Dự án thủy điện suối Choang (Nghệ An): Phải chuyển đổi hơn 8 ha rừng tự nhiên
Đó là yêu cầu của huyện Con Cuông (Nghệ An) đối với chủ đầu tư Dự án Thủy điện Suối Choang tại xã Châu Khê. Khi chưa có quyết định chuyển đổi của cấp có thẩm quyền phải làm tốt công tác bảo vệ rừng trong khu vực dự án.
Giấy phép đầu tư hết hạn
Theo đó, ngày 25/3/2021 vừa qua, Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 231 của UBND huyện Con Cuông đã có Báo cáo số 01/BC-ĐKT231 báo cáo kết quả kiểm tra tại Dự án Thủy điện Suối Choang lên Thường trực Huyện ủy và UBND huyện. Cụ thể, tại Báo cáo số 01/BC-ĐKT231, Đoàn kiểm tra đánh giá về hồ sơ, thủ tục cấp phép, pháp nhân, quy hoạch, môi trường thì cơ bản đầy đủ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn thi công công trình có những tồn tại như Giấy phép đầu tư đã hết hạn từ tháng 8 năm 2020. Quy hoạch chi tiết 1/2000 theo Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 chưa thực hiện xong. Việc vận chuyển vật liệu xây dựng từ ngoài vào công trình có gây bụi, tiếng ồn và gây hư hỏng một số vị trí đường từ trung tâm xã Châu Khê vào đến thủy điện, ảnh hưởng đến dân cư địa phương. Chưa có phương án hoàn trả đường dân sinh từ trung tâm xã Châu Khê đi Khe Bu và phương án tiếp cận nghĩa địa 2 bản Khe Bu, Khe Nà khi nước dâng.
Đặc biệt, hiện trạng rừng trong khu vực dự án còn nhiều việc phải thực hiện. Theo đó, ngoài diện tích đất nông nghiệp, rừng trồng, bãi đá thì có một số diện tích rừng sản xuất hỗn giao nứa gỗ gồm diện tích đất chưa có rừng khoảng 37,4 ha; diện tích đất có rừng khoảng 14,42 ha. Trong đó, rừng tự nhiên khoảng 8,04 ha; diện tích rừng trồng khoảng 6,38 ha, gồm: Rừng trồng sản xuất 4,88 ha; rừng trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp 1,5 ha.
Đến nay, chủ đầu tư đã tiến hành các công tác thu hồi, bồi thường hỗ trợ và tái định cư theo các văn bản đã ban hành. Đến thời điểm hiện tại, đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng khu vực mặt bằng công trình, 90% tài sản hoa màu cây cối và tài sản trên đất và một phần diện tích đất của các hộ dân bản Diềm, Khe Choăng và Châu Định.
“Chúng tôi không né tránh”
Cũng tại Báo cáo nói trên, UBND huyện Con Cuông yêu cầu chủ đầu tư trình cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000 theo đúng quy định của pháp luật để làm cơ sở cho việc đo đạc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; so sánh với quy hoạch 1/5000 để đánh giá môi trường bổ sung đối với những điểm phát sinh thêm.
Lập hồ sơ thiết kế hoàn trả đường dân sinh đoạn qua lòng hồ phù hợp với hướng tuyến, cao độ quy hoạch lòng hồ tỷ lệ 1/2000, trình UBND huyện cho ý kiến thỏa thuận trước khi triển khai xây dựng. Kiểm soát tải trọng xe chở vật liệu, thiết bị thi công nhà máy theo đúng tải trọng quy định trên đoạn đường 6km đã thi công hoàn thành mặt nhựa. Nếu xảy ra hư hỏng do xe quá tải của nhà máy gây ra chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm xây dựng hoàn trả lại tình trạng ban đầu.
Chủ động thực hiện hoàn trả đường dân sinh từ trung tâm xã Châu Khê đi Khe Bu có quy hoạch hướng tuyến phù hợp với quy hoạch lòng hồ, quy hoạch của huyện, đảm bảo lưu thông bền vững, lâu dài. Tích cực thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong và ngoài khu vực dự án theo đúng ĐTM đã được phê duyệt và quy định hiện hành.
Hoàn thành các thủ tục như bảo vệ thân đập, cấp phép xả thải, khai thác nước mặt. Chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Không tác động tới hiện trạng rừng khi chưa có cấp thẩm quyền cho phép...
Sau khi huyện Con Cuông có báo cáo kết quả kiểm tra tại Dự án Thủy điện Suối Choang, qua trao đổi, ông Nguyễn Chính Thành - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện MECO (Chủ đầu tư thủy điện Suối Choang) cho biết: “Chúng tôi khẳng định rằng mình còn nhiều việc phải làm như chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên, hoàn thành phê duyệt tỷ lệ 1/2000, gia hạn giấy phép theo quy định. Những tồn tại nói trên thực ra cũng do đơn vị chậm triển khai, nên chừng ấy thời gian, Nhà nước thay đổi một số quy định, do đó mình phải thay đổi cho phù hợp, đồng thời không né tránh”.