Viện Nghiên cứu Kinh thành dấu ấn 10 năm tuổi

Hoàng Minh 28/04/2021 11:54

Ngày 28/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (28/4/2011 - 28/4/2021).

Tại buổi lễ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, PGS.TS Bùi Minh Trí đã báo cáo kết quả hoạt động 10 năm của Viện.

Theo báo cáo, trong 10 năm qua, Viện luôn chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao phó và đã có nhiều thành tựu quan trọng.

Nổi bật là thực hiện Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long” và nhiệm vụ “Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) thuộc Đề án “Nghiên cứu Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”.

PGS.TS Bùi Minh Trí báo cáo kết quả hoạt động 10 năm của Viện Nghiên cứu Kinh thành.

Ngoài ra, Viện tổ chức dự án nghiên cứu, khảo cổ học Hành cung Lỗ Giang tại Hưng Hà, tỉnh Thái Bình năm 2014 – 2017, đã cung cấp nhiều tư liệu quý hiếm, độc đáo về nghệ thuật xây dựng kiến trúc thời Trần mà hiện nay chưa thấy ở di tích nào có được.

Hành cung Lỗ Giang được đánh giá là một viên ngọc quý giá vào bậc nhất trong kho tàng di sản văn hóa thời Trần hiện nay.

Cùng với đó, phát hiện di chỉ lò nung vật liệu kiến trúc thời Trần tại Pù Lườn Xe, nằm trong quần thể di tích kiến trúc Phật giáo Hắc Y - Bến Lăn ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, năm 2016, là phát hiện có ý nghĩa khoa học rất to lớn.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam tìm được di tích lò nung vật liệu trang trí mái kiến trúc thời Trần...

Trưng bày di tích, di vật từ khảo cổ học khu di tích Hoàng thành Thăng Long dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.

Phát huy thành tựu của khảo cổ học, Viện đưa những hiện vật vào các dự án thiết kế trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản văn hóa được thể hiện rất ấn tượng ở các dự án như: Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”; Dự án “Trưng bày quảng bá di sản văn hóa thời Đinh - Tiền Lê” tại di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)…

Đánh giá về những kết quả đã đạt được của Viện Nghiên cứu Kinh thành, phát biểu tại lễ kỷ niệm, PGS.TS Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam nhấn mạnh, trong 10 năm qua, Viện đã tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng và đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng, rất đáng tự hào trên hai lĩnh vực lớn, đó là nghiên cứu khoa học và thiết kế trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.

Phim 3D tái hiện Rồng thời Lý lần đầu công chiếu.

PGS.TS Bùi Nhật Quang cũng nhìn nhận, nhiệm vụ giai đoạn tới của Viện Nghiên cứu Kinh thành là rất nặng nề và sẽ còn có rất nhiều khó khăn và thách thức. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam sẽ tiếp túc giao nhiều nhiệm vụ như thực hiện Đề án Óc Eo giai đoạn 2; khai quật, nghiên cứu di tích Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

“Trong giai đoạn năm 2021 – 2025, bên cạnh công tác kiện toàn bộ máy, ổn định cơ cấu tổ chức, Viện Nghiên cứu Kinh thành cần tập trung tổ chức, thực hiện và hoành thành tốt nhiệm vụ của dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long”, phấn đấu kết thúc đúng tiến độ vào năm 2025” PGS.TS Bùi Nhật Quang đề nghị.

Cũng trong lễ kỷ niệm, Viện Nghiên cứu Kinh thành cũng đã giới thiệu bộ phim được phục dựng dưới dạng 3D dựa trên huyền thoại lịch sử và tư liệu khảo cổ học. Đây là lần đầu tiên Rồng thời Lý hiện lên sinh động và rõ nét, thể hiện được giá trị văn hóa của một trong những triều đại huy hoàng trong lịch sử kinh đô Thăng Long xưa.

Tại buổi lễ, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng, vì đã có thành tích trong việc thực hiện Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và Bằng khen của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Hoàng Minh