GS Hoàng Chí Bảo nói về CLB Tình Người: Ngang nhiên truyền bá trái phép, cần phải xử lý
Những gì báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh về CLB Tình Người trong thời gian qua để lại cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Theo tôi, chúng ta phải tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội, của đảng viên, công chức nhà nước. Bài học cần rút ra là phải gắn liền công việc hàng ngày với thực tiễn cơ sở. Tại địa bàn dân cư, tổ chức đoàn thể đã phát hiện ra như thế nào? Đã cảnh báo như thế nào để những người tham gia CLB này cảnh tỉnh?
Nói đây là “thời mạt vận” là sự xúc phạm dân tộc
Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đã có quy chế thực hiện dân chủ cơ sở, năm 2007 có Pháp lệnh về dân chủ ở cơ sở, vậy mà chúng ta thuyết phục dân, vận động dân tránh sai trái của CLB như thế nào?
Còn về trách nhiệm của công chức? Công chức là người của Nhà nước, hoạt động trong các cơ quan công quyền, thay mặt Nhà nước tiếp xúc với công dân. Đảng và Nhà nước ban hành rất nhiều quy định để người dân bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Chúng ta cần phân biệt rõ, tôn giáo tín ngưỡng và mê tín dị đoan.
Một điểm nữa, chúng ta hãy học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Bác Hồ nói công chức được Chính phủ trả lương, lương đó từ lao động của người dân đóng góp. Nếu làm việc không tận lực là lừa bịp nhân dân. Nếu cán bộ đảng viên tham gia vào CLB Tình Người mà hoạt động vào thời gian làm việc thì đã vi phạm kỷ luật lao động.
Thêm nữa, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua đã nhấn mạnh “khát vọng Việt Nam”. Điều đấy không có gì khác hơn là quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để đất nước giàu đẹp, thịnh vượng. Tôi nói điều này để thấy rằng, chúng ta phải tỏ thái độ phẫn nộ, phê phán khi nói rằng đây là “thời mạt vận”. Đó là sự xúc phạm dân tộc. Những ai có ác ý tà tâm mới nói như vậy.
Như Tổng Bí thư nói chưa bao giờ đất nước chúng ta có cơ đồ như ngày hôm nay. Vậy mà giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến xuất hiện ngang nhiên kiểu truyền bá trái phép như vậy thì không thể chấp nhận được. Chúng tôi đang chờ đợi cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này.
Đảng viên tham gia CLB Tình Người phải soi xét lại mình
Tôi theo dõi báo chí, thấy CLB Tình Người còn nói chuyện có vong, vong theo, và phải mang tiền cúng vong. Điều này chỉ lừa được người ít học, cả tin, nó rất xa lạ với văn hóa chúng ta. Những điều xa lạ này hoàn toàn có căn cứ, pháp luật để xử lý.
Ở đây cần phân biệt rõ đối tượng, có những người do cả tin, bản chất không xấu, tâm lý số đông, thấy người ta tham gia thì mình cũng tham gia. Nhưng có những người do bất mãn cá nhân, có ẩn ức trong đời sống riêng rồi trở thành người tiếp tay thì phải biết phân biệt rõ ràng.
Người dân được làm những gì pháp luật không cấm; còn công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Riêng đối với đảng viên, theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, người đảng viên phải là người lao động giỏi, công dân gương mẫu, chiến sĩ tiên phong đổi mới. Đảng viên tham gia CLB thì phải soi xét lại mình. Mỗi đảng viên trước hết là công dân nhưng chịu thêm quy định của Điều lệ của Đảng. Không có ngoại lệ trong việc tôn trọng Hiến pháp, Điều lệ Đảng và phải xuất phát từ lợi ích chung dân tộc, tránh xa điều sai, bất chính.
Đã là đảng viên, công chức Nhà nước phải chấp hành Hiến pháp, Điều lệ của Đảng, làm đầy tớ công bộc của nhân dân. Công chức phải là người thạo chính trị, biết tuyên truyền quảng bá đường lối của Đảng, phải tinh thông nghiệp vụ, để hàng ngày tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân.
Những điều chúng ta thấy là điều đáng tiếc, không thể chấp nhận được. Ngay ở Hà Nội mà tồn tại một CLB như vậy là không chấp nhận được. Phải gióng lên hồi chuông cảnh báo để những ai đi vào con đường này thì tự cảnh tỉnh.
Theo tôi, nếu không sớm có kết luận, giải quyết thích đáng thì sẽ ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội, tới trí thức, văn nghệ sĩ và thế hệ trẻ. Tri thức là người có tiếng nói trong xã hội, thế hệ trẻ có tiềm lực phát triển đất nước. Nếu hai đối tượng này bị lôi kéo sẽ tạo ra hư ảo, lầm đường lạc lối, như vậy rất nguy hiểm cho xã hội. Đất nước phải ổn định, bình yên để phát triển. Những gì xa lạ với đường hướng như vậy chúng ta phải phê phán, xử lý.
Thức tỉnh, cảnh báo, chống tiêu cực là rất cần thiết
Tôi cho rằng, cuộc đấu tranh của Báo Đại Đoàn Kết hiện nay không đơn độc. Ai có lương tri đều ủng hộ.
Về vấn đề CLB Tình Người huy động tiền lên tới hàng chục tỷ đồng trên phạm vi cả nước. Vậy số tiền lớn như vậy có vi phạm pháp luật không? Thậm chí có động cơ chính trị nếu những đồng tiền này không công khai minh bạch?
Gần đây, khi chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói không chỉ chống tham nhũng mà còn chống cả tiêu cực nữa. Đó là thông điệp rất mạnh mẽ.
Những điều xảy ra ở CLB Tình Người là rất tiêu cực, thậm chí tệ nạn nữa. Tôi cho rằng, câu chuyện thức tỉnh, cảnh báo, chống tiêu cực là rất cần thiết.
Còn đảng viên tham gia, cổ suý cho nó thì không thể nói gì hơn là tư tưởng đang lệch lạc. Văn kiện Đảng nói rằng, chúng ta phải chống suy thoái, chống cái xấu, cái ác. Phải rõ ràng, câu chuyện này có trách nhiệm người tham gia xét trên bình diện đạo đức, lối sống của người đảng viên.
Ngoài ra, tôi đề nghị, trong khi chờ đợi có kết luận chính thức, chúng ta phải tiếp tục nuôi dưỡng bầu không khí phê phán để cả xã hội cùng đồng thuận chống lại cái xấu, cái ác này. Khi có kết luận các cơ quan chức năng phải công khai, để cảnh tỉnh, răn đe.
Điểm thứ ba, chúng ta chú trọng phối hợp, phối hợp giữa Mặt trận với các cơ quan báo chí, các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ để ngăn chặn cái xấu, cái ác.
Tôi lấy ví dụ, thầy giáo tham gia (CLB Tình Người) do tiếng nói của họ với học sinh rất uy tín nên nguy hại khôn lường. Những cái xấu độc này ngấm dần, ngấm từ từ vào thế hệ trẻ thì hậu quả khôn lường.
Có thể coi những hoạt động CLB Tình Người, như chúng ta đã biết, là phản văn hoá, phản đạo đức, trái với mục tiêu phát triển của xã hội đến mất ổn định trong xã hội, làm hư hỏng một bộ phận đảng viên.
Từ sự việc có một số cán bộ, công chức, đảng viên tham gia CLB Tình Người, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, chúng ta cần rút ra nhiều bài học. Thứ nhất là bài học chú trọng bài học nhận thức cho đảng viên, công chức và người dân. Nhận thức là bài học muôn thủa và cần chú trọng giáo dục niềm tin khoa học. Thứ hai, cần đề cao tinh thần trách nhiệm và kỷ cương; thực hành dân chủ gắn liền với tăng cường pháp chế và kỷ cương xã hội. Anh không điều chỉnh thì pháp luật điều chỉnh. Tài liệu tuyên truyền là “pháp bảo” thì nhà xuất bản phải trách nhiệm liên đới, ai cho phép, ai cấp phép số lượng lớn thế này. Tài liệu phỉ báng, tại sao lại nói mạt vận, mạt thế ở đây? Điều này phải xử lý. Chúng ta không phức tạp hóa, không cường điệu hóa, tất cả luận điệu như vậy mang ý đồ đen tối phá hoại cuộc sống.