Vùng đất trời cho
Trọng điểm là phát triển di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An, song song với đó, Ninh Bình sẽ tổ chức kết nối, lan tỏa những khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh nhằm khơi dậy, phát huy những giá trị đặc sắc, độc đáo riêng có của vùng đất cố đô. Trên cơ sở bề dày truyền thống lịch sử, giá trị của các khu, điểm du lịch sẽ tạo động lực tổng thể để Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc và đa dạng…
Tổ chức được nhiều loại hình du lịch
Nằm cách thủ đô Hà Nội hơn 90 km về phía Nam, Ninh Bình được coi như “miền Bắc Việt Nam thu nhỏ”. Vùng đất trời cho này được thiên nhiên ưu đãi, quy tụ ba loại địa hình: Đồi núi và bán sơn địa, đồng bằng ven biển, vùng chiêm trũng. Nhờ vậy, nơi đây có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, là môi trường sinh sống tốt của các loài động vật, thực vật trong đó có nhiều loại quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Có thể kể đến bốn khu rừng lớn ở Ninh Bình gồm: Cúc Phương, Vân Long, Hoa Lư và Kim Sơn, cùng với đó là các khu dự trữ sinh quyển quý báu của thế giới.
Đến với Ninh Bình, du khách có thể tham quan khám phá những di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới như Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động hay cố đô Hoa Lư. Ngoài ra, Ninh Bình cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa với 1.821 di tích, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng như: Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ Vua Lê Đại Hành, đền Thái Vi, nhà thờ đá Phát Diệm…
Bên cạnh những di tích lịch sử, văn hóa, Ninh Bình còn là vùng quê chứa đựng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng với 225 lễ hội truyền thống, trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Lễ hội Hoa Lư, Lễ hội Tràng An, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội chùa Bích Động, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Báo bản Nộn Khê, Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ…
Nơi đây cũng là đất tổ của nghệ thuật hát xẩm, hát chèo và nhiều làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Làng nghề thêu Văn Lâm, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư), các làng nghề chế biến cói ở Kim Sơn, nghề gốm Bồ Bát (Yên Mô). Ngoài ra, Ninh Bình còn được biết đến bởi nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực với nhiều món ăn nổi tiếng như: Thịt dê, cơm cháy, nem Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn… Ninh Bình có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt tương đối đồng bộ kết nối các khu, điểm du lịch trong tỉnh và liên vùng tạo nên nhiều tour, tuyến du lịch liên hoàn, khép kín. Hiện toàn tỉnh đã có gần 700 cơ sở lưu trú và hàng nghìn cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô, chất lượng khá tốt phục vụ nhu cầu ăn nghỉ, mua sắm của khách du lịch.
Cùng với đó, đội ngũ nhân lực làm du lịch, nhất là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng đã được tỉnh quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức kỹ năng làm du lịch, văn hóa ứng xử và văn minh du lịch, đến nay có gần 21.500 người lao động trong ngành du lịch. Chính nhờ những lợi thế này, Ninh Bình có thể tổ chức được rất nhiều loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch lễ hội - tâm linh; du lịch sinh thái - leo núi - du lịch làng nghề; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch khám phá, du lịch thể thao (golf), du lịch hội nghị, hội thảo…
Mục tiêu đón 7 triệu lượt khách
Năm 2021, Ninh Bình vinh dự là địa phương được Chính phủ lựa chọn để đăng cai Năm Du lịch quốc gia. Với chủ đề “Hoa Lư - Cố đô ngàn năm”, tỉnh Ninh Bình sẽ tổ chức 38 hoạt động, 4 cơ quan thuộc Bộ VHTTDL cùng 27 tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng.
Thông qua các hoạt động trong Năm Du lịch quốc gia 2021, giá trị, vẻ đẹp, tiềm năng phát triển du lịch Ninh Bình nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung sẽ được giới thiệu, quảng bá sâu rộng. Năm Du lịch quốc gia 2021 được kỳ vọng tạo động lực phục hồi ngành du lịch Việt Nam sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Năm Du lịch quốc gia 2021, Ninh Bình sẽ đưa vào khai thác những sản phẩm du lịch mới, độc đáo như: Vedana Ninh Bình Resort (xã Cúc Phương, huyện Nho Quan), Memorina Ninh Bình Farmstay (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn), tham quan trải nghiệm cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan)...
Ngành du lịch đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Ninh Bình tổ chức các lễ hội, sự kiện như: Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Hoa Lư (từ ngày 20-22/4), Lễ hội Tràng An (ngày 29/4), Lễ Đàn Kính Thiên (quý II/2021), Tuần du lịch “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” (quý II/2021)...
Xác định tầm quan trọng và trách nhiệm của địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia, năm nay, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón 7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 0,5 triệu lượt khách quốc tế; 6,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt 3.500 tỷ đồng.
Đến năm 2025, tỉnh kỳ vọng đón 8-9 triệu lượt khách du lịch, trong đó 1,5 triệu lượt khách quốc tế; 6,5-7,5 triệu lượt khách nội địa; tổng thu đạt 8.000 tỷ đồng.
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình nhận định: “Đây là thời điểm thích hợp để phục hồi và đẩy mạnh các hoạt động du lịch nội địa, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát. Do đó, Năm Du lịch quốc gia 2021 là cơ hội lớn nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm du lịch đặc sắc vốn có của Ninh Bình và phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới”.
Mũi nhọn kinh tế là du lịch
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng du lịch là một trong ba khâu đột phá chiến lược và một trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, chủ trương của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành một trung tâm du lịch quốc gia và khu vực, với những sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao mang dấu ấn, đặc trưng riêng của vùng đất cố đô Hoa Lư. Du lịch phải thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình thì công tác quy hoạch, triển khai các kế hoạch, dự án phát triển du lịch phải thực hiện một cách bài bản, khoa học. Ninh Bình đã xây dựng và thực hiện đồng bộ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt.
Cùng với đó, tỉnh cũng huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Trước mắt, tỉnh tập trung triển khai thực hiện thành công một số dự án du lịch lớn, có tính chất đột phá như dự án Công viên Văn hóa Tràng An, dự án Khu Du lịch Kênh Gà - Vân Trình...
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, ngành du lịch sẽ là nhân tố đi đầu, nhất là trong việc tuyên truyền quảng bá, marketing du lịch, thuyết minh giới thiệu cho du khách bằng cả âm thanh, hình ảnh thực tế ảo thông qua các ứng dụng du lịch thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số tốt sẽ giúp cho ngành du lịch chuẩn bị tốt các điều kiện về công nghệ, khả năng thích ứng với những thách thức, khả năng cạnh tranh với các điểm đến khác trong tương lai, đồng thời có thể tiếp cận được các thị trường khách quốc tế lớn.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Tỉnh đã và đang xây dựng chiến lược du lịch trong 5 năm và 10 năm tới, trên cơ sở định hướng chiến lược tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, mở rộng không gian phát triển, đồng thời tạo động lực mới ở những nơi, những vùng có giá trị đặc sắc về di sản, văn hóa và thiên nhiên thế giới.
“Với tỉnh Ninh Bình, bên cạnh trọng điểm là phát triển di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới Tràng An, chúng tôi sẽ tổ chức kết nối, lan tỏa những khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh nhằm khơi dậy, phát huy những giá trị đặc sắc, độc đáo riêng có của vùng đất Ninh Bình. Tôi tin rằng bề dày truyền thống lịch sử cùng giá trị của các khu, điểm du lịch sẽ tạo động lực tổng thể để Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc và đa dạng”, ông Ngọc khẳng định.