện ở đó, bất chấp các quy định không còn là chuyện hiếm ở Hà Nội. Hình ảnh những căn nhà có hình thù kỳ dị đu bám mặt tiền các tuyến đường to rộng không chỉ làm bộ mặt đô thị lem nhem, xấu xí mà còn như một thách thức đối với công tác quy hoạch Thủ đô.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đi dọc các tuyến đường đã và đang được mở rộng như: Vành đai 3, đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng), đường Võ Chí Công, đường Vành đai 1, đoạn Xã Đàn - Ô Chợ Dừa, đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Vĩnh Tuy, Đào Tấn, Thanh Nhàn… không khó để bắt gặp những ngôi nhà có hình thù kỳ dị như hình thang, đa giác, tam giác… Những ngôi nhà này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn nguy hiểm cho người sử dụng. Điển hình là ngôi nhà tại số 630 đường Trường Chinh, trong khi bức tường tầng 1 chỉ bằng cái cột nhà, diện tích mặt bằng cả mảnh đất chỉ khoảng 4m2 nhưng chủ công trình đã chồng lên 4 tầng và cơi nới khoảng không, thách thức dư luận.

Ghi nhận trên thực tế tại tuyến Vành đai 2 (đoạn Minh Khai - Đại La - Trường Chinh) đang được giải phóng mặt bằng từ năm 2020 đến nay để làm đường trên cao, những ngôi nhà có hình thù kỳ dị, siêu mỏng, siêu méo, cao 3 - 4 tầng sừng sững xuất hiện dù tuyến đường chưa hoàn thiện. Cụ thể, các nhà hình tam giác tại 145 Đại La, số 2 Đại La (tại ngã tư Đại La - Bạch Mai); 256 Minh Khai; 6/169 Minh Khai; 48 Trường Chinh… Tại đầu ngõ 9, phố Minh Khai, khoảnh đất hình thang khoảng 10m2 đang được chủ nhà khẩn trương xây dựng. Việc xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo không có dấu hiệu dừng lại.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố, số lượng nhà đất không đủ điều kiện xây dựng sau giải phóng mặt bằng là 130 trường hợp, đều phát sinh từ trước năm 2019. Trong đó, các quận, huyện có số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo lớn nhất, gồm: Ba Đình 52 trường hợp; Cầu Giấy 24 trường hợp; Thanh Xuân 6 trường hợp; Đống Đa 12 trường hợp; Tây Hồ 33 trường hợp; Hoàng Mai, Thanh Oai và Bắc Từ Liêm mỗi địa bàn có 1 trường hợp.

Vì sao nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tồn tại?

Dù có rất nhiều quy định để không tái diễn tình trạng những ngôi nhà có hình thù kỳ quái trên nhiều tuyến phố, nhưng bất chấp mọi quy định, nó vẫn tồn tại thách thức mọi quy định.

Trả lời câu hỏi vì sao biết là trái với quy định nhưng người dân vẫn xây nhà trên những đám đất với diện tích nhỏ hẹp như vậy, chị Văn Thị Hồng Thu, một người dân đang sinh sống tại đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) cho biết: “Có phải chúng tôi muốn xây những ngôi nhà mỏng manh, méo mó như thế này đâu mà vì đất còn lại có thế, muốn xây rộng hơn cũng không được. Không xây thì không có chỗ ở phải đi thuê nhà. Thôi thì méo mó có còn hơn không”.

Suy nghĩ trên của chị Thu cũng chính là câu trả lời cho những ngôi nhà méo mó với hình dạng lạ lùng xuất hiện rất nhiều trên tuyến đường Phạm Văn Đồng và Mai Dịch - Cầu Thăng Long sau khi mở đường vành đai 3. Hầu hết những gia đình đang sinh sống ở ven đường đều còn lại diện tích đất rất nhỏ, không đủ để có thể xây dựng lại một ngôi nhà rộng rãi như trước. Về giá đất khi mua bán khó thống nhất. Nhiều trường hợp các hộ xung quanh công trình “siêu mỏng, siêu méo” đã ổn định công trình không có nhu cầu mua hợp thửa; nhiều trường hợp không đủ điều kiện về tài chính để mua đấy là lý do khiến những ngôi nhà kỳ dị này vẫn có cái cớ để mọc lên.

Nói về lý do tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo, một lãnh đạo phường trên địa bàn quận Đống Đa chia sẻ, theo quy định, đối với những trường hợp có diện tích nhỏ hơn 15m2, có một cạnh nhỏ hơn 3m sẽ không được phép xây dựng, phải tiến hành hợp thửa, hợp khối. Trong trường hợp không hợp thửa, hợp khối thành công…, chính quyền địa phương cấp quận, huyện sẽ tiến hành thu hồi để xây dựng công trình công cộng như vườn hoa, bảng tin… Tuy nhiên, đến thời điểm này, số công trình không tiến hành hợp thửa, hợp khối theo yêu cầu bị thu hồi để xây dựng công trình công cộng chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Hầu hết công trình khi đã ra mặt đường, giá đất đều tăng mạnh. Việc thu hồi mảnh đất siêu mỏng, siêu méo nói trên là không hề đơn giản, đặc biệt trong hoàn cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn” - vị lãnh đạo này chia sẻ.

Giải quyết cách nào?

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm, rõ ràng để xảy ra việc xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo trên bất kỳ tuyến đường nào, trước hết trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, chủ yếu là trách nhiệm của Thanh tra xây dựng. Lực lượng này đã được tổ chức từ quận, huyện đến phường, xã, do vậy, không thể nói chuyện “không biết để xử lý kịp thời”.

Đồng quan điểm, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ, cho rằng việc sau giải phóng mặt bằng tại một số tuyến đường xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, hình dáng kỳ dị là lỗi của quản lý xây dựng. Theo lý giải của vị chuyên gia này, ngay khi các đơn vị chức năng lên phương án thu hồi, giải phóng mặt bằng đã có thể xác định được những phần diện tích nhỏ, hẹp. Do vậy, thay vì lấy đúng theo chỉ giới đường đỏ, nên thu hồi luôn những phần đất không đủ diện tích xây dựng để làm vườn hoa, bảng tin… tránh tình trạng “thả gà ra đuổi”. Thậm chí, cần xem xét thu hồi thêm 10 – 15m phía sau chỉ giới đường đỏ để xây dựng những ngôi nhà riêng lẻ có chiều cao theo đúng quy hoạch rồi tiến hành bán đấu giá.

Theo ông Võ, phương thức của Hà Nội hiện nay là mở rộng hạ tầng đến đâu thu hồi đất đến đó, có hộ gia đình mất hoàn toàn đất cho hạ tầng, có hộ còn lại một phần, có hộ trước đây đất ở phía sau nay lại được ra mặt phố. Điều này tạo ra sự bất công và cả sự bất ổn xã hội vì khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo liên quan đến quy hoạch, quyết định thu hồi đất, giá đất, mức bồi thường đang chiếm khoảng 50% số lượng khiếu tố của dân.

Phương thức thu hồi đất mới đưa ra trong đề án của TP Hồ Chí Minh là giải pháp chuyển dịch đất đai khắc phục được mọi nhược điểm hiện tại, lợi ích từ hạ tầng mới được chia sẻ hợp lý giữa Nhà nước và người đang sử dụng đất. Nhà nước không mất ngân sách để giải phóng mặt bằng, người đang sử dụng đất dễ đồng thuận, bảo đảm công bằng xã hội và đường phố được quy hoạch lại, nhà “siêu mỏng, siêu méo” chắc chắn được dẹp bỏ.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Đề án thu hồi đất hai bên đường mới để bán đấu giá của TP Hồ Chí Minh là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Điểm ghi nhận trong Đề án này là tạo ra giá trị đất cao nhất. Vì khi đường đi đến đâu thì bất động sản hai bên đường sẽ tăng giá rất nhiều lần so với đất hiện hữu. Vì vậy, không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, có thể áp dụng Đề án ở nhiều địa phương khác trên cả nước, mà phù hợp nhất có thể kể đến là Hà Nội.

Tuy nhiên, cái hay nhất cũng chính là cái khó nhất khi thực hiện Đề án. Vì thực tế quy trình thu hồi, bồi thường, đấu giá rất khó. Giờ phải giải tỏa bổ sung thêm mấy chục mét làm quỹ đất đấu giá tất nhiên không phải chuyện dễ dàng. Chưa kể, khi thu hồi đất làm đường người dân sẽ dễ dàng ủng hộ còn giải tỏa để lấy đất đấu giá thì người dân đòi hỏi mức bồi thường cao hơn. Hoặc họ sẽ yêu cầu quyền ưu tiên đấu giá để được tái định cư tại chỗ… Do đó, để Đề án thành công cần phải bảo đảm hài hoà giữa lợi ích Nhà nước và lợi ích người dân. Vì mục đích cuối cùng của việc làm đường mới là phục vụ cho dân địa phương tại chỗ.

Theo giới chuyên gia, là khó tìm ra phương án quy hoạch gắn với phân bổ lại đất đai cho những người đang sử dụng đất sao cho đạt được đồng thuận theo đa số. Khi triển khai, cần bảo đảm nguyên tắc quản trị tốt gồm 3 yếu tố: Một là công khai, minh bạch thông tin; hai là tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát và ba là bên quản lý, bên triển khai phải thực hiện trách nhiệm giải trình trước các ý kiến giám sát của các tổ chức công dân.

Nguyên Khánh