Các trường đại học công bố lộ trình tăng học phí năm học 2021 - 2022
Mới đây, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến hết năm học 2020 - 2021 đã hết hiệu lực. Theo đó, mùa tuyển sinh năm 2021-2022, hầu hết các trường đều tăng học phí so với năm học trước với các mức khác nhau.
Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, bên cạnh việc chọn trường, chọn ngành nghề thì thí sinh cần chọn mức học phí phù hợp. Bởi năm nay, ngoài các trường giữ nguyên học phí như năm trước, một số trường đại học sẽ tăng học phí theo lộ trình bắt đầu từ năm 2021. Đặc biệt, ở các trường đại học top trên năm nay đều chia thành rất nhiều hệ với mức học phí từ khoảng 20 triệu cho tới hơn ba trăm triệu đồng cho khóa học 4 năm.
Top trường Đại học tăng học phí
Theo thông báo của ĐH Ngoại thương, học phí dự kiến với chương trình đại trà là 20 triệu đồng/sinh viên/năm. Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 40 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến dự kiến 60 triệu đồng/năm.
Học viện Ngân hàng công bố mức học phí năm học 2021-2022 sẽ áp dụng theo quy định mới về khung học phí. Học phí các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc học bằng tiếng Anh là 130 triệu đồng/4 năm. Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với Đại học CityU) dao động từ 120-160 triệu đồng/4 năm. Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với Đại học Sinderland, Vương quốc Anh) học phí khoảng 315 triệu đồng bao gồm 3 năm đầu khoảng 175 triệu đồng. Chương trình cử nhân định hướng Nhật Bản cấp bằng đại học chính quy của Học viện Ngân hàng là 108 triệu đồng cho 4 năm học.
Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân cho biết, học phí hệ chính quy chương trình chuẩn năm học 2021-2022 theo ngành học cho khóa 63 (tuyển sinh năm 2021) từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Học phí các chương trình đặc thù từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/năm học. Theo nhà trường, lộ trình tăng học phí không quá 10% hàng năm và không quá trần theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra mức học phí năm 2021 dự kiến cho chương trình đào tạo chuẩn từ 22 - 28 triệu đồng/năm; các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến và chất lượng cao (ELiTECH) từ 40 - 45 triệu đồng/năm.
Các chương trình như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10, IT-E10x); Công nghệ thông tin Việt Pháp (IT-EP, IT-EPx); Logistic và quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x) đều có học phí từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, học phí của chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế từ 45 - 50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế từ 55 - 65 triệu đồng/năm; chương trình hợp tác đào tạo với ĐH Troy khoảng 80 triệu đồng/3 kỳ/năm.
Lãnh đạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, theo lộ trình tăng học phí từ năm 2020 đến 2025, mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.
Tại Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, các ngành có học phí từ 50 - 55 triệu đồng/năm. Riêng ngành Y và Răng - Hàm - Mặt có học phí 182 triệu đồng/năm (chương trình dạy bằng tiếng Anh: 220 triệu đồng/năm).
Năm 2021, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến thu học phí cho ngành Y khoa, Dược học, Răng - Hàm - Mặt là 32 triệu đồng/năm; các ngành Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học, Kỹ thuật Hình ảnh y học, Khúc xạ Nhãn khoa, Y tế Công cộng là 28 triệu đồng/năm. Học phí này chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh được thu theo quy định hiện hành.
Năm ngoái, học phí 70 triệu/năm áp dụng cho ngành Răng - Hàm - Mặt; ngành Y khoa 68 triệu/năm; ngành Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu/năm; Dược học 50 triệu/năm; các ngành còn lại có học phí từ 30 - 40 triệu/năm
Dự kiến Trường ĐH Bách khoa TP HCM sẽ thu học phí hệ chính quy (đại trà) là 25 triệu đồng (gấp đôi hiện tại); năm 2022 là 27,5 triệu đồng; các năm 2023, 2024 và 2025 là 30 triệu đồng. Tầm nhìn đến năm 2030, trường này đề xuất thu đủ mức học phí theo giá dịch vụ đào tạo.
Trường ĐH Kinh tế - Luật dự kiến mức học phí năm 2021 là 20,5 triệu đồng; năm 2022 là 22,6 triệu đồng; năm 2023 là 24,8 triệu đồng; năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 là 30 triệu đồng. Tầm nhìn từ 2026-2030, Trường ĐH Kinh tế - Luật dự kiến mỗi năm điều chỉnh mức thu tăng từ 10-15%.
Học phí có đi kèm với chất lượng?
Có thể nói, vài năm gần đây, một số trường ĐH được cho phép thực hiện tự chủ có mức tăng học phí cao, điển hình như Đại học Y Dược TP HCM có mức tăng gấp khoảng 5 lần, ngành cao nhất lên tới 70 triệu đồng/năm. Do đó, nhiều ý kiến lo ngại việc thực hiện tự chủ ở đại học khiến học phí tại một số trường hiện nay quá cao, gây nhiều khó khăn cho gia đình có con em học đại học.
Theo Bộ GD-ĐT, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ ĐH, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, thực hiện hội nhập quốc tế và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Được biết, Bộ GD&ĐT hiện đang phối hợp với các bộ, ngành, lấy ý kiến các địa phương, các cơ sở giáo dục trên cả nước để hoàn thiện dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Đối với các trường công lập dự thảo lần này, Bộ GD&ĐT gắn mức thu học phí với kết quả kiểm định chất lượng giáo dục - đào tạo trường công lập, nhằm bảo đảm mức thu học phí tương xứng với chất lượng. Dự thảo quy định mức tăng học phí tối đa mỗi năm học không quá 10% đối với giáo dục mầm non, phổ thông và không quá 15% đối với đào tạo đại học (riêng mức thu năm học 2021 - 2022 không được vượt quá mức thu học phí năm học 2020 - 2021).
Dường như phụ huynh học sinh đã làm quen dần với xu hướng tăng học phí của các trường đại học để con em có thể được học trong môi trường đào tạo có chất lượng. Theo đó, trường nào chất lượng đào tạo cao thì học phí đắt và ngược lại, một xu hướng mà các nước trên thế giới vẫn áp dụng, bất kể trường công lập hay dân lập. Những trường tự chủ tài chính và đạt kiểm định chất lượng trong nước hoặc quốc tế được thu học phí tối đa từ 2 - 2,5 lần học phí của các trường chưa tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính, nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng.
Đối với trường công lập đến nay vẫn chưa có kế hoạch tự chủ tài chính hoặc tự chủ tài chính, nhưng chưa đạt kiểm định chất lượng thì thực hiện mức thu học phí không quá một mức trần nhà nước quy định. Các trường ngoài công lập vẫn được tự quyết định mức thu học phí, nhưng phải công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Mặc dù cùng với việc tăng học phí, kỳ tuyển sinh năm nay, các trường tự chủ cũng đã sử dụng nhiều chính sách hỗ trợ học bổng, chính sách học phí, chính sách tín dụng để hỗ trợ cho sinh viên. Ví dụ: Trường ĐH Y Dược TP HCM đã dành 8% học phí hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi, ngoài ra nhà trường cũng có các giải pháp hỗ trợ sinh viên như học bổng cho sinh viên giỏi, miễn giảm học phí cho sinh viên khó khăn. Bên cạnh đó, mặc dù các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ tài chính, có lộ trình tăng học phí nhưng vẫn phải bảo đảm mức học phí trong khung giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo quy định của Chính phủ hoặc phương án tự chủ tài chính phải được cơ quan chủ quản phê duyệt.