Chất lượng nguồn nhân lực: Tạo việc làm, tăng thu nhập
Đến hết quý I-2021, theo đánh giá ngành chức năng, thị trường lao động đã dần hồi phục và có dấu hiệu khởi sắc. Tuy nhiên về tổng thể thị trường lao động vẫn chưa ổn định, số người thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn ở con số khá cao. Thực tế này cho thấy, cần sớm gỡ các nút thắt để giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xem là “chìa khóa” để vượt qua khó khăn khi “bóng ma” thất nghiệp vẫn lởn vởn đâu đó.
Dấu hiệu phục hồi
Mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song thị trường lao động, việc làm trong những tháng đầu năm 2021 có nhiều tín hiệu khởi sắc. Thống kê của Tổng cục thống kê cho thấy, quý 1/2021, lao động có việc làm ở khu vực thành thị tăng 114.300 người so với quý IV-2020. Ở khu vực nông thôn, số người có việc làm tăng 508.900 người so với quý 4/2020.
Thực tế hết quý 1, trên cả nước thị trường lao động đã có dấu hiệu hồi phục đáng kể, số lao động thất nghiệp giảm, ở nhiều địa phương đã xuất hiện thực trạng “khát” nguồn nhân lực. Điều này cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động đã gia tăng. Đơn cử tại TP HCM, khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho thấy, thị trường lao động quý 1/2021 sôi động hơn so với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu nhân lực phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành tăng 13,14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM dự kiến, trong quý 2/2021, TP HCM cần khoảng 68.600 – 73.500 chỗ làm việc, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở các ngành như công nghệ thông tin; kỹ thuật điện - điện lạnh - điện công nghiệp - điện tử; cơ khí - tự động hóa; y dược; kế toán - kiểm toán; tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; kinh doanh tài sản - bất động sản; dịch vụ du lịch - lưu trú và ăn uống….
Còn tại Hà Nội, theo ước tính, trong quý I-2021 có 30.000-40.000 lao động đã tiếp cận được cơ hội việc làm mới. Tín hiệu tích cực của thị trường lao động, việc làm cũng thể hiện rõ qua số lượng lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm, số công việc chờ người lao động tăng.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở LĐTBXH Hà Nội Tạ Văn Thảo, từ đầu năm 2021 đến nay, trung bình mỗi tháng, hệ thống sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố ghi nhận 4.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm sâu so với năm 2020 (7.000 người nộp hồ sơ/tháng).
Cũng tại hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội, Trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 3.000 vị trí việc làm mới, với mức thu nhập 5-25 triệu đồng/người/tháng.
Không riêng thành phố Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường lao động, việc làm đang khởi sắc trên địa bàn cả nước. Cụ thể, tại tỉnh Hà Nam, nhu cầu tuyển dụng lao động đang lớn hơn nguồn cung. Tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, như Bắc Ninh, Hải Dương, Bình Dương, Hải Phòng…, người lao động cũng dễ tìm được việc làm hơn so với năm 2020.
Xua “bóng ma” thất nghiệp
Mặc dù thị trường lao động đã có dấu hiệu khởi sắc nhưng theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, đồng thời buộc nhiều người phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức.
Theo đó hết quý I-2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Cụ thể, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 31,6% (tương ứng với hơn 17,05 triệu người); khu vực công nghiệp và xây dựng là 31,7% (tương ứng với 17,09 triệu người); khu vực dịch vụ là 36,7% (tương ứng với 19,81 triệu người).
Đáng chú ý, dịch Covid-19 còn làm tăng đáng kể số lao động thiếu việc làm ở các khu vực kinh tế. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,68%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,93%.
Hơn một nửa số người thiếu việc đang làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 53,7%, giảm 15,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,2%, tăng 10,7 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ chiếm 26,1%, tăng 4,9 điểm phần trăm. Như vậy, tình trạng thiếu việc làm hiện nay không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, mà đang tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Đối với lao động trong độ tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thiếu việc làm càng thấp. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2020 của lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 2,87%; sơ cấp là 2,25%; trung cấp là 1,58%; cao đẳng là 1,52%; từ đại học trở lên là 1,04%.
Đáng quan ngại là số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1/2021 là gần 1,2 triệu người, giảm 60.100 người so với quý trước và tăng 136.800 người so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch Covid-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.
Gỡ nút thắt
Rõ ràng dù Chính phủ cũng như các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động nhưng thị trường lao động vẫn bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch Covid-19.
Đánh giá về những lỗ hổng của thị trường lao động hiện nay, TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, trong thị trường lao động hiện nay, vấn đề cần quan tâm là dịch chuyển của khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Hiện nay trong số 56 triệu lao động, mới có 20 triệu người trong quan hệ lao động. Đây là số lao động có việc làm ổn định hơn và thu nhập tốt hơn, có sự bảo vệ tốt hơn, có BHXH và BHYT.
Tuy nhiên vẫn còn 46 triệu lao động hoàn toàn không có ai bảo hộ trong khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH, thực hiện BHYT, BHXH toàn dân nhằm bảo vệ người lao động ở tất cả các khu vực tốt hơn. Đây là một thách thức rất lớn đối với phát triển thị trường lao động hướng đến bền vững và hiện đại.
“Nếu chúng ta không đi đúng định hướng, tạo ra một năng suất lao động mới, cao hơn để hội nhập kinh tế quốc tế... thì chắc chắn sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) đã cảnh báo điều này lâu rồi” - ông Lợi nói.
Đề xuất những giải pháp để khôi phục thị trường lao động, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh Covid-19 làm tăng tỷ lệ người lao động bị mất việc làm, cần tập trung tháo gỡ 3 “nút thắt” để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến mới của tình hình dịch, vừa kiểm soát dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Trong đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất.
Cùng với đó tập trung cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời, nhằm kích thích nền kinh tế, cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập, mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Mặt khác, các địa phương tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức, nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo Tổng cục Thống kê, nút thắt quan trọng nhất hiện nay là chú trọng đào tạo lại nguồn nhân lực, vì thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới. Vì vậy, thời gian tới, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế.