Con đường dấu tích và chiến công
Cuối tháng 4 này, tôi chợt thấy mình như được trở lại những năm tháng sôi nổi, vất vả của một đời làm báo khi đi trên con đường miền Trung đầy chiến công và dấu tích của một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta.
Nhánh Tây đường Hồ Chí Minh bắt đầu từ khe Gát Quảng Bình đi qua Khe Sanh - Quảng Trị nhập vào quốc lộ 9 xuôi tiếp về Đắk Rông đến Thạnh Mỹ - Quảng Nam. Đi trên con đường dài 500 km đầy núi non chập chùng, rừng bát ngát xanh thẳm một màu cùng những sông, suối, khe khi ầm ào, khi êm đềm, lúc róc rách vang lên tiếng của nước cùng những đàn bướm trắng bay oà lên từ những lèn đá.
Đọc những biển hiệu bên đường ghi rõ những địa danh đã từng vang lên trong thơ, trong nhạc, trong văn và đã nằm sâu trong kí ức mỗi người trong Đoàn khiến tôi hiểu rằng đoàn chúng tôi đang đi trên con đường mang dấu ấn một giai đoạn lịch sử hào hùng.
Người hướng đạo cho cuộc đi của chúng tôi là kĩ sư - nhạc sĩ Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh trong mười năm 2004 - 2014 và cả trước đó trong vai trò của Phó Tổng Giám đốc của đơn vị này. Vậy là cũng gần 2 thập niên trong đoạn đời chín và sung sức của mình, ông đã dành hết trí tuệ, sức lực, tình cảm và cả cảm hứng nghệ thuật của mình cho con đường mang tên Bác.
Nơi kể đầu tiên là Hang Tám Cô (Quảng Bình) - một di tích về sự hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ của bộ đội và thanh niên xung phong và rẽ phải 16 km là đến động Phong Nha - một hang động kì thú, đẹp nhất thế giới.
Hang Tám Cô là nơi binh trạm chứa đựng đạn dược, lương thực cho các đơn vị hành quân qua đây, cũng là nơi trú ngụ của đơn vị TNXP làm nhiệm vụ giải toả giao thông sau mỗi lần địch bắn phá làm sụt lở núi. Ngày 14/11/1972 máy bay Mỹ đã ném bom làm sập hang, hàng loạt chiến sĩ TNXP và bộ đội bị mắc kẹt trong đó. Nhạc sĩ Phạm Hồng Son còn nói từng được nghe tướng Đồng Sĩ Nguyên - Nguyên Tư lệnh lừng danh của Đoàn Trường Sơn kể rằng: “Nhiều ngày đoàn tiếp cứu đã dòng ống sữa vào trong hang tiếp sức cho anh chị em bị kẹt trong đó”.
Rời “Hang Tám cô” chưa đầy 10 km chúng tôi lại đến Trạ Ang một địa danh được coi là túi bom, đạn giặc Mỹ trút xuống đường Hồ Chí Minh để chặn đường tiến công của quân ta. Và cách Trạ Ang không xa thì hiện tượng “Thắng cảnh du lịch lại gắn liền, đi đôi với di tích chiến tranh” lại xuất hiện. Cách Trạ Ang không xa, khu du lịch Hang Ve, Nước Nút đầy tiềm năng đã bắt đầu được Quảng Bình khai thác.
Cũng trong địa phận Quảng Bình ngay sau Trạ Ang là đến Ca Tang. Nhạc sĩ Phạm Hồng Sơn kể nguyên tên của nơi này là Khe Tang vì đã từng xảy ra sự việc đau lòng. Trong thời kì đánh Mỹ của thế kỉ trước, một đơn vị bộ đội từ rừng sâu ra gặp dòng nước mát ùa xuống rửa mặt, bỗng dưng một dòng nước lũ từ đâu tràn về cuốn phăng đi tất cả. Dân địa phương biết sự việc đau lòng ấy đã gọi nơi đây là Khe Tang, và để bớt đi ẩn ức về một nơi bất hạnh người ta goi chệch nơi đây là Ca Tang.
Đi hơn chục cây số nữa, Đoàn chúng tôi lại đến một địa danh nổi tiếng nữa là núi U Bò thuộc huyện Lệ Thuỷ - Quảng Bình. Giờ đây đã là một đoạn đường khang trang ở cấp độ đường cấp 3 đồng bằng. Đổ xuống núi U Bò là đất của người Vân Kiều, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh. Đi qua đầu xã là một trong 13 ngon thác thượng nguồn sông Long Đại.
Đang mùa mưa rừng, dòng thác Tam Lu đỏ quạch, ở xa mấy cây số vẫn nghe tiếng nước gào thét vang dội. Nhìn mặt đường bê tông phẳng lỳ trườn qua núi U Bò tôi chợt nhớ câu nói của một vị tướng quân sự đã khẳng định. Nếu trong chiến tranh chống Mỹ, ngọn núi này đã có đường để vận chuyển và hành quân thì quân ta đã có thể xốc tới giải phóng Đà Nẵng chứ không cần đi vòng vu hồi giải phóng Buôn Mê Thuột trước.
Từ ngày nhánh Tây nói riêng và cả đường Hồ Chí Minh hoàn thành giai đoạn một vào ngày 30/4/2008, các địa phương có con đường này chạy qua đã thay đổi rất nhiều theo chiều hướng đi lên. Như địa điểm Bốt Đỏ nằm ở ngã ba quốc lộ 49 đi A Lưới Thừa Thiên Huế, nơi trú ngụ của bà con Pa Kô.
Nơi này khi chưa có đường chạy qua chỉ là một xóm núi đìu hiu, quạnh quẽ, giờ đã là một thị trấn sầm uất lấp lánh các cửa hàng, siêu thị nhiều tầng khang trang. Vậy thì Khe Sanh khi chúng tôi chạm đến vào chiều thứ hai trong lộ trình của mình hơi làm những gã bị ấn tượng một thời quá khứ thoáng thất vọng. Khe Sanh, nơi cư trú của bà con Vân Kiều một thời hoang sơ từng vang lên trong ca khúc nổi tiếng của Huy Thục “Tiếng đàn ta lư” giờ đây là một thị xã khang trang.
Mọi sự đã thay đổi. Những Tà Cơn từng xuất hiện trong kịch của Chu Nghi, những đường 9, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cam Lộ, Gio Linh… “Những đồi Động Chí xác Mỹ chất đầy” đâu rồi… May sao giữa sự ồn ào náo nhiệt của một thị xã hiện đại vẫn còn một Bảo tàng đường 9 Khe Sanh giữ khá đủ đầy những gì gợi nhớ cho một chiến công của quân dân ta trong chiến dịch 77 ngày đầu năm Mậu thân gỉải phóng Khe Sanh.
Nghe chàng trai Lê Vũ Sơn thuyết minh tôi càng hiểu vì sao trận đánh Khe Sanh lại làm bất ngờ quân Mỹ đến vậy. Kẻ thù bất ngờ từ việc xe tăng của ta trong tiểu đoàn xe tăng 198 lần đầu tiên bất ngờ xuất hiện đã chọc thủng phòng tuyến làng Vây - một vị trí then chốt trên tuyến phòng thủ của địch đã góp phần quan trọng cho chiến thắng ngày 9/7/1968.
Rồi sự thất bại của hàng rào điện tử McNamara với những cây nhiệt đới, và chiến thuật trực thăng vận với những chiếc máy bay hiện đại nhất vào thời bấy giờ. Và kì thú nhất là địa danh của quả đồi “xác Mỹ chất đầy” - Động Chí lại là mỏm núi nhọn hoắt, xanh lam ngay đằng sau nhà Bảo tàng đang in hình vào hoàng hôn một chiều thanh bình của Quảng Trị vui tươi đang trong thế chuyển mình đi lên.
Qua Khe Sanh huyền thoại Đoàn chúng tôi xuôi qua địa danh Đăk Rông từng vang lên trong ca khúc “Xuân về trên Đăk rông” để rẽ về A Lưới rồi đến ngã ba nối Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây, một nhành đi Khâm Đức một nhánh đi Đà Nẵng, chay một mạch đến cầu Thạnh Mỹ của Quảng Nam.
Tất cả mọi địa điểm này bên cạnh biển địa danh đều gắn biển ghi rõ “Di tích lịch sử quốc gia. Đường ống dẫn xăng dầu. Đường dây thông tin tải ba Bền Giàng - Khâm Đức hay “Đường mòn 559 Trường Sơn…” và bất kì nơi nào cũng không thể thiếu dòng chữ “Trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ trong chiến tranh”…